Chủ nhật, 24/11/2024, 10:09[GMT+7]

Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an Thái Bình 55 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành

Thứ 6, 05/08/2011 | 09:42:53
3,030 lượt xem
55 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, lực lượng cảnh sát kinh tế luôn kề vai sát cánh cùng các lực lượng công an trong tỉnh hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, góp phần to lớn trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm kinh tế, bảo vệ tài sản nhà nước, tài sản tập thể, góp phần đảm bảo ANTT, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Từ ngày Bộ Công an ký Quyết định thành lập Cục Bảo vệ nội bộ (10/8/1956), tiền thân của lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ ngày nay, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ đã trải qua 55 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành. Vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, lực lượng cảnh sát kinh tế luôn kề vai sát cánh cùng các lực lượng công an trong tỉnh hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, góp phần to lớn trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm kinh tế, bảo vệ tài sản nhà nước, tài sản tập thể, góp phần đảm bảo ANTT, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Sau ngày Thái Bình giải phóng (30/6/1954), lực lượng Công an vừa tham gia sửa sai cải cách ruộng đất, vừa tập trung đấu tranh chống nạn tham ô, trấn áp bọn lưu manh, trộm cắp; giữ gìn trật tự trị an xã hội ở Thị xã và các địa bàn trọng điểm của tỉnh. Trong những năm 1955 - 1956, Công an Thái Bình, nòng cốt là lực lượng bảo vệ nội bộ đã điều tra khám phá 27 vụ tham ô, 16 vụ trộm cắp  tài sản Nhà nước, 32 vụ đầu cơ tích trữ lương thực, hàng hoá trị giá hàng chục ngàn đồng; nạn đầu cơ tích trữ bị đẩy lùi, trật tự trị an xã hội ổn định.

Từ cuối năm 1956 đến 1958, lực lượng bảo vệ nội bộ đã tiến hành đồng bộ các biện pháp đấu tranh chống phản cách mạng và tội phạm kinh tế, hình sự, bảo vệ tài sản XHCN. Phối hợp phát động sâu rộng phong trào "bảo vệ trị an" trong các cơ quan xí nghiệp, các địa bàn dân cư. Đã lập hồ sơ 15 hộ tư sản, 87 hồ sơ hộ kinh tế bất minh, xử lý 11 vụ phân tán tiền tệ, 5 vụ các nhà tư sản mua chuộc cán bộ, đề xuất cải tạo từng trường hợp cụ thể, do đó đã hạn chế sự chống đối, cảm hoá, giáo dục tư sản, tư doanh chấp hành tốt đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của  Nhà nước, phục vụ đắc lực công cuộc khôi phục kinh tế, cải tạo và xây dựng CNXH ở địa phương.

Bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), bọn tội phạm kinh tế lợi dụng sơ hở gây ra nhiều vụ tham ô, trộm cắp tài sản của Nhà nước, tập thể, nhân dân. Lực lượng Công an kinh tế Thái Bình đã nhận thức rõ trách nhiệm, đẩy mạnh công tác phát động phong trào quần chúng trong các cơ quan, xí nghiệp, đồng thời cử nhiều lượt cán bộ xuống nông thôn tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền cơ sở  trấp áp bọn chống đối, cơ hội, phá hoại phong trào hợp tác hoá, tổ đổi công; khám phá hàng trăm vụ tham ô công quỹ, trộm cắp tài sản XHCN, phát hiện điều tra 110 vụ án kinh tế, thu hồi 19.043 đồng, 27.115 kg thóc, truy tố 9 đối tượng, cảnh cáo 142 đối tượng.

Trong 2 cuộc chiến tranh phá hoại ác liệt của đế quốc Mỹ ra miền Bắc,  tài sản, hàng hoá phải phân tán nhiều nơi, công tác bảo vệ, bảo quản gặp khó khăn, bọn tội phạm triệt để lợi dụng gây ra hàng trăm vụ tham ô, trộm cắp. Lực lượng Công an kinh tế công an Thái Bình đã chủ động tham mưu cấp uỷ chính quyền, phối hợp các ban ngành đoàn thể triển khai các biện pháp phòng ngừa đấu tranh chống tham ô, trộm cắp, làm ăn phi pháp, tăng cường quản lý thị trường, phát hiện và xử lý nghiêm minh hàng nghìn vụ án kinh tế trong đó có 210 vụ tham ô. Tiến hành 11 lượt kiểm tra hành chính  474 đối tượng tham ô, đầu cơ, móc ngoặc, trộm cắp vật tư, tài sản Nhà nước và tập thể thu hồi tài sản trị giá 20 triệu đồng, đình chỉ 273 hộ kinh doanh trái phép, truy thu hàng chục triệu đồng tiền thuế, góp phần làm giảm hẳn tệ xâm phạm tài sản XHCN, làm ăn phi pháp, ổn định trật tự quản lý kinh tế trong tỉnh.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975), trong bối cảnh đất nước vừa thoát ra khỏi cuộc chiến tranh tàn khốc, bị tàn phá nặng nề, lại bị các thế lực thù địch bao vây cấm vận, tiến hành kiểu chiến tranh "phá hoại nhiều mặt" thực hiện âm mưu "diễn biến hoà bình"; tội phạm và tiêu cực xã hội diễn biến phức tạp, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã phối hợp chặt chẽ các ban, ngành, đoàn thể phát động phong trào "bảo vệ ANTQ", xây dựng "cơ quan xí nghiệp an toàn", tập trung vào các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, tổng kiểm tra hộ khẩu phục vụ cấp phát tem phiếu, bổ sung 3 phương án bảo vệ mục tiêu kinh tế, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ chủ động nắm chắc tình hình, quản lý đối tượng, mở nhiều đợt kiểm tra hành chính các hộ kinh doanh  trái phép, phát hiện và xử lý hàng ngàn vụ việc tiêu cực, trong đó có 536 vụ xâm phạm tài sản XHCN với 1032 đối tượng, thu hồi nhiều hàng hoá, tài sản có giá trị, đẩy lùi tệ tham nhũng, tiêu cực, tham ô, trộm cắp tài sản, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới, ngày 12/6/1981 Chính phủ ban hành Nghị định 250/CP về tổ chức bộ máy Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Sau khi ổn định bộ máy tổ chức, lực lượng cảnh sát kinh tế đã có kế hoạch, phối hợp với các ngành, các cơ sở kinh tế kiểm tra, chấn chỉnh nội quy, bổ sung phương án bảo vệ nội bộ, bảo vệ bí mật kinh tế, nhất là những công trình kinh tế trọng điểm, phát hiện, trấn áp mạnh mẽ các loại tội phạm kinh tế, đặc biệt là loại tội phạm lợi dụng sơ hở trong quản lý kinh tế để tham ô, vụ lợi, trộm cắp tài sản XHCN và đầu cơ buôn lậu, kinh doanh trái phép.

Chủ động tham mưu cho lãnh đạo Công an tỉnh xây dựng và chỉ đạo thực hiện nhiều kế hoạch tấn công trấn áp tội phạm kinh tế.  Phối hợp các ngành, các cơ quan kinh tế trọng điểm như dầu khí, vận tải, kho bạc, ngân hàng, thương nghiệp, xây dựng và triển khai phương án bảo vệ; phát hiện và kiến nghị điều chuyển 134 lượt cán bộ không đủ tiêu chuẩn chính trị ra khỏi bộ phận trọng điểm về kinh tế, lập hồ sơ quản lý 234 đối tượng, xây dựng và sử dụng 141 nhân viên bí mật, xác lập và đấu tranh 32 chuyên án các loại, phát hiện và xử lý 738 vụ việc kinh tế trong đó có 62 vụ tham ô, 210 vụ buôn lậu, kinh doanh trái phép, 174 vụ trộm cắp tài sản XHCN. Khởi tố điều tra 299 vụ án với 492 bị can, thu hồi tài sản hàng hoá có trị giá trên 25 triệu đồng. Ngoài ra, toàn lực lượng còn phối hợp với ngành thuế truy thu hàng trăm triệu đồng tiền thuế, góp phần tích cực bảo đảm an ninh trật tự kinh tế ở địa phương.

Quán triệt đường lối đổi mới của Đảng, lực lượng CSKT đã đổi mới phương pháp lãnh đạo chỉ huy và công tác, chủ động tham mưu, triển khai nhiều biện pháp vừa tích cực phòng ngừa, vừa chủ động tiến công các loại tội phạm kinh tế, phục vụ 3 chương trình mục tiêu kinh tế lớn của Đảng, 6 mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương. Đặc biệt trong những năm 1987 -  1989 lực lượng CSKT đã rà soát hàng loạt các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm kinh tế phát hiện trên 300 cán bộ, đảng viên có sai phạm kinh tế, kiến nghị điều chuyển 117 cán bộ, đảng viên có sai phạm ra khỏi bộ phận quan trọng trong quản lý kinh tế, tham mưu hướng dẫn công tác bảo vệ tài sản cho 136 cơ quan doanh nghiệp, đơn vị kinh tế trọng điểm, phối hợp chặt chẽ với lực lượng quản lý thị trường, biên phòng, thuế vụ trong công tác quản lý thị trường, củng cố và tăng cường các biện  pháp nghiệp vụ, phát hiện, điều tra xử lý 198 vụ xâm phạm tài sản XHCN, 134 vụ buôn lậu, kinh doanh trái phép thu hồi tài sản trên 300 triệu đồng, khởi tố điều tra 131 vụ với 293 bị can.

Bước vào giai đoạn đẩy mạnh công cuộc đổi mới, CNH-HĐH (1996-2011) cùng với toàn lực lượng công an Thái Bình tích cực triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh nông thôn, lực lượng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thái Bình đã phát hiện và xử lý gần 3000 vụ việc; trong đó có 152 vụ tham nhũng; 2.175 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm; 70 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khởi tố điều tra 451 vụ thu hồi tài sản, hàng hoá trị giá hàng trăm tỷ đồng. Nhiều vụ án tham nhũng liên quan đến cán bộ chủ chốt cấp ngành được phát hiện và kiên quyết xử lý, được dư luận cán bộ nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Với những thành tích, chiến công xuất sắc đã đạt được, phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an Thái Bình đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng II; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng III; 29 lượt được Tổng Cục thuế, Tổng công ty Điện lực, Ban 127 Trung ương, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm Bộ Công an, UBND tỉnh tặng Bằng khen; 7 năm liền (2005-2011) đạt danh hiệu: "Đơn vị Quyết thắng" "Đơn vị Văn hoá và kiểu mẫu điều lệnh CAND". 13 lượt đội công tác và 132 lượt CBCS được các cấp, các ngành khen thưởng về thành tích đột xuất, 5 đồng chí được bổ nhiệm lãnh đạo cấp phòng; 2 đồng chí không nhận hối lộ 28.000.000 đồng, không có cán bộ chiến sĩ  sai phạm. Nhiều đồng chí từng là lãnh đạo phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh đã trưởng thành, giữ các cương vị trọng trách của Đảng, của ngành như Trung tướng Phạm Quý Ngọ - Uỷ viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Thiếu tướng Đỗ Văn Rụ- nguyên Cục trưởng C13 Bộ Công an,.v.v

Phát huy thành tích và truyền thống 55 năm qua, cán bộ chiến sĩ lực lượng cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ tiếp tục không ngừng học tập, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, rèn luyện và tu dưỡng theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và thực hiện nghiêm túc 6 điều Bác Hồ dạy CAND; chấp hành nghiêm túc điều lệnh CAND, xây dựng nếp sống văn hoá vì nhân dân phục vụ, đoàn kết gắn bó, thương yêu đùm bọc, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, trên cơ sở đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự giúp đỡ của nhân dân để đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung, tội phạm kinh tế nói riêng, góp phần đảm bảo ANTT, phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

                                              Đại tá Tô Văn Cường
                        (Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về TTQLKT&CV)

  • Từ khóa