Thứ 2, 25/11/2024, 11:38[GMT+7]

Tiếp bước cha anh

Thứ 2, 31/12/2018 | 15:05:40
2,100 lượt xem
Lên đường nhập ngũ, khoác trên mình màu xanh áo lính để thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ, động lực và khát khao trong lớp lớp thanh niên ở bất cứ thời kỳ nào. Một mùa tuyển quân nữa lại về, tuổi trẻ Thái Bình đang sục sôi nhiệt huyết, hướng về ngày hội tòng quân.

Tuổi trẻ Thái Bình trong ngày hội tòng quân năm 2018.

Một ngày cuối năm Đinh Dậu 2018, trong cái rét ngọt đầu đông, chúng tôi có dịp trò chuyện với Đại tá Nguyễn Văn Hán, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh - người đã từng vào sinh ra tử nơi chiến trường và cũng là người nhiều năm tham gia công tác tuyển quân ở Thái Bình. Mở đầu câu chuyện, Đại tá Nguyễn Văn Hán nhắc chúng tôi nhớ về một thời “xếp bút nghiên lên đường ra trận” của lớp thanh niên, sinh viên Việt Nam. Đó là một thời hoa lửa, một thời nhiệt huyết của tuổi trẻ để rồi mỗi lần dự lễ giao quân ở một địa phương trong tỉnh là một lần ông được đắm chìm vào cảm xúc tuổi mười tám, đôi mươi của mình.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Hán: “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, tinh thần xông pha, cống hiến đó đã xuyên suốt qua bao thế hệ thanh niên Việt Nam, tạo nên truyền thống quý báu của dân tộc. Trong chiến tranh đã có một thế hệ sinh viên sẵn sàng rời giảng đường xung phong ra mặt trận để đối mặt với quân thù, góp xương máu cho non sông vững bền. Trong thời bình hôm nay, thanh niên nước nhà cũng xông pha trên tất cả các lĩnh vực gian khó nhất, cống hiến tuổi xuân cho sự phát triển của dân tộc. Hôm nay, khi chiến tranh đã lùi xa, đất nước đang trên đà hội nhập và phát triển nhưng nghĩa vụ của thanh niên với đất nước vẫn như ngọn lửa được trao truyền qua các thế hệ. Các thế hệ cựu chiến binh luôn mang trên mình trọng trách phải giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ. Và hơn hết là động viên con cháu mình thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc như thế hệ đi trước đã làm.

“Ngày ấy chúng tôi cũng ba lô trên vai, cũng bộ quân phục màu xanh, cuốn sổ, cây bút làm quà của người ở hậu phương thì hôm nay các thanh niên chững chạc trong bộ quân phục, ánh mắt nụ cười rạng rỡ, háo hức lên đường về đơn vị làm nhiệm vụ. Chỉ khác là ngày ấy lớp thanh niên chúng tôi lên đường ra trận chiến” - đồng chí Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh chia sẻ thêm.

Thanh niên Thái Thụy tham gia khám tuyển nghĩa vụ quân sự năm 2019.

Chỉ còn một thời gian nữa, đón một cái tết cổ truyền Kỷ Hợi 2019 sum vầy bên gia đình, bạn bè, 2.650 tân binh của quê hương Thái Bình sẽ lên đường làm nhiệm vụ. Dù mỗi em sinh ra trong một hoàn cảnh khác nhau nhưng các em đều là những thanh niên ưu tú, có chung một hoài bão lớn lao được đứng trong hàng ngũ Quân đội nhân dân Việt Nam. Là một trong những thanh niên có mặt sớm nhất tại điểm khám tuyển nghĩa vụ quân sự của huyện Đông Hưng, Nguyễn Văn Sơn, sinh năm 2000, thôn Đông Thượng Liệt, xã Đông Tân không giấu nổi cảm xúc hồi hộp. Học hết THPT, Sơn không học tiếp cao đẳng, đại học mà xác định sẽ đi bộ đội khi có lệnh gọi. Trong khoảng thời gian đó, em xin vào làm công nhân một công ty thuộc cụm công nghiệp Đông Phong (Đông Hưng). Khi có lệnh gọi sơ tuyển rồi khám tuyển tại huyện, Sơn đều chấp hành đầy đủ. Em đã viết đơn xin thôi làm việc và hứa khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự sẽ trở về công ty làm. Sơn tâm sự: Anh trai của em cũng đã đi bộ đội và anh là người động viên em tham gia quân ngũ bởi đây là môi trường rèn cho chúng ta nền nếp, bản lĩnh và hơn hết bản thân em luôn tự ý thức được trách nhiệm của mình với Tổ quốc. Nếu đủ điều kiện, em luôn sẵn sàng nhận lệnh.

Thanh niên Vũ Văn Ngọc, sinh năm 1993, thôn Nam Bình, xã Hồng Quỳnh (Thái Thụy) có hoàn cảnh đặc biệt. Bố và anh trai của Bình mất vì bạo bệnh, em lớn lên trong vòng tay yêu thương của mẹ. Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, em luôn nỗ lực vươn lên trong học tập. Ước mơ trở thành kỹ sư nông nghiệp thành hiện thực khi em đỗ vào Khoa Công nghệ sinh học, Học viện Nông nghiệp. Năm 2015, Ngọc ra trường và được nhận vào làm việc tại Công ty Giống cây trồng Trung ương. Chị Nguyễn Thị Dung, mẹ của Ngọc chia sẻ: Ngọc kém may mắn so với chúng bạn nhưng cháu rất nghị lực. Năm nay, cháu quyết định đi bộ đội, tôi luôn ủng hộ và động viên con, mong con trong quân ngũ sẽ tiếp tục phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành. Còn với Ngọc: Mức lương hiện tại của em là 9 - 10 triệu đồng/tháng, em cũng là trụ cột trong gia đình nhưng em đã xác định việc nhập ngũ là trách nhiệm của bản thân. Em cũng mong muốn được phục vụ lâu dài trong quân đội để đem kiến thức mình đã học phục vụ đất nước.

Đại tá Khiếu Quang Bình, Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh cho biết: Những năm gần đây, công tác tuyển quân ở Thái Bình luôn gặp khó khăn do tỷ lệ thanh niên đi làm ăn xa đông, nhiều thanh niên không về sơ khám tuyển. Ngoài ra, thanh niên bị loại do sức khỏe nhiều. Bên cạnh những trường hợp không chấp hành Luật Nghĩa vụ quân sự, chúng tôi đánh giá rất cao những thanh niên luôn có tư tưởng tốt, sẵn sàng tham gia nghĩa vụ quân sự dù nhiều em hoàn cảnh rất đặc biệt. Bên cạnh đó, tỷ lệ thanh niên viết đơn tình nguyện nhập ngũ của Thái Bình cũng cao nhất, nhì Quân khu 3. Đấy cũng là động lực để chúng tôi nỗ lực, kiên trì trong công tác tuyển quân để làm sao Thái Bình luôn là địa phương tiêu biểu về công tác này. Với những trường hợp như Sơn, Ngọc thì tôi khẳng định mùa tuyển quân năm 2019 của tỉnh sẽ tiếp tục gặt hái thành công.

Những ngày này, cùng hòa mình trong không khí đón chào năm mới, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đang tích cực, khẩn trương thực hiện những khâu cuối cùng trong công tác tuyển quân. Tin rằng, với sự quan tâm sâu sát, sự vào cuộc đồng bộ và quyết tâm cao cũng như phát huy truyền thống “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, Thái Bình tiếp tục giành được thắng lợi mới, xứng đáng là một trong những lá cờ đầu của Quân khu 3 về công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ. Những chiến sĩ mới là người con ưu tú của Thái Bình dù ở đơn vị nào cũng sẽ luôn tự hào phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng của quê hương, ra sức học tập, rèn luyện, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ.

Tất Đạt