Chủ nhật, 24/11/2024, 22:05[GMT+7]

Việt Nam và Nga chính thức khởi động đóng thêm Molniya 1241.8

Chủ nhật, 05/11/2017 | 15:01:52
3,068 lượt xem
Đại diện nhà máy đóng tàu Vympel của Nga cho biết, họ đang thảo luận với Việt Nam về việc cung cấp thêm 4 tàu tên lửa Molniya 1241.8 tiếp theo.

Tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya 1241.8 của Việt Nam.

Thông tin trên được đại diện của công ty nói với cổng thông tin Rambler và được trang Sputnik dẫn lại, nội dung cụ thể như sau: "Việc tiếp tục hợp đồng với Việt Nam đang ở giai đoạn thảo luận".

Ngoài ra theo vị đại diện này, đàm phán về việc cung cấp tàu chiến cùng lớp với các khách hàng nước ngoài khác cũng đang được tiến hành.

Như vậy sau nhiều dự đoán xung quanh số phận dự án Molniya 1241.8 như Việt Nam có thể bỏ qua lớp tàu trên để tiến thẳng lên Buyan-M hay thậm chí là Karakurt thì với diễn biến mới, gần như chắc chắn Hải quân nhân dân Việt Nam sẽ tiếp tục đóng mới thêm 4 tàu tên lửa tấn công nhanh "Tia chớp" tiếp theo.

Tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya Dự án 1241.8 được thiết kế để tấn công tàu chiến và các tàu tấn công, hậu cần, đổ bộ của đối phương ở vùng ven biển và đại dương. 

Hệ thống vũ khí của tàu bao gồm 16 tên lửa hành trình chống hạm cận âm 3M-24 Uran-E tầm bắn 130 km, tốc độ Mach 0,85, mang theo đầu đạn bán xuyên giáp nặng 145 kg với cơ cấu nổ giữ chậm nhằm tận dụng động năng để xuyên qua lớp vỏ tàu rồi mới phát nổ để gia tăng tối đa thiệt hại.

Ngoài ra trên tàu còn có 1 pháo hạm AK-176M cỡ 76,2 mm, 2 pháo phòng không siêu tốc AK-630M cỡ 30 mm, hệ thống phóng mồi bẫy PK-10 và có thể còn được trang bị tên lửa phòng không vác vai SA-N-10 (SA-16).

Theo nhận định của nhiều chuyên gia quân sự, khả năng rất cao là 4 tàu Molniya tiếp theo do Việt Nam thi công đóng mới sẽ có cấu hình vũ khí mạnh hơn.

Mọi sự chú ý đang đổ dồn về tên lửa hành trình chống tàu siêu âm 3M-54E Klub-N có tầm bắn 220 km, vận tốc Mach 0,8 - Mach 2,9, mang theo đầu đạn trọng lượng 200 kg. 

Đây cũng là vũ khí đang được Nga đề nghị tích hợp cho cặp Gepard 3.9 thứ ba nếu Việt Nam quyết định đặt hàng, do vậy nếu lựa chọn 3M-54E thì sẽ tạo được sự đồng bộ về khâu hậu cần kỹ thuật sau này.

Bên cạnh đó, còn một ý kiến khác đó là Việt Nam sẽ trang bị cho loạt tàu này tên lửa hành trình chống hạm siêu âm PJ-10 BrahMos do Ấn Độ sản xuất hoặc là sử dụng phiên bản P-800 Yakhont "hàng hiệu".

Dựa trên những kinh nghiệm thu được từ loạt 6 tàu tên lửa Molniya 1241.8 vừa bàn giao, nếu thỏa thuận mua giấy phép sản xuất lô mới sớm được thông qua thì chúng ta sẽ có thêm 4 tàu tên lửa tấn công nhanh hiện đại vào trước năm 2020.

Theo Quốc phòng Việt Nam