Chủ nhật, 24/11/2024, 21:32[GMT+7]

Phòng cháy, chữa cháy tại chỗ: Cần được quan tâm

Thứ 5, 05/10/2017 | 08:56:53
1,657 lượt xem
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh chỉ có hơn 2.700 đội phòng cháy, chữa cháy (PCCC) với 27.165 đội viên. Qua khảo sát thực tế cho thấy lực lượng PCCC cơ sở ngoài việc làm tốt công tác phòng ngừa đã tổ chức cứu chữa kịp thời gần 80% số vụ cháy xảy ra từ khi mới phát sinh, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Chính lực lượng này đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng PCCC chính quy kiềm chế hiệu quả các vụ cháy, nổ và làm nòng cốt cho phong trào toàn dân tham gia PCCC ở địa phương.

Cán bộ Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh hướng dẫn các thành viên đội chữa cháy Công ty Điện lực Thái Bình sử dụng bình bọt.

Những năm qua, công tác xây dựng phong trào quần chúng tham gia PCCC trên địa bàn tỉnh luôn được duy trì và đẩy mạnh. Các đơn vị, địa phương đã đầu tư kinh phí mua sắm trang thiết bị PCCC và xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng để bảo đảm an toàn cho sản xuất, kinh doanh cũng như tính mạng, tài sản của nhân dân. 

Trên thực tế đã có rất nhiều vụ cháy được lực lượng PCCC tại chỗ xử lý ngay từ ban đầu, do đó đã hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Gần đây nhất, tại khu 3, nhà B, Bệnh viện Tâm thần tỉnh đã xảy ra vụ cháy, nguyên nhân do chập điện từ máy điều hòa, khu vực phát cháy có nhiều đồ nhựa và máy móc, do đó đám cháy bùng phát dữ dội. Tuy nhiên, do được trang bị kiến thức cơ bản và thường xuyên tập luyện các phương án PCCC, lực lượng chữa cháy của Bệnh viện đã nhanh chóng triển khai phương án dập lửa, đồng thời tổ chức bao vây, phong tỏa khu vực phát sinh cháy, nhờ đó chỉ trong vòng 15 phút đã khống chế, xử lý thành công đám cháy, không để xảy ra thiệt hại về người và cứu được hàng loạt thiết bị máy móc trị giá hàng chục tỷ đồng. 

Hay như vụ cháy xảy ra tại Công ty Sản xuất bật lửa gas Hoa Việt (cụm công nghiệp Nguyên Xá, huyện Đông Hưng), sau khi phát hiện đám cháy trong xưởng sản xuất, hơn 100 công nhân của Công ty đã áp dụng quy trình chữa cháy được tập huấn trước đó, tập trung cắt nguồn cháy lây lan sang các xưởng bên cạnh, sau đó tập trung chữa cháy. Chỉ sau 30 phút đám cháy đã được khống chế và dập tắt. 

Đây là hai trong rất nhiều vụ cháy mà lực lượng PCCC tại chỗ đã triển khai chữa cháy nhanh chóng, thành công, giảm đáng kể thiệt hại do làm tốt công tác chữa cháy tại chỗ…

Đại tá Hoàng Đức Chiến, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh cho biết: Với quan niệm “nước xa không cứu được lửa gần” nên để PCCC kịp thời, tại chỗ, hiệu quả thì việc làm tốt công tác PCCC ngay tại cơ sở là vấn đề trọng tâm trong công tác PCCC hiện nay. 

Theo khảo sát, đánh giá thì hiện tại hệ thống trung tâm thương mại và chợ, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh về cơ bản đang làm tốt công tác PCCC tại cơ sở. Chợ Bo là trung tâm giao lưu, buôn bán, trao đổi hàng hóa của nhân dân trong tỉnh và các vùng lân cận. Hiện tại chợ có hơn 500 hộ kinh doanh cố định, gần 500 hộ kinh doanh tạm thời, tài sản của nhà nước và hàng hóa của các hộ kinh doanh trị giá hàng trăm tỷ đồng. Do vậy, việc chủ động phòng ngừa và cứu chữa kịp thời các vụ cháy, nổ xảy ra luôn là nhiệm vụ hàng đầu đối với Ban Quản lý chợ và bà con tiểu thương. Bên cạnh việc được trang bị hệ thống PCCC khá hiện đại thì cứ 2 - 3 hộ kinh doanh liên kết thành một nhóm tự quản, mỗi nhóm tự quản tự trang bị 1 bình bột cứu hỏa và cả chợ hiện có khoảng 300 bình bột cứu hỏa với tổng trị giá khoảng 100 triệu đồng. Do triển khai nghiêm túc công tác PCCC cũng như việc nâng cao ý thức chấp hành của các hộ kinh doanh nên trong nhiều năm qua chợ Bo không xảy ra các vụ cháy lớn, các đám cháy nhỏ phát sinh được kịp thời xử lý. 

Với khối lượng hàng hóa lớn và lượng người ra vào tấp nập, Ban Quản lý siêu thị Vinmart đã chủ động bố trí, sắp xếp các ngành hàng, quầy hàng theo tiêu chuẩn an toàn PCCC, đặc biệt là việc  lắp  đặt hệ thống điện, khoảng cách an toàn hành lang, kho hàng, lối thoát hiểm...; kiểm soát chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, thường xuyên kiểm tra, bố trí, bảo dưỡng, trang bị bổ sung các trang thiết bị chữa cháy. 

Đối với các khu công nghiệp lớn, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh phối hợp công ty, xí nghiệp đầu tư hệ thống cảnh báo cháy, các “mắt thần”, nhận biết được hầu hết các thông số liên quan để cảnh báo cháy, xây dựng các trụ nước, bể nước chữa cháy phù hợp, các đơn vị sản xuất kiện toàn các tổ tự quản an toàn về PCCC. Với việc đầu tư các trang thiết bị đồng bộ, tình hình cháy, nổ tại các khu công nghiệp đã giảm đáng kể.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn những bất cập về hạ tầng cơ sở trang bị, phương tiện chưa đồng bộ là một trong những nguy cơ tiềm ẩn xảy ra hỏa hoạn. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị chưa nhận thức rõ tầm quan trọng  trong công tác  PCCC, còn  chủ quan với giặc lửa như Công ty TNHH Hợp Thành (khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh, thành phố Thái Bình), trong suốt một thời gian dài thiếu quan tâm đến công tác PCCC và bảo đảm an toàn trong sản xuất, kinh doanh, đã liên tiếp để xảy ra tai nạn trong sản xuất. Trong những năm qua, Công ty này đã để xảy ra nhiều vụ cháy, nổ và tai nạn lao động. Việc chủ quan trong đun nấu, đốt vàng mã, thắp hương, sử dụng trang thiết bị điện cũ nát cũng là những nguyên nhân phát sinh cháy, nổ…

Để nâng cao hiệu quả công tác PCCC, ngoài những cố gắng của cơ quan chức năng thì việc xã hội hóa công tác PCCC tại cơ sở là việc làm quan trọng nhằm nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân, tập thể, qua đó hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hỏa hoạn gây ra.

Nguyễn Tùng