Chủ nhật, 24/11/2024, 07:32[GMT+7]

Ngành Tư pháp Thái Bình Góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông 

Thứ 3, 08/11/2011 | 14:48:29
2,089 lượt xem
Thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 24/02/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá IX về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật an toàn giao thông và Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 27/4/2004 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVI về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trong thời gian qua ngành Tư pháp Thái Bình đã triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền pháp luật về giao thông bằng nhiều hình thức.

Sở Tư pháp phối hợp cùng một số cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và Trung tâm học tập cộng đồng các xã, phường, thị trấn tổ chức 92 lớp truyền thông để giới thiệu Luật Giao thông đường bộ...

Công tác tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ là một trong những nội dung thường xuyên trong chương trình phổ biến giáo dục pháp luật hàng năm của ngành Tư pháp Thái Bình.

Sở Tư pháp phối hợp cùng một số cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và Trung tâm học tập cộng đồng các xã, phường, thị trấn tổ chức 92 lớp truyền thông để giới thiệu Luật Giao thông đường bộ, Nghị định 152/2005/NĐ-CP; Nghị định số 146/NĐ-CP, Nghị định 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thay thế Nghị định 146/NĐ-CP, Chỉ thị số 22-CT/TW, Nghị quyết 11-NQ/TU… cho gần 14.000 đối tượng là cán bộ, trưởng thôn, Hội Cựu chiến binh, Hội nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, đội ngũ hoà giải viên và nhân dân… Các Báo cáo viên của Sở trực tiếp tham gia truyền đạt pháp luật về giao thông tại các hội nghị của nhiều Sở, ngành như Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Sở Lao động thương binh và xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo,  Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, trường Cao đẳng kinh tế kỹ thuật, trường Cao đẳng văn hoá nghệ thuật, các doanh nghiệp, trường học, UBND các huyện, thành phố… Ngoài ra, trong các hội nghị tập huấn pháp luật của ngành, Sở đều thực hiện việc lồng ghép tuyên truyền pháp luật về giao thông.

Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các xã, phường, thị trấn xây dựng tủ sách pháp luật. Đến nay 100% các xã, phường, thị trấn và hơn 100 cơ quan, đơn vị, trường học trong tỉnh  đã xây dựng tủ sách pháp luật. Tháng 12 năm 2010, thực hiện Quyết định 06/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng chính Phủ, Sở Tư pháp đã hoàn tất việc cung cấp 115 tủ sách pháp luật mới cho 07 Phòng Tư pháp và 108 xã, phường, thị trấn; 286/286 xã, phường, thị trấn được cấp 29 đầu sách các loại cho tủ sách pháp luật trong đó có những loại sách pháp luật về giao thông.

Sở in 53.500 tờ gấp tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường thuỷ nội địa và Nghị định 152/2005/NĐ/CP ngày 15/12/2005 cấp phát cho học sinh các trường TH chuyên nghiệp, Đại học Y và người tham gia giao thông trên địa bàn thành phố, chủ các phương tiện tàu thuyền trên sông, người dân ở các bến đò, các hộ gia đình, khu dân cư, học sinh, sinh viên một số trường phổ thông, cao đẳng, đại học; 5600 cuốn tài liệu tuyên truyền Luật giao thông đường bộ và Nghi định 146/2007/NĐ-CP cấp cho tủ sách pháp luật của 286 xã, phường, thị trấn, học sinh một số cơ quan, doanh nghiệp, trường học (trường trung cấp nghề cho người khuyết tật, trường cao đẳng văn hoá nghệ thuật tỉnh Thái Bình…) và người dân tại một số xã, phường trong tỉnh; 17.000 tờ gấp tìm hiểu một số quy định tại Nghị định 34/2010/NĐ-CP ngày 02/4/2010 của Chỉnh phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ cấp phát tại các hội nghị tuyên truyền, tại một số trường học, các nút giao thông trọng điểm...

Thực hiện tuyên truyền pháp luật về giao thông đường bộ tới đông đảo cán bộ và nhân dân tại chuyên mục “Pháp luật và đời sống” trên Báo Thái Bình và “Hộp thư truyền hình”, “Văn bản mới, chính sách mới” trên Đài Phát thanh truyền hình tỉnh. Viết 258 tin, bài trên các Báo và Bản tin Tư pháp Thái Bình, Cổng thông tin điên tử của Sở giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật Giao thông đường bộ; Nghị định số 146/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông; một số điểm mới được quy định tại Nghị định số 34/2010/NĐ-CP… qua đó giúp cho cán bộ, nhân dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm của bản thân, gia đình trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Xây dựng 8 phóng sự về công tác tuyên truyền pháp luật về giao thông của Sở; 15 phóng sự về công tác phổ biến giáo dục pháp luật nói chung trong đó có tuyên truyền pháp luật về giao thông tại một số xã, phường.

Từ năm 2003 đến hết tháng 6 năm 2011, chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước trực thuộc Sở thực hiện  lồng ghép trợ giúp pháp lý với tuyên truyền pháp luật giao thông tại 456 lượt xã, phường, thị trấn; trực tiếp tư vấn, giải đáp pháp luật cho  11.693 đối tượng, có rất nhiều trường hợp hỏi về những vướng mắc về pháp luật giao thông được giải đáp trực tiếp.

Năm 2009, Sở Tư pháp tổ chức thành công cuộc thi tuyên truyền viên pháp luật giỏi dưới hình thức sân khấu hoá từ cấp xã, cấp huyện đến cấp tỉnh thu hút hàng chục nghìn người tham gia. Tại các phần thi đều có các câu hỏi liên quan liên quan đến pháp luật về giao thông, qua đó nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ tuyên truyền pháp luật về pháp luật nói chung, pháp luật về giao thông nói riêng cho các cán bộ - Tư pháp hộ tịch cơ sở.

Sở chỉ đạo Phòng Tư pháp các huyện, thành phố đặc biệt quan tâm đến công tác PBGDPL về giao thông. 8 năm qua, các Phòng Tư pháp đã in 343 tập sách; 163.830 tờ rơi, tờ gấp; sao hàng nghìn băng đĩa tìm hiểu về Luật Giao thông đường bộ cấp cho các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện, học sinh, sinh viên, lái xe khách, người tham gia giao thông tại các nút giao thông, hộ gia đình ven quốc lộ...

Phòng Tư pháp huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, đặc biệt là Công an, Phòng Giáo dục và đào tạo, Ban An toàn giao thông huyện, Hội đồng các xã, phường, thị trấn... mở 5.836 hội nghị tuyên truyền cho trên 631.538 lượt người tham dự. Có những hội nghị thu hút hàng nghìn người tham dự, điển hình như hội nghị nói chuyện ngoại khoá chuyên đề về pháp luật giao thông cho học sinh các trường THPT, THCS; hội nghị tuyên truyền Luật Giao thông cho công nhân công ty may Hoàng Anh, công ty Sao Vàng của huyện Quỳnh Phụ, mỗi hội nghị  có trên 2000 người tham dự.

Phòng Tư pháp Thành phố kết hợp cùng Ban an toàn giao thông, Công an, Đoàn thanh niên, Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố ký kết 03 chương trình phối hợp liên ngành PBGDPL về giao thông đường bộ. Phòng Tư pháp Vũ Thư phối hợp với Công an, Trung tâm văn hoá thể thao huyện tổ chức ký cam kết cho hơn 8.000 giáo viên, học sinh các trường THPT không vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Trong các tháng an toàn giao thông các xã, thị trấn đã tổ chức cho 218 thôn, tổ dân phố, 168 đoàn thể quần chúng, 75 trường học với 347 lớp học và 15.524 học sinh; hơn 1400 hộ ven đường; 28 chủ bến kinh doanh vật liệu xây dựng; 310 chủ phương tiện giao thông ký cam kết chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ. Phòng Tư pháp Kiến Xương kết hợp với Công an huyện hướng dẫn các xã, thị trấn có trục đường 39B và 211, các nút giao thông trọng điểm tổ chức cho người dân ký cam kết bảo đảm an toàn giao thông như không để vật cản trên đường, không đào xẻ cống rãnh, không trồng cây cối 2 bên lề đường…

Các cán bộ, công chức của các Phòng Tư pháp viết trên 800 tin, bài tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ, đường thuỷ và các văn bản hướng dẫn thi hành phát trên Đài truyền thanh và đăng tải trên trang thông tin điện tử của huyện, của ngành. 8 năm qua đã phối hợp với các ngành như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Công an, Ban An toàn giao thông, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện... tổ chức thành công 134 cuộc thi, hội thi tuyên truyền về giao thông đường bộ từ cấp thôn, làng, xã đến cấp huyện. Điển hình là các cuộc thi viêt “Tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ” cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, hội viên, học sinh trong toàn huyện Quỳnh Phụ thu hút hàng nghìn người tham dự; “Tìm hiểu pháp luật về an toàn giao thông” (huyện Hưng Hà); “Tìm hiểu pháp luật về giao thông đường bộ” với 17.000 bài tham dự (huyện kiến Xương) và các hội thi dưới hình thức sân khấu hoá như “Gia đình phụ nữ với công tác bảo đảm an toàn giao thông”, “Người cao tuổi với giao thông” (huyện Quỳnh Phụ); “Tìm hiểu pháp luật về an toàn giao thông” (huyện Đông Hưng); “An toàn giao thông” (huyện Hưng Hà); 02 cuộc thi sân khấu theo cụm xã của huyện Kiến Xương thu hút 5.000 lượt người xem; 01 hội thi game show với chủ đề về an toàn giao thông đường bộ cho sinh viên trường Đại học Tân Bình (thành phố Thái Bình)...

Qua 8 năm từ 2003-2011, Đài phát thanh các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn tổ chức phát thanh trên 131.644 buổi với thời lượng 8-10 phút/buổi tuyên truyền pháp luật về pháp luật nói chung, pháp luật về giao thông nói riêng. Hệ thống Đài truyền thanh 286 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều định kỳ 2 buổi/tuần thực hiện việc tuyên truyền pháp luật, đã phát thanh trên 14.157 lượt tuyên truyền pháp luật trong đó có pháp luật về giao thông.

Công tác tuyên truyền pháp luật về giao thông của ngành Tư pháp ngày càng đi vào nề nếp, có chiều sâu và phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, đa số người dân đã tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông. Phong trào toàn dân đoàn kết, tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông được duy trì, tình hình tai nạn giao thông giảm, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Hạnh Nga

(Sở Tư pháp Thái Bình)

  • Từ khóa