Chủ nhật, 24/11/2024, 04:37[GMT+7]

Phòng Cảnh sát PCCC Không lơ là chủ quan với "giặc lửa"

Thứ 6, 09/03/2012 | 09:38:04
2,958 lượt xem
Mặc dù số vụ cháy và thiệt hại về tài sản đều giảm so với năm 2010 nhưng theo đại tá Trần Xuân Tưởng, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC thì không nên chủ quan, lơ là với “giặc lửa”, bởi đã có những năm số vụ cháy giảm nhiều nhưng liền ngay năm sau đó lại tăng đột biến.

Tập huấn chữa cháy ở khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh. Ảnh: Thành Tâm

Năm 2011, toàn tỉnh xảy ra 8 vụ cháy, làm thiệt hại trên 2 tỷ đồng, rất may không có tổn thất về người. Qua phân tích các vụ cháy cho thấy, nguyên nhân chính vẫn là do sơ xuất, bất cẩn trong sử dụng lửa và thường xảy ra vào mùa hanh khô, dịp cuối năm. Mặc dù tình hình cháy, nổ trên địa bàn tỉnh không ở mức nghiêm trọng nhưng nguy cơ vẫn cao trong dịp cuối năm. Đây là thời điểm các đơn vị, doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, tập kết hàng hoá phục vụ Tết Nguyên đán; thời điểm nhân dân sử dụng gas, điện nhiều hơn. Cùng với đó là nhiều hoạt động lễ hội, thắp hương, thờ cúng, đốt vàng mã có sử dụng lửa bừa bãi. Các cơ sở sản xuất TTCN ở tỉnh ta lại chủ yếu nhỏ lẻ và nằm xen lẫn trong các khu dân cư, nếu tổ chức đốt dọn vệ sinh xảy ra cháy rất dễ gây cháy lan ra khu vực xung quanh. Thời điểm Tết Nguyên đán Nhâm Thìn thời tiết rét đậm, nhiều gia đình cũng đốt lửa, than sưởi ấm, nếu không chú ý cũng có thể sơ xuất gây ra cháy.

Năm 2011, tình hình cháy tại chợ, siêu thị, trên cả nước diễn ra hết sức phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Nguyên nhân của những vụ cháy hầu hết do sử dụng điện không an toàn, vi phạm quy định sử dụng nguồn nhiệt, ngọn lửa trần như: sử dụng bếp gas, bếp than, thắp nến, đốt vàng mã tại các quầy, ki ốt trong chợ. Tuy nhiên, hiện nay các chợ trên địa bàn tỉnh nhà qua các đợt kiểm tra vẫn còn nhiều vi phạm, như: sắp xếp hàng hóa trong quầy sát nguồn nhiệt, thậm chí xếp chồng lên cả ổ điện, sát bóng đèn điện, lò sưởi, bếp; một số hộ kinh doanh tự ý câu móc điện để sử dụng hoặc sử dụng thiết bị điện không bảo đảm an toàn; lấn chiếm lối đi và hành lang ngăn cháy… Những thiếu sót này không chỉ diễn ra tại các chợ nhỏ lẻ mà ngay cả tại chợ trung tâm như Chợ Bo, Chợ Đề Thám, Quang Trung… Trong khi đó vẫn còn nhiều khó khăn cho công tác chữa cháy của lực lượng chuyên nghiệp như: các trụ lấy nước cách xa, nhiều trụ bị mất nắp hoặc có người cố ý cho đá vào gây khó khăn khi lấy nước; khi xe chữa cháy đi trên đường làm nhiệm vụ nhiều người vẫn không nhường đường; số điện thoại 114 bị các sim điện thoại di động trả trước gọi trêu chọc, gây ảnh hưởng đến việc báo tin cháy.

Với phương châm “phòng là chính”, phòng Cảnh sát PCCC đã chủ động nắm chắc tình hình có liên quan đến công tác PCCC, đề xuất Công an tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo có hiệu quả về công tác PCCC. Phòng đã tuyên truyền trực tiếp về PCCC cho một số cơ sở sản xuất, mở nhiều lớp cho BQL các chợ trên địa bàn tỉnh với gần 500 lượt người; huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho 50 đội PCCC cơ sở với gần 700 đội viên, tại các cơ quan, xí nghiệp, trường học trên địa bàn. Tham gia góp ý về PCCC đối với 30 công trình xây dựng; khảo sát 50 điểm xây dựng và cải tạo công trình; thẩm duyệt về PCCC gần 100 công trình, nghiệm thu và đưa vào sử dụng 52 công trình. Bên cạnh đó, phòng tổ chức ký cam kết bảo đảm an toàn PCCC tại các cơ sở trọng điểm, nhiều nguy cơ về cháy, nổ. Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền dưới nhiều hình thức. Đồng thời, chú trọng công tác thanh, kiểm tra các đơn vị sử dụng VLNCN. Trong năm, phòng đã kiểm tra, phúc tra 500 lượt cơ sở, lập biên bản, kiến nghị trên 1.000 thiếu sót không bảo đảm an toàn PCCC, phòng nổ.

Với nhiệm vụ sẵn sàng chữa cháy khi có tin báo, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp thường xuyên tổ chức huấn luyện, bảo dưỡng phương tiện, thường trực 24/24h với 100% cán bộ chiến sỹ theo đầu xe. Tuy nhiên, khi có sự cố cháy thường diễn ra rất nhanh, nhiều vụ cháy  khi lực lượng  chữa  cháy  chuyên nghiệp  tiếp  cận  thì đã muộn, do vậy theo Thượng tá Nguyễn Văn Huấn, Phó phòng Cảnh  sát PCCC, thì quan trọng nhất khi xảy  ra cháy là lực lượng và phương tiện tại chỗ, vì vậy các cơ quan, doanh nghiệp nên thường xuyên kiểm tra hệ thống điện tại nơi làm việc và khu sản xuất để kịp thời phát hiện các sự cố. Hết giờ phải cúp điện, chỉ để điện chiếu sáng bảo vệ ban đêm. Khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao không nên sử dụng lửa trần. Bố trí kệ hàng hoá thông thoáng, không lấn đường đi, lối thoát nạn. Các hộ gia đình khi thắp nhang thờ, cúng phải có người trông coi. Khi đốt vàng mã phải trong chậu, hũ và dùng nước dập tắt khi đã đốt xong. Không nên đun nấu trên bếp khi ra khỏi nhà. Thường xuyên kiểm tra bếp gas, dây dẫn gas, nếu ngửi thấy mùi gas rò rỉ tuyệt đối không bật, tắt thiết bị điện hoặc bật bếp để thử mà nên mở cửa nhà cho thông thoáng, di chuyển bình  gas ra nơi an toàn rồi báo cho lực lượng chức năng đến giải quyết.  

Nguyễn Tùng
                                                                                                         
                                                               

  • Từ khóa