Chủ nhật, 24/11/2024, 08:00[GMT+7]

Chủ động PCCC, đảm bảo an toàn để phát triển kinh tế - xã hội

Thứ 6, 23/09/2011 | 13:36:46
2,681 lượt xem
Từ năm 2001 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra gần 160 vụ cháy, 2 vụ nổ làm 5 người chết, 28 người bị thương, gây thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 16 tỷ đồng. Số vụ cháy, nổ trong 10 năm (2001 - 2011) tăng 5,3%, trong đó số vụ cháy trong các cơ quan, nhà nước, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tăng 26%.

Lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH diễn tập công tác PCCC

Những năm qua, Thái Bình tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng dịch vụ. Các thành phần kinh tế như doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài... tăng cả về số lượng và quy mô sản xuất. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chung cư, chợ, trung tâm thương mại... không ngừng phát triển và đó cũng là những cơ sở trọng điểm về công tác PCCC.

Đến nay, toàn tỉnh có trên 3200 cơ sở và địa bàn trọng điểm trong diện quản lý an toàn về phòng cháy chữa cháy (tăng 200% so với năm 2001). Trong đó có gần 50 khu, cụm và điểm công nghiệp với tổng diện tích gần 2000ha; 6 siêu thị và trung tâm thương mại, hàng trăm chợ lớn bé (trong đó có 3 chợ đầu mối và 1 chợ lớn trên 500 gian hàng), 2 kho trung chuyển hàng hóa và 8 kho trung chuyển xăng dầu, 3 nhà máy san chiết nạp khí dầu mỏ hóa lỏng với lượng tiêu thụ trên 4000 tấn, gần 200 cửa hàng kinh doanh xăng dầu... Đây đều là những cở sở, địa bàn trọng điểm tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao.

Bên cạnh đó, hàng chục cơ sở trọng điểm có nhiều nguy cơ cháy, nổ nằm xen kẽ trong khu dân cư ở khu vực nội thành. Thêm vào đó là việc sử dụng hệ thống điện sinh hoạt, xăng dầu, gas, hóa chất, chất cháy phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt ở nhiều cơ sở sản xuất – kinh doanh, hộ gia đình, khu dân cư và những nơi công cộng vẫn chưa đạt tiêu chuẩn về an toàn PCCC. Hệ thống cấp nước chữa cháy khu đô thị, cụm công nghiệp tuy được chú trọng xây dựng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu về điều kiện kỹ thuật phục vụ công tác PCCC… Tất cả các các yếu tố đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến lĩnh vực an toàn cháy, nổ và thực hiện công tác PCCC ở địa phương.

Ngay sau khi Luật Phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực thi hành, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, công văn chỉ đạo các cấp, các ngành, UBND các huyện, thành phố cụ thể hoá thành nhiều biện pháp tổ chức thực hiện, gắn công tác đảm bảo an toàn PCCC vào chương trình qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH (Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ), Công an các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng tổ chức đa dạng các hình thức, biện pháp tuyên truyền với hiệu quả thiết thực. Đã chủ động phổ biến rộng rãi các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật PCCC trong cán bộ và nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Hàng năm, sử dụng hàng trăm lượt xe tuyên truyền lưu động trên địa bàn tỉnh, cung cấp hơn 1000 băng, đĩa, tài liệu tuyên truyền về Luật PCCC, các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC, đã hướng dẫn trên 10 000 lượt cơ sở, các cơ quan, doanh nghiệp treo băng biển khẩu hiệu, panô áp phích tuyên truyền về công tác PCCC hưởng ứng Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy 4/10, Tuần lễ quốc gia an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ và nhân dịp Tết Nguyên đán. Mở nhiều đợt tuyên truyền mạnh mẽ đến tận tổ dân phố, cụm dân cư và từng hộ gia đình nắm được nội dung của luật PCCC. Nội dung tuyên truyền tập trung hướng dẫn mọi người hiểu và thực hiện tốt các quy định về công tác PCCC.

Thường xuyên thông báo tình hình cháy, nổ và những nguy cơ xảy ra cháy, nổ, nhằm nâng cao ý thức của mọi người dân chủ động phòng ngừa, khắc phục những thiếu sót trong công tác PCCC. Kẻ vẽ hàng ngàn băng biển, panô áp phích tuyên truyền về công tác PCCC tại các cơ quan doanh nghiệp, khu dân cư, những khu vực trọng điểm, nơi tập trung đông người. Phối hợp tổ chức các lớp tuyên truyền, phổ biến kiến thức, thi tìm hiểu công tác PCCC cho hàng chục ngàn cán bộ, công nhân viên, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh. Thông qua những biện pháp tuyên truyền này đã từng bước nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và mọi người dân trong công tác PCCC.

Lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH (PC66) Công an tỉnh được tăng cường, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phát huy vai trò nòng cốt trong công tác PCCC. Chủ động tham mưu cấp uỷ, chính quyền các cấp, các địa phương, đơn vị đẩy mạnh công tác xã hội hoá phong trào phòng cháy, chữa cháy ở cơ sở. Xây dựng các mô hình như cụm cơ quan, doanh nghiệp an toàn PCCC, giao ước thi đua bảo đảm an toàn PCCC, hoạt động của lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng.

Từ năm 2001 tới nay, các hội thao kỹ thuật chữa cháy của lực lượng phòng cháy, chữa cháy quần chúng liên tục được tổ chức với hàng nghìn lượt đội viên đội dân phòng tham gia; từ đó tích cực tuyên truyền xây dựng, phát động phong trào “Toàn dân phòng cháy, chữa cháy”. 90% số vụ cháy xảy ra được lực lượng PCCC cơ sở phát hiện sớm và tổ chức cứu chữa từ ban đầu, góp phần hạn chế thiệt hại. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện và duy trì tốt chế độ tự kiểm tra, chấn chỉnh công tác PCCC trong nội bộ, đồng thời chủ động kiện toàn các nội quy phòng cháy, chữa cháy; xây dựng phương án chữa cháy tại chỗ.

Đến nay đã thành lập nhiều mô hình cụm “Cơ quan - Doanh nghiệp an toàn” về PCCC và hoạt động có hiệu quả ở nhiều địa phương như Khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh, KCN Tiền Hải, KCN Phúc Khánh... Đồng thời xây dựng, củng cố gần 2000 phương án chữa cháy tại chỗ, trên một triệu lượt người được tham gia thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, trên 10 000 người tham gia và ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC, không sử dụng chất cháy, nổ trong quá trình sản xuất, sinh hoạt.

10 năm qua, lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH đã tiến hành thẩm duyệt thiết kế, thiết bị an toàn PCCC cho hơn 400 công trình, kiểm tra thi công trên 300 công trình của các cơ sở, doanh nghiệp. Qua đó đã phát hiện kiến nghị và yêu cầu khắc phục trên 1000 sơ hở thiếu sót trong thiết kế các công trình, bổ sung kịp thời trước khi đưa vào xây dựng, hoạt động, góp phần đảm bảo an toàn PCCC cho công trình ngay từ khi còn ở trên bản vẽ. 

Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH đã thực hiện tốt công tác thường trực sẵn sàng chiến đấu. Tổ chức duy tu, bảo dưỡng, sữa chữa các thiết bị, xe và máy bơm chữa cháy đảm bảo sẵn sàng ứng cứu, chữa cháy kịp thời không để gây thiệt hại nghiêm trọng.  Từ năm 2001 đến nay, đơn vị đã tham gia cứu chữa kịp thời nhiều vụ cháy, nổ, hạn chế mức độ gây thiệt hại về tài sản trị giá trên 100 tỷ đồng, phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ điều tra làm rõ nguyên nhân của trên 90% các vụ cháy nổ và xử lý kịp thời các vụ việc liên quan, tạo được sự tin tưởng trong nhân dân.

Trong thời gian tới, để công tác phòng cháy, chữa cháy đạt được hiệu quả cao hơn, đòi hỏi các cơ quan, ban, ngành, địa phương liên quan phải thực hiện nghiêm túc quy định Luật Phòng cháy và  chữa cháy. Lực lượng PCCC từng bước được xây dựng chuyên nghiệp theo hướng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ PCCC trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội bền vững.

Các cơ quan chức năng cần làm tốt hơn nữa công tác hướng dẫn các địa phương, cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền PCCC tại chỗ cho cán bộ, công nhân viên và nhân dân; tăng cường hiểu biết của người dân về tác hại của nạn cháy; ý thức được vai trò, tầm quan trọng của công tác PCCC cũng như các quy định của Luật Phòng cháy và  chữa cháy, từ đó tự nguyện tham gia công tác PCCC tại cơ sở. Phong trào toàn dân tham gia PCCC ở các cơ sở cần thường xuyên được củng cố; nhân rộng mô hình cụm cơ quan, doanh nghiệp an toàn PCCC, mô hình giao ước thi đua bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy.

Nguyễn Dung

(Công an tỉnh)

 

  • Từ khóa