Chủ nhật, 24/11/2024, 17:00[GMT+7]

CẢNH SÁT GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY (CÔNG AN TỈNH THÁI BÌNH) GIỮ BÌNH YÊN CHO NHỮNG DÒNG SÔNG

Thứ 5, 19/08/2010 | 16:29:36
3,718 lượt xem
Với lợi thế địa hình hơi nghiêng dốc về phía biển, Thái Bình được tự nhiên ban tặng cho cả một hệ thống sông lớn nhỏ bao bọc đêm ngày không ngừng chảy, đem theo phù sa bồi đắp những bến bờ màu mỡ. Không chỉ mang lại nguồn nước dồi dào phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, những dòng sông lớn nhỏ ấy còn là những tuyến đường giao thông thủy trọng yếu góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng.

Lãnh đạo Phòng cảnh sát giao thông thủy bàn phương án tuần tra, kiểm soát trật tự trên tuyến sông Trà Lý. Ảnh Quang Viện

Chiều hè nắng đẹp, một nhóm cán bộ và chiến sỹ Phòng Cảnh sát giao thông thủy cùng mấy anh em báo chí chúng tôi đi thực tế thanh tra kiểm soát, xứ lý phương tiện giao thông thủy trên dòng sông Trà Lý. Chiếc Cano rướn mình rẽ nước lao đi trong chiều lộng gió sông Trà, tôi bỗng nhớ lại những kiến thức lịch sử về một thời oai hùng của dân tộc mà khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, tôi học gần như thuộc lòng. Thuở ấy, Vương Triều Trần, một vương triều phong kiến phát triển rực rỡ trong lịch sử luôn đánh giá cao vùng đất Long Hưng - Kiến Xương (Thái Bình nay), đặc biệt chú trọng khai thác triệt để lợi thế dòng chảy của các con sông vào chiến thuật quân sự đi đôi với việc phát triển kinh tế.

 

 Nhận thấy vùng đất Long Hưng dồi dào sản vật, nhà Trần đã nhanh chóng cắt đặt, chia phần khảo dựng điền trang, thái ấp, đồng thời với chính sách khuyến nông của Triều đình, các bậc vương hầu huy động cả nô tì, chiêu mộ dân nghèo khắp nơi dồn tới các bãi ven sông Luộc, sông Hóa, sông Hồng khai khẩn đất hoang, đắp đê ngăn mặn, mở rộng diện tích canh tác ra tận biển xanh. Sử cũ chép rằng, đầu năm 1248, Trần Thái Tông đã hạ chiếu huy động dân các lộ tiến hành đắp đê quai dọc theo sông Hồng, sông Luộc lan rộng cả vùng bắc bộ. Các lộ Long Hưng, Kiến Xương, An Tiêm dân chúng nô nức hưởng ứng công cuộc "cơi đê sông Hồng, khai thông Luộc, mở rộng sông Sinh, cắt phình sông Hóa". Do vậy, nước lũ, nước mặn đều thông thoát, không còn nạn úng tắc, đất đai trồng cấy trở lên phì nhiêu, mùa màng bội thu.

 

Câu chuyện vẫn lưu truyền trong dân gian đầy cảm động khi Thái sư Trần Thủ Độ đích thân đi khảo sát vùng Ngự Thiên (Hưng Hà nay) để vạch kế hoạch cải tạo vùng đất đầm lầy thành những cánh đồng trù mật. Ông điều binh, đốc thúc gia nô vừa khai mở vừa nắn dòng một con con sông nhỏ bắt nguồn từ sông Luộc, trở thành con sông cung cấp nước cho nông nghiệp cả một vùng rộng lớn gồm huyện Diên Hà, Thần Khê, kéo nước ra tận bến Thượng Hộ. Không chỉ là con sông đưa nước phục vụ nông tang, nó còn là đường giao thông thủy lợi hại với những chòi canh Quan Chiêm, bảo vệ nghiêm cẩn khu lăng tẩm và hành cung Long Hưng. Dòng sông ấy trải qua hơn bảy trăm năm bây giờ vẫn còn sung sức, đêm ngày sông vẫn chở nặng phù sa tưới mát cho ruộng đồng trù mật, cho bờ bãi dâu xanh, cho bình yên những xóm làng. Dân chúng không quên ơn công lao Thái sư nên đã gọi tên con sông ấy là "dòng sông Thái sư".

 

Miên man trong dòng suy tưởng, chợt tỉnh khi cano đưa chúng tôi cập bến. Địa điểm dừng chân là xã Đông Thọ, nơi đây chính quyền địa phương vừa đưa vào sử dụng tuyến đê kè đá hộc vững chãi bảo vệ làng quê và giữ bình yên cho dòng chảy. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đặng Trung, Trưởng phòng CSGT đường thủy cho biết: Hiện toàn tỉnh có 92 bến khách trên toàn tuyến sông, trong đó sông Hồng có 27 bến, sông Luộc có 15 bến, sông Hóa có 15 bến, sông Trà Lý có 18 bến và tuyến nội đồng còn lại 17 bến. Phòng cảnh sát giao thông thủy mở nhiều đợt cao điểm tuyên truyền, hướng dẫn luật giao thông đường thủy nội địa trong các dịp tết Nguyên đán, mùa lễ hội và vào thời điểm trước mùa lũ bão. Công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy được tăng cường và đạt được kết quả khả quan hơn. Phòng đã huy động lực lượng, phương tiện tổ chức thực hiện hai đợt cao điểm thanh tra kiểm soát, xử lý vi phạm theo Nghị định 09 của Chính phủ.

 

Xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm có nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông đường thủy như phương tiện không đăng ký, đăng kiểm an toàn kỹ thuật, phương tiện không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn hoặc bằng cấp chứng chỉ không hợp lệ...Phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra an toàn bến khách ngang sông trên địa bàn toàn tỉnh. Vào mùa bão lũ công tác thanh tra, kiểm soát thường xuyên, liên tục nhằm bảo đảm an toàn cho nhân dân đi lại; giao trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát, bảo đảm an toàn hoạt động của các bến khách ngang sông cho UBND các xã có bến sông, yêu cầu các chủ phương tiện chở khách ngang sông ký cam kết trách nhiệm và chấp hành nghiêm chỉnh luật giao

thông đường thủy nội địa. 

 

Các đồng chí phòng Cảnh sát giao thông thủy Thái Bình phối hợp với chính quyền xã Đông Thọ (Thành phố) kiểm tra đê kè trong mùa lũ bão. Ảnh Quang Viện

 

 

 

Để giữ được bình yên cho những dòng sông, ngoài công tác tuyên truyền, giáo dục, ký cam kết thực hiện nghiêm chỉnh luật giao thông đường thủy nội địa, phòng CSGT thủy còn tích cực triển khai công tác phòng, chống tội phạm trên tuyến đường thủy nội địa, lập hồ sơ điều tra cơ bản về hệ loại đối tượng; bổ sung tài liệu 5 tuyến sông và tuyến ven biển; lập và theo dõi các đối tượng sưu tra hình sự...đồng thời phát động quần chúng bảo vệ ANTQ trên đường thủy nội địa; củng cố, chấn chỉnh 15 điểm khai báo tạm trú, tạm vắng trên đường thủy. Thực hiện tốt quy chế phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh trong công tác bảo đảm trật tự ATGT, đấu tranh phòng chống tội phạm trên tuyến ven biển và bảo đảm ANTT tuyến biên phòng tỉnh.

 

Phối hợp thanh tra, kiểm soát và xử lý phương tiện khai thác cát, phương tiện vận tải thủy, phương tiện đánh bắt thủy sản khu vực cửa Trà Lý và khu  vực cửa Lân. Duy trì hệ thống phao tiêu, biển báo hiệu trên tuyến đường thủy, kiên quyết tháo dỡ, lắp đặt lại hệ thống phao tiêu, biển báo không đúng quy định, phát hiện và xử lý các cơ sở vi phạm các quy định đóng mới, sửa chữa phương tiện vận tải thủy...Không chỉ bảo đảm an toàn giao thông, phòng CSGT thủy còn chú trọng vấn đề bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên lĩnh vực thủy sản. Đã tổ chức ký cam kết thực hiện Luật giao thông đường thủy và Luật thủy sản tới 241 người làm nghề đánh bắt thủy sản trên các tuyến sông, phối hợp kiểm tra ba cảng cá thuộc địa bàn huyện Tiền Hải và Thái Thụy.

 

Chủ động xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống lụt bão, tìm kiếm, cứu nạn và tổ chức triển khai thực hiện tới cán bộ, chiến sỹ; phối hợp với Ban phòng chống lụt bão của tỉnh, chi cục quản lý đê điều tổ chức kiểm tra đê, kè, cầu, cống và một số công trình giao thông trọng điểm trên tuyến đường thủy trước mùa lũ bão. Công tác xây dựng lực lượng CSGT đường thủy luôn được lãnh đạo phòng chú trọng, thực hiện nghiêm túc đề án 1323 của Bộ Công an và Chỉ thị số 02 của Bộ trưởng Bộ Công an về các biện pháp phòng, chống tiêu cực trong lực lượng CSGT...phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý cán bộ, chiến sỹ sai phạm. Thời gian qua, phòng đã hoàn thành xây dựng mới trụ sở Trạm CSGT Bến Hiệp và đóng mới, sửa chữa một số tàu thanh tra, kiểm soát,  tăng cường trang bị thêm xuồng máy, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu cơ bản nhiệm vụ của lực lượng CSGT đường thủy.

Do chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch công tác và làm tốt công tác tham mưu nên các nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông - trật tự xã hội đường thủy trên địa bàn tỉnh nhà thời gian qua đạt hiệu quả cao. Đáng chú ý công tác xây dựng lực lượng được quan tâm chỉ đạo có chiều sâu, song song với công tác tuyên truyền, phổ biến Luật giao thông đường thủy được đẩy mạnh, hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm nhất là xử lý các phương tiện khai thác cát trên sông Trà Lý cùng với công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trên đường thủy được tiến hành kiên quyết nên kết quả có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng công tác tốt, toàn tỉnh không để xảy ra tai nạn và phạm pháp hình sự trên tuyến giao thông thủy nội địa.

Bài và ảnh: LÊ QUANG VIỆN

  • Từ khóa