Chủ nhật, 24/11/2024, 07:40[GMT+7]

Giải pháp nâng cao chất lượng công tác PBGDPL trong trường học

Thứ 4, 21/09/2011 | 08:51:00
2,551 lượt xem
Với nhận thức phổ biến giáo dục pháp luật(PBGDPL), đặc biệt là giáo dục pháp luật cho học sinh trong các nhà trường là giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục ý thức công dân, ý thức làm người, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp luật thể chế hoá các Nghị quyết của Đảng, khẳng định vai trò chiến lược và tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện PBGDPL trong nhà trường.

Lực lượng Thanh tra giao thông tổ chức thi “Tìm hiều Luật Giao thông đường bộ tại Trường Tiểu học Vũ Hội (Thành phố).

Xuất phát từ mục tiêu giáo dục và đào tạo toàn diện của các nhà trường, từ yêu cầu tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, ngay từ đầu những năm 80, Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương đưa giáo dục pháp luật vào nhà trường.

Các nghị quyết quan trọng của Đảng từ Nghị quyết số 14 ngày 11/01/1979 về cải cách giáo dục đến các nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc đều đã thể hiện nhất quán chủ trương đó và nhấn mạnh vai trò của phổ biến giáo dục pháp luật( PBGDPL) trong quá trình xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đưa việc giáo dục pháp luật vào các trường học, các cấp học, xây dựng ý thức sống có pháp luật và tôn trọng pháp luật có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng..

Với nhận thức PBGDPL, đặc biệt là giáo dục pháp luật cho học sinh trong các nhà trường là giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục ý thức công dân, ý thức làm người, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp luật thể chế hoá các Nghị quyết của Đảng, khẳng định vai trò chiến lược và tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện PBGDPL trong nhà trường.

1. Đặc điểm, ưu thế của giáo dục pháp luật trong nhà trường là có đối tượng đông, mạng lưới trường lớp rộng khắp
Giáo dục pháp luật trong nhà trường tác động đến số đông người học là người đang học tập tại cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm: Trẻ em của cơ sở giáo dục mầm non; Học sinh phổ thông, lớp dạy nghề, trung tâm dạy nghề, trường trung cấp, trường dự bị đại học; Sinh viên của trường cao đẳng, trường đại học; Học viên của cơ sở đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ; Học viên theo học chương trình giáo dục thường xuyên.

Năm học 2009-2010, cả nước có trên 22,9 triệu người học. Người học chiếm khoảng 1/4 dân số cả nước.Ý thức pháp luật của người học có quan hệ hữu cơ với ý thức pháp luật xã hội. Vì có số lượng đông nên nếu người học có ý thức pháp luật cao thì tỷ trọng số người có ý thức pháp luật trong xã hội cũng cao. Mặt khác, đa số người học là đối tượng thanh thiếu niên đang cần được giáo dục toàn diện. Vị trí tương lai của người học quy định vị trí quan trọng của họ bởi lẽ việc xây dựng nhà nước pháp quyền đòi hỏi nguồn nhân lực không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn phải có ý thức pháp luật cao.

Ngày nay, trong xu thế toàn cầu hoá thì các quan hệ quốc tế cũng phải được xây dựng trên nền tảng pháp luật. Điều đó chỉ có được nếu nhà trường hôm nay chủ động chuẩn bị cho người học những hiểu biết và cả tâm thế để xử lý các quan hệ trong và ngoài nước bằng pháp luật và theo pháp luật. Người học có ý thức pháp luật tốt sẽ lan toả, ảnh hưởng đến những người xung quanh (ngay cả trẻ em mẫu giáo cũng có thể biết nhắc bố mẹ dừng lại trước đèn đỏ nếu được giáo dục về quy tắc giao thông).

Một thế mạnh khác của ngành giáo dục là mạng lưới trường lớp rộng khắp ở mọi miền của đất nước.Năm học 2009-2010, cả nước có 42.882 trường học. Bên cạnh hệ thống cơ sở giáo dục chính quy, mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên cũng phát triển mạnh với 69 trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp tỉnh, 615 trung tâm GDTX cấp huyện, 9.990 trung tâm học tập cộng đồng.Vì vậy có điều kiện tham gia vào công tác PBGDPL cho mọi người dân. Các cơ sở giáo dục có cơ sở vật chất (phòng học, tủ sách, công cụ tin học) có khả năng tổ chức công tác PBGDPL một cách trực tiếp, liên tục, bài bản và hiệu quả cao.

Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý có điều kiện và khả năng tham gia phổ biến giáo dục pháp luật. Năm học 2009-2010, toàn ngành giáo dục có gần 1,1 triệu nhà giáo. Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục có hơn 10.000 người làm việc ở Bộ, sở, phòng giáo dục và đào tạo; 80.000 người làm việc ở các cơ sở giáo dục. Hầu hết đội ngũ này có trình độ học vấn, chuyên môn cao, nhiều người có khả năng sư phạm tốt. Đây có thể coi là thế mạnh cơ bản của ngành giáo dục. 

 2. Cơ sở pháp lý: Kể từ sau Hội nghị Tổng kết mười năm ( năm 1999) công tác đưa giáo dục pháp luật vào trường học đến nay, việc dạy và học pháp luật trong nhà trường ngày càng được chú trọng; công tác PBGDPL trong trường học cũng trở thành một trong những nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng được triển khai rộng khắp trong các trường học.

Sau khi có Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, công tác PBGDPL nói chung cũng như trong trường học được các cấp, các ngành quan tâm, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo hướng dẫn, đó là  :

-  Các quyết định của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình PBGDPL từ năm 2003 đến năm 2007, từ năm 2008 đến năm 2012

- Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg ngày 25 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật, trong đó chỉ đạo việc xây dựng tủ sách pháp luật trong trường học.

- Quyết định số 1928/QĐ-TTg ngày 20 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng công tác PBGDPL trong nhà trường.

- Quyết định số 2160/QĐ-TTg ngày 26 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường công tác PBGDPL nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên giai đoạn 2011 - 2015.

- Thông tư liên tịch số 02/2006/TTLT ngày 07/6/2006, giữa Bộ Tư pháp và Bộ Giáo dục - Đào tạo và một số bộ, ngành hướng dẫn việc xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học.

- Thông tư liên tịch số 30/2010/TTLT-BGD&ĐT-BTP ngày 16 tháng 11 năm 2010 của Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Tư pháp hướng dẫn phối hợp công tác PBGDPL trong trường học.

Về phía Bộ Giáo dục - Đào tạo đã ban hành và phối hợp ban hành nhiều văn bản chỉ đạo trực tiếp về công tác PBGDPL trong nhà trường như Chỉ thị số 45/2007/CT-BGDĐT ngày 17/8/2007 về tăng cường công tác PBGDPL trong ngành giáo dục và các kế hoạch công tác PBGDPL hàng năm  chỉ đạo địa phương thực hiện.

Ở địa phương, các Sở Tư pháp, Sở Giáo dục - Đào tạo vẫn chủ động đưa công tác PBGDPL trong trường học vào kế hoạch PBGDPL hàng năm và phối hợp tổ chức triển khai đến cán bộ, giáo viên và học sinh các trường.

Đến nay, sau hơn hai mươi năm triển khai đưa giáo dục pháp luật vào nhà trường, tăng cường phổ biến pháp luật cho học sinh, sinh viên đã có được những kết quả đáng kể chủ yếu sau:

Nhận thức về vai trò, vị trí của PBGDPL góp phần vào việc hình thành nhân cách của học sinh, sinh viên được khẳng định.

Cơ sở pháp lý cho công tác PBGDPL trong nhà trường đã và đang từng bước được hình thành, tạo điều kiện cho việc chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện.

Việc phổ biến pháp luật cho học sinh, sinh viên đã bước đầu đi vào nền nếp, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng,  với nội dung cần thiết thực.

Đội ngũ cán bộ làm công tác  PBGDPL trong nhà trường được quan tâm.
Nhận thức về pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của học sinh, sinh viên từng bước được nâng lên.

Tuy nhiên, so với yêu cầu thì hiệu quả công tác này vẫn còn những hạn chế dẫn đến một thực tế là hiểu biết pháp luật của học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp khi còn đang cũng như khi ra trường còn nhiều hạn chế. Hiện tượng vi phạm pháp luật nói chung trong học sinh, sinh viên vẫn xảy ra, trong đó có cả những vi phạm nghiêm trọng như cướp của, giết người, hiếp dâm…  Ý thức tự giác, tôn trọng chấp hành pháp luật của một bộ phận học sinh, sinh viên chưa được nâng cao. Có nhiều trường hợp người vi phạm pháp luật vẫn không nhận thức được những việc làm của mình là hành vi vi phạm pháp luật. Có hiện tượng còn coi thường pháp luật như khi tham gia giao thông.

3. Phương hướng nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong trường học thời gian tới
 Tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL trong đó đã nêu rõ công tác PBGDPL trong nhà trường phải :“tiếp tục hoàn thiện chương trình, giáo trình, sách giáo khoa về pháp luật phục vụ trực tiếp cho công tác PBGDPL trong nhà trường theo phương châm kết hợp nhuần nhuyễn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành.Việc đưa pháp luật vào giảng dạy trong nhà trường phải được chọn lọc hợp lý, có hệ thống và bảo đảm hiệu quả thiết thực”.

Ngày 08/8/2011, Tỉnh ủy Thái Bình đã ban hành Chỉ thị số 04- CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tình hình mới. Trong đó có nội dung “ Sở Tư pháp phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh và các ngành liên quan xây dựng kế hoạch đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho thế hệ trẻ và học sinh, sinh viên.”

Để nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường cần:

Coi trọng và xây dựng nhận thức đúng về vị trí, vai trò quan trọng của công tác PBGDPL trong trường học.Quán triệt quan điểm, công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên trong nhà trường đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao trình độ văn hóa pháp lý cho công dân trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Kiện toàn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác PBGDPL  trong trường học. Tạo cơ chế phối hợp giữa ngành tư pháp, ngành giáo dục và các ngành có liên quan trong giáo dục ý thức pháp luật cho học sinh, sinh viên. Tạo điều kiện cho cán bộ làm nhiệm vụ pháp chế và báo cáo viên pháp luật, giáo viên dạy giáo dục công dân, pháp luật tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt là nghiệp vụ phổ biến pháp luật. Đây chính là những nhân tố quan trọng, quyết định đến chất lượng, hiệu quả của công tác tuyên truyền, PBGDPL trong trường học. 

Xây dựng kế hoạch phối hợp, cơ chế làm việc, chế độ chính sách hợp lý, bảo đảm kinh phí cho công tácPBGDPL trong trường học. Xây dựng kế hoạch phối hợp giữa chính quyền và các đoàn thể (như Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Đội thiếu niên và Hội sinh viên) trong công tác tuyên truyền, PBGDPL.Tổ chức Câu lạc bộ pháp luật, Trung tâm tư vấn pháp luật cho học sinh, sinh viên ...

Đổi mới phương thức PBGDPL tạo tính tích cực, chủ động trong việc tìm hiểu, nhận thức bằng nhiều hình thức khác nhau như hình thức sân khấu hóa, tổ chức thi tìm hiểu pháp luật, phổ biến các văn bản Luật mới ban hành. Triển khai thực hiện có hiệu quả “Ngày pháp luật” trong các trường học.

Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc giảng dạy chính khoá cũng như hoạt động ngoại khoá về giáo dục pháp luật. Lồng ghép PBGDPL vào các môn học chính khoá và các hoạt động ngoại khoá trong chương trình giáo dục.Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, trong sáng, là cái nôi, là môi trường tốt nhất cho sinh viên rèn luyện mình. Công tác PBGDPL phải được tiến hành đồng bộ với việc tổ chức thực hiện pháp luật

Kiểm tra thường xuyên cũng như định kỳ công tác PBGDPL tại các  trường học và các cơ sở giáo dục. Xây dựng tiêu chí đánh giá công tác PBGDPL trong trường học, đánh giá công tác quản lý giáo dục của đơn vị đưa vào tiêu chuẩn bình xét thi đua giữa các trường.  

                                                                           Ngọc Dậu
(Sở Tư pháp)
                                                                                      
 

 


  • Từ khóa