Thứ 7, 23/11/2024, 10:32[GMT+7]

Sau 8 năm thực hiện Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị Hoạt động tư pháp có những bước tiến rõ nét

Thứ 3, 22/10/2013 | 08:42:10
1,232 lượt xem
Sau 8 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020", dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cơ quan tư pháp trên địa bàn tỉnh đã không ngừng kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn theo hướng chuyên sâu, xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh.

Tòa án nhân dân tỉnh tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết, nhằm triển khai thực hiện hiệu quả, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các ngành Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án và Thi hành án dân sự xây dựng các quy chế và chương trình phối hợp. Các cơ quan đã tổ chức cho cán bộ, công chức học tập, quán triệt, nắm vững quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết.

 

Cùng với việc triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ cải cách tư pháp, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất cho hoạt động tư pháp; các cơ quan tư pháp tiếp tục được nâng cấp trụ sở làm việc, nhà tạm giam, tạm giữ, kho tang chứng, vật chứng; bố trí, trang bị một số phương tiện, máy móc kỹ thuật hiện đại phục vụ công tác chuyên môn. Các cơ quan tư pháp đã tích cực, chủ động xây dựng, củng cố, kiện toàn bộ máy phù hợp với tình hình mới. Ngành Công an tiến hành sắp xếp lại cơ quan điều tra, phù hợp với yêu cầu công tác phòng, chống tội phạm như cơ quan an ninh điều tra, cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ; thành lập Phòng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Phòng Điều tra tổng hợp, Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp.

 

Cơ quan thi hành án dân sự tách khỏi Sở Tư pháp và hoạt động độc lập tương đương với một sở; ở tỉnh đã thành lập Cục Thi hành án dân sự với 4 phòng chuyên môn, nghiệp vụ; ở huyện, thành phố có các chi cục thi hành án dân sự. Đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp về cơ bản tăng so với trước.

 

Đến nay ngành Công an có 237 điều tra viên; ngành Kiểm sát có 43 kiểm sát viên trung cấp, 69 kiểm sát viên sơ cấp; ngành Tòa án có 63 thẩm phán; cơ quan thi hành án dân sự có 7 chấp hành viên trung cấp, 42 chấp hành viên sơ cấp, 1 thẩm tra viên chính, 8 thẩm tra viên. Toàn tỉnh hiện có 32 giám định viên tư pháp (pháp y; pháp y tâm thần; kỹ thuật hình sự; tài chính, kế toán; thông tin, truyền thông; xây dựng). Đoàn Luật sư tỉnh có 71 luật sư chính thức và 22 luật sư tập sự, tham gia hoạt động ở 11 văn phòng luật sư và 1 công ty luật.

 

Có thể nói, hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong những năm qua có nhiều đổi mới, chất lượng các mặt công tác có chuyển biến tích cực. Chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ án oan sai giảm mạnh, không để xảy ra tình trạng lọt người, lọt tội, vi phạm tố tụng…

 

8 năm qua, các ngành: Công an, Kiểm sát, Tòa án đã điều tra, đưa ra truy tố, xét xử 5.491 vụ với 8.737 bị can; tiếp nhận và thực hiện quyết định thi hành án phạt tù đối với 4.673 bị án; giải quyết sơ, phúc thẩm, giám đốc thẩm 20.522 vụ việc các loại. Trong công tác thi hành án dân sự, nhiều vụ việc tồn đọng, phức tạp được giải quyết dứt điểm. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục như: công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm và công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng ở một số vụ án còn thiếu chặt chẽ, thời hạn giải quyết còn chậm; công tác quản lý, giam giữ bị can, bị cáo còn hạn chế; tỷ lệ giải quyết các vụ án dân sự, hành chính còn thấp, vẫn còn án quá thời hạn; một số tổ chức, cá nhân hành nghề luật sư, công chứng còn vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật…

 

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị, thời gian tới, các cơ quan tư pháp tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, xây dựng pháp luật, hệ thống hóa văn bản pháp luật để thống nhất thi hành. Chăm lo công tác xây dựng đảng, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh, có trình độ chuyên môn và tinh thần trách nhiệm cao; thực hiện tốt việc tuyển chọn, đề nghị bổ nhiệm và bổ nhiệm lại thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, chấp hành viên…; nâng cao đạo đức nghề nghiệp, chất lượng công tác của đội ngũ luật sư; tăng cường công tác giám sát của các đoàn thể trong hệ thống chính trị và nhân dân đối với các cơ quan tư pháp nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.

Nguyễn Tùng

 

  • Từ khóa