Thứ 2, 25/11/2024, 00:42[GMT+7]

Những chú “lính chì” gác biển

Thứ 7, 13/01/2018 | 21:03:16
2,773 lượt xem
Giữa mênh mông sóng nước điệp trùng, những chú chó ở Trường Sa, không chỉ mang trong mình hình bóng thân quen nơi đất liền mà theo thời gian, chúng dần trở thành những người bạn gắn bó thân thiết, những cận vệ trung thành cùng người lính gác biển giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Trong hải trình thăm, tặng quà và chúc tết các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa, điểm đảo Đá Đông B là điểm dừng chân đầu tiên của đoàn công tác chúng tôi.

Lang thang trên đảo tác nghiệp, thăm hỏi tình hình cuộc sống, sinh hoạt và công tác chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, tôi bắt gặp hình ảnh người lính đảo quyến luyến, nô đùa cùng những chú chó trước giây phút chia tay.

Đại úy Trần Văn Phương, là Chính trị viên điểm đảo Đá Đông B vừa dẫn chúng tôi đi thăm đảo vừa nói: “Các bạn đừng sợ, chó trên đảo không cắn ai đâu, nó chỉ sủa theo đúng bổn phận vì nó cũng mong có người ra thăm đảo mà”. 

Đại úy Phương cho biết, chó nuôi trên đảo chủ yếu là chó nhà thuần chủng mang từ đất liền ra nuôi ở các đảo, sau đó trao qua đổi lại giữa các đảo với nhau, tuy nhỏ bé nhưng chúng rất khôn ngoan, lanh lợi. Quanh năm sống trên những cụm bê tông này nên đàn chó ở đây cũng “thèm hơi” đất liền không kém những người lính đảo. Vì vậy mà khi có đoàn khách ra thăm, chúng muốn ùa tới để “hít hà”, dù chưa quen biết.

Thường ngày, những chú chó ở đảo tự tìm cho mình chỗ ở, đó là những khu vực trống và có bóng râm như dưới gần cầu bê tông nối 2 nhà kiên cố hay vẩn vơ trong những vườn rau xanh.

Ôm một chú chó vào lòng, Trung sĩ Lương Thế Anh, Khẩu đội trưởng DKZ, quê xã Thanh Tân, Kiến Xương tâm sự: Nó tên là Gấu. Hồi mới ra đảo, tụi em tranh nhau để được cho chúng ăn. Sau khoảng một tuần thì chúng em đã trở nên thân thiết. Sau đó, căn cứ vào đặc điểm của từng chú, chúng em đặt tên để phân biệt như: Vàng, Đốm, Khoang, Mập, Gấu... Khi đi đánh cá hay đi tuần tra, chúng em hay gọi các bạn ấy đi cùng. Rảnh rỗi, chúng em lại lôi mấy chú xuống tắm biển và tổ chức các cuộc thi bơi.

 “Tất nhiên, phần thắng luôn thuộc về chúng em. Bộ đội mà, mình phải bơi nhanh hơn chứ” - Thế Anh cười và tiếp tục kể: Khoảng 2 tháng trước, con Đốm và con Vàng sinh, chúng em đã thu gom những mảnh gỗ có sẵn trên đảo và dạt từ biển vào để đóng chuồng cho nó ở. Những chú cún còn yếu, chúng em nhường phần sữa của mình pha cho chúng uống. Nay nhìn các bạn ấy khỏe mạnh, chúng em vui lắm. Tiếng chó sủa nhóc nhách cũng khiến đảo đỡ buồn.

 “Nhiều lúc rảnh rỗi, nhớ nhà, nhớ người thân, nhớ người yêu, ở trên đảo, ngoài việc ôm đàn ghita bập bùng hát, lính đảo giờ có thêm chú chó làm bầu bạn. Khi thấy chúng em buồn, nó lại quấn lấy, sấn vào lòng để lắng nghe tâm sự” - Thế Anh nói.

Nếu như chó ở trong bờ chỉ phải đối mặt với trộm hoặc tranh giành lãnh địa với đồng loại thì ở đây chúng còn phải sẵn sàng đối mặt với những kẻ thù còn nguy hiểm hơn nhiều lần. Tuy nhiên, bằng bản lĩnh của mình, chúng chưa bao giờ làm anh em lính đảo thất vọng. “Cùng là tiếng sóng xô bờ nhưng chúng biết rõ cái nào là do sóng, cái nào là do người tạo ra. Ở với người lính, chúng cũng rất có kỷ cương, nền nếp, cũng có con đầu đàn để “chỉ huy” toàn bộ những con còn lại. Mỗi khi anh em đi tuần kiểu gì cũng có vài con chạy theo. Có chúng nó vừa vui lại vừa yên tâm”. 

Hướng ánh mắt xa xăm về phía đất liền, Thế Anh bộc bạch: “Vậy là đã tròn một năm thực hiện nghĩa vụ ở trên đảo. Ngần ấy thời gian, em luôn coi chúng là những người bạn, người đồng chí của mình. Ngày mai, em sẽ lên tàu để trở về đất liền, em sẽ rất nhớ chúng và em biết chúng cũng không muốn rời xa em”.

Nắng chiều hắt xuống mặt biển, gió chiều lồng lộng, đoàn công tác chia tay các cán bộ, chiến sĩ trên điểm đảo Đá Đông B để tiếp tục di chuyển đến những hòn đảo khác theo hải trình. Mọi người lưu luyến vẫy tay chào nhau. Những chú chó cũng lặng lẽ nối đuôi nhau chạy ra tận mép nước đăm đắm nhìn theo khi xuồng rời đi.

Nguyễn Thơi