Chủ nhật, 24/11/2024, 12:58[GMT+7]

Sau 4 năm triển khai việc phân cấp quản lý về PCCC Số vụ cháy, nổ trên địa bàn toàn tỉnh giảm

Thứ 4, 08/12/2010 | 08:19:17
1,856 lượt xem
Trong những năm qua, thực hiện công cuộc đổi mới, Thái Bình đang tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đã tạo ra bước tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng công nghiệp - dịch vụ.

Luyện tập hiệp đồng chữa cháy. Ảnh: Thành Tâm

Các khu, cụm công nghiệp được đầu tư xây dựng và mở rộng. Công nghệ, thiết bị máy móc, kỹ thuật từng bước được đổi mới, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh với quy mô hiện đại đầu tư hàng trăm tỷ đồng.

Công tác khoan thăm dò, khai thác dầu khí, khí than đã và đang được triển khai tại các khu vực trong tỉnh.

Các cơ sở công nghiệp và nhu cầu dân sinh sử dụng điện, xăng, dầu, khí đốt hóa lỏng, vật tư, nguyên liệu phục vụ cho sản xuất ngày càng lớn. Do đó tình hình cháy, nổ  có những diễn biến phức tạp, để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do cháy, nổ gây ra, ngày 9/8/2005, Công an tỉnh đã ban hành Quyết định số 133/QĐ-PC quy định về phân cấp quản lý công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC).

Sau 4 năm thực hiện số vụ cháy, nổ trên địa bàn đã giảm đáng kể, không để xảy ra những vụ hoả hoạn lớn, ý thức của người dân trong công tác PCCC đã được nâng cao.

Ngay sau khi quy định của Giám đốc Công an tỉnh được ban hành, Phong cảnh sát PCCC (PC23) đã kết hợp với Công an 8 huyện, thành phố đã tổ chức hội nghị bàn, thống nhất các biện pháp triển khai thực hiện. Các đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch, tuyên truyền các nội dung yêu cầu của công tác phân cấp quản lý PCCC đến công an xã, phường, thị trấn và chính quyền địa phương, các cơ sở kinh doanh để các cấp, các ngành, cơ sở nắm vững quy định của pháp luật, tổ chức quản lý chặt chẽ, giám sát các hoạt động PCCC của cơ sở.

Đồng thời, chỉ đạo lực lượng cảnh sát PCCC,  quản lý hành chính về trật tự xã hội phối hợp chặt chẽ với công an phường, xã, thị trấn tổ chức thực hiện theo kế hoạch. PC23 và công an các huyện, thành phố tập trung tăng cường công tác kiểm tra an toàn PCCC nhằm phát hiện những vi phạm quy định an toàn PCCC và sơ hở thiếu sót không bảo đảm an toàn PCCC để hướng dẫn, đôn đốc cơ sở thực hiện.

Đồng thời qua kiểm tra giúp cho việc nắm tình hình thực tế ở địa bàn, để xây dựng các chương trình, kế hoạch bảo đảm an toàn PCCC phù hợp, sát với yêu cầu thực tế của từng ngành, từng lĩnh vực.

Theo đó, định kỳ một năm kiểm tra 4 lần, đối với các cơ sở thuộc diện quản lý an toàn PCCC. Kết hợp với kiểm tra định kỳ còn tiến hành kiểm tra theo các chuyên ngành, chuyên đề như: Giao thông vận tải; Điện; Bưu chính viễn thông; Xăng, dầu gas; Dự trữ quốc gia; Tài chính, Ngân hàng, Kho bạc, Thuế; Tuần lễ quốc gia an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy, nổ; trong dịp tết Nguyên đán hàng năm; Hưởng ứng ngày toàn dân PCCC 4/10 và các đợt ra quân tấn công trấn áp tội phạm, bảo vệ các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, trọng đại của Nhà nước, của tỉnh... 

4 năm qua, PC 23 đã kiểm tra an toàn PCCC tại 5.754 lượt cơ sở; Công an huyện, thành phố kiểm tra được 9.332 lượt cơ sở; công an xã, phường, thị trấn kiểm tra được 1.015 cơ sở.

Ngoài ra, Công an tỉnh còn chỉ đạo PV 24 kết hợp cùng PC23 tổ chức 3 đợt thanh tra việc thực hiện Luật PCCC tại các cơ sở thuộc Công ty xăng dầu Thái Bình, Công ty cổ phần VLXD và chất đốt, chợ Bo (Thành phố); kiểm tra, hướng dẫn bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ trong quá trình vận chuyển, sử dụng vật liệu công nghiệp để khoan thăm dò, khai thác dầu khí, thăm dò khí than...

 Công tác cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn PCCC và giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm dễ cháy, nổ được triển khai chặt chẽ, đúng luật định. Các cơ sở sản xuất kinh doanh phương tiện giao thông vận tải thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn PCCC hoặc giấy phép vận chuyển, hàng nguy hiểm được  thực hiện  đúng quy định tại mục 7 Thông tư 04/2004/TT-BCA của Bộ Công an.

Về thẩm quyền cấp giấy thực hiện đúng theo Quy định số 133/QĐ-PC của Giám đốc Công an tỉnh về phân cấp quản lý, cụ thể:  Đối với phương tiện giao thông vận tải PC23 trực tiếp nhận hồ sơ; kiểm tra, hoàn thành thủ tục, cấp giấy chứng nhận vận chuyển hàng nguy hiểm dễ cháy, nổ.

Những phương tiện chuyên dùng để vận chuyển hoá chất, hàng nguy hiểm cháy nổ cấp giấy có thời hạn 6 tháng, những phương tiện có hợp đồng vận chuyển từng chuyến cấp giấy có thời hạn 1 lần theo hợp đồng.

Những cơ sở do Công an huyện, thành phố quản lý, công an các địa phương có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra điều kiện an toàn PCCC, sau khi kiểm tra nếu cơ sở đủ điều kiện, Công an huyện, thành phố hoàn chỉnh hồ sơ, báo cáo đề xuất PC23 cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn PCCC cho cơ sở.

Do thực hiện nghiêm túc việc phân cấp quản lý PCCC, từ năm 2006 đến nay, toàn tỉnh chỉ xảy ra 62 vụ cháy, nổ, làm 3 người chết, 3 người bị thương, thiệt hại tài sản trị giá 3.376 triệu đồng.

Từ thực tế trên cho thấy khi kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, số cơ sở trọng điểm về PCCC ngày một nhiều, công tác quản lý ở cơ sở còn bất cập thì nguy cơ cháy, nổ và thiệt hại do cháy gây ra ngày càng tăng đã đặt ra yêu cầu bức bách, đòi hỏi việc quản lý công tác PCCC ở cơ sở phải khoa học, đúng pháp luật, không chồng chéo, không bỏ sót cơ sở, địa bàn giữa cấp tỉnh, huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn.

 Nguyễn Tùng


  • Từ khóa