Chủ nhật, 24/11/2024, 15:04[GMT+7]

NGƯỜI THẦY KHÔNG BỤI PHẤN

Thứ 5, 18/11/2010 | 03:59:25
4,061 lượt xem
"Làm công tác quản lý, giáo dục, cải tạo can phạm nhân, người cán bộ quản giáo chúng tôi không quản ngại khó khăn gian khổ, tận tuỵ với công việc bởi chúng tôi là người thầy chịu trách nhiệm “dạy dỗ” những học trò đặc biệt.

Có rất nhiều hoàn cảnh khác nhau dẫn đến phạm tội nhưng tất cả các phạm nhân đều có chung một lối về đó là tích cực cải tạo tốt để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Niềm vui lớn nhất là thấy phạm nhân cải tạo tốt, biết hối cải để khi trở về với đời sống cộng đồng làm được nhiều việc có ích cho gia đình và  xã hội". Tâm sự của những cán bộ làm công tác quản lý, giáo dục và cải tạo can phạm nhân đã thôi thúc tôi muốn tìm hiểu về những "người thầy" đặc biệt.

Dạy gấp chăn, màn

 

Họ là những người thầy không đứng trên bục giảng mà vẫn đang từng ngày, từng giờ giáo dục và cảm hóa những con người lầm lỗi. Giáo dục con người đã khó, cải tạo, giáo dục can phạm nhân lại càng khó bội phần phải làm sao cho can phạm nhân nhận thức đúng về sự nghiêm minh của pháp luật, chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước, vừa khơi dậy "tính bản thiện", động viên họ yên tâm cải tạo, thực sự ăn năn, hối cải, khai báo thành khẩn trước cơ quan pháp luật.

 

Ngoài có một ý chí thép họ còn phải có một trái tim nhân hậu để bằng tình thương của mình cảm động giáo dục, những con người một thời lầm lỗi. Đặc điểm can phạm nhân trong Trại tạm giam Công an Thái Bình hầu hết đều là những đối tượng trộm cắp buôn bán ma tuý và cướp giật tài sản...trong đó số nhiễm HIV chiếm 10%, trình độ học vấn không đồng đều, có đối tượng đại học nhưng cũng có đối tượng không biết chữ, độ tuổi khá chênh lệch, có đối tượng đang ở tuổi vị thành niên và có đối tượng đang ở độ tuổi trung niên.

Tổ chức cho phạm nhân đọc báo 

 

Công việc vô cùng phức tạp và phải chịu nhiều áp lực, đối tượng luôn có biểu hiện bất cẩn không chấp hành nội quy, quy định của Trại tìm mọi cách chống đối cán bộ. Cá biệt có những đối tượng chống trả quyết liệt khi bị xử lý sai phạm. Nguy cơ phơi nhiễm HIV cao. Khó khăn là vậy nhưng hầu hết cán bộ chiến sĩ đều nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. Ngày ngày, họ phải túc trực canh gác, cùng sinh hoạt, hướng dẫn lao động cho can phạm nhân, điều chỉnh các hành vi sai trái.

 

Những ngày lễ tết lại càng phải trực chiến cao độ vì khi ấy phạm nhân thường nhớ nhà, dễ chán chường, thậm chí nảy sinh tâm lý nổi loạn. Đích đến của những "người thầy" này là uốn nắn những phạm nhân thành người có nhận thức đúng đắn, biết phục thiện. Áp lực công việc, hiểm nguy, rủi ro luôn rình rập nhưng những cán bộ quản giáo vẫn phải vượt qua tất cả để hoàn thành trọng trách được giao phó.

 

Bài học đơn giản nhất mà những người thầy ở đây thường giảng dạy là bài học về cách gấp chăn màn, cách sắp sếp và bố trí gian phòng của mình cho gọn gàng sạch sẽ. Những lời động viên về tinh thần để họ yên tâm cải tạo, chuẩn bị hành trang, kiến thức để họ bước tiếp con đường sắp tới. Những bài học hết sức cần thiết như: Nghĩa vụ của người chấp hành xong hình phạt tù, chương trình Quốc gia phòng chống tội phạm, những nội dung cơ bản của Bộ luật hình sự, luật cư trú, luật phòng chống ma tuý và tác hại của ma tuý.

Có những phạm nhân "hoa tay" thường được phân công kẻ bảng tin 

 

Với những phạm nhân sắp mãn hạn thi hành án họ còn được trang bị: Kỹ năng sống, mối quan hệ xã hội, kỹ năng để hoà nhập cộng đồng và các cách phòng tránh sự lôi kéo, rủ rê của bạn xấu dễ mắc sai phạm trở lại. Tất cả là những bài học quan trọng đối với những phạm nhân đã sống lâu ngày trong trại không được tiếp xúc với thế giới bên ngoài.

 

Trước đây, nhiều người trong số can phạm nhân chưa nghĩ đến bởi cái họ cần là cuộc sống của chính mình nhưng sau khi được nghe giảng dạy và phân tích họ đã nhận ra rằng việc bày tỏ tình cảm, đặt mình vào vị trí của người khác cũng có ý nghĩa là làm được 1 việc tốt, thậm chí có thể ngăn chặn được việc xấu sắp xảy ra. Không bị lạc lõng với thế giới bên ngoài, những người thầy lại cùng với những người học trò đặc biệt này cùng nhau đọc báo, xem ti vi để hiểu được tình hình kinh tế, xã hội, văn hoá cũng như pháp luật.

 

Có những can phạm nhân trước khi vào Trại chưa hề biết chữ, chưa biết cắt tỉa cây cảnh và làm những chậu hoa thì giờ đây họ đã trở thành những "Nghệ nhân" tài hoa. Nhìn những luống rau xanh tốt, những chậu cảnh được các phạm nhân trồng tỉa công phu không ai nghĩ rằng đây là sản phẩm từ tay những con người mà trước kia đã một thời lầm lỗi.

 

Đối với phạm nhân Nguyễn Trọng Tại năm nay đã bước sang tuổi 40 lần đầu tiên viết được tên mình và đánh vần được tên của những người thân trong gia đình là nhờ công lao lớn của những người "thầy giáo" đã quan tâm chỉ bảo.

 

Có rất nhiều hoàn cảnh khác nhau dẫn đến phạm tội nhưng tất cả các phạm nhân đều có chung 1 lối về đó là tích cực cải tạo  tốt để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, vững vàng đứng dậy sau vấp ngã hoà nhập cộng đồng, trở về với cuộc sống lương thiện. Đây cũng là đích đến cuối cùng mà những cán bộ quản giáo - những "người thầy" vẫn trông mong từng ngày, từng giờ vào những người học trò "đặc biệt" của mình.

 

Bài, ảnh: Bình Vân

(PX15 - Công an Thái Bình)

 

  • Từ khóa