Chủ nhật, 10/11/2024, 05:52[GMT+7]

Kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022) Cần và kiệm

Thứ 3, 17/05/2022 | 08:43:27
946 lượt xem
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy chúng ta phải “Cần, kiệm, liêm, chính”. Trước hết là phải cần và kiệm. Cần là cần cù, chịu khó. Trên đời này, bất cứ một người nào, bất cứ làm một việc gì, muốn tốt - trước hết phải cần cù, chịu khó. Bất cứ một người nào, bất cứ làm một việc gì, muốn tốt cũng phải mất nhiều thời gian và công sức.

Mô hình trồng dưa lưới ở xã Tiến Đức (Hưng Hà) cho hiệu quả kinh tế cao.

Người nông dân nhiều đời phải chân lấm tay bùn, phải hai sương một nắng, phải dậy sớm thức khuya, phải đầu tắt mặt tối mới mong có được những vụ lúa chín vàng. Thợ thuyền nhiều đời phải cần mẫn tay búa, tay choòng, tay vô lăng, bánh lái mới mong có được những mẻ quặng, mẻ dầu thô, những mẻ thép, xi măng, những mẻ “vàng đen”, những con đường, cây cầu, những tòa nhà làm đẹp cho quê hương, làm giàu cho đất nước.

Không chỉ cần cù, chịu khó mà hơn thế nữa, người lao động phải lao động hết mình, lao động sáng tạo, phải vận dụng hết những kinh nghiệm và kỹ năng lao động của mình, đồng thời phải áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất vào sản xuất. Có như thế, lao động mới có năng suất cao, hiệu quả cao, chất lượng tốt.

Tục ngữ Việt Nam có câu “Kiến tha lâu cũng đầy tổ”, lại có câu “Năng nhặt chặt bị”. Cha ông ta đã truyền dặn cho con cháu phải cần cù, chịu khó; “Có công mài sắt” thì “có ngày nên kim”. Cứ cần cù, chịu khó ắt sẽ có ngày no ấm.

Có thể nói, cần là tiêu chí đầu tiên để đánh giá nhân cách của một con người. Nhưng cần cù, chịu khó chưa đủ. Cần cù, chịu khó phải đi đôi với tiết kiệm, không được lãng phí. Trước hết là tiết kiệm của cải vật chất trong kinh doanh sản xuất. Đối với các doanh nghiệp, hộ sản xuất phải có kế hoạch và thực hiện tốt các kế hoạch về lao động, vốn, cơ sở vật chất kỹ thuật, nhà xưởng, về nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, bảo quản, vận chuyển một cách hợp lý. Phải bảo đảm tránh được tình trạng kém phẩm chất, rơi vãi, thất thoát tiền vốn và nguyên nhiên vật liệu trong tất cả các khâu của quá trình kinh doanh, sản xuất.

Đất đai cũng là một dạng của cải vật chất đặc biệt. Bỏ phí đất đai chính là lãng phí của cải vật chất. Các cụ xưa đã dạy “Tấc đất tấc vàng” và nhắc nhở con cháu “Ai ơi chớ bỏ ruộng hoang/Bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu”. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn đồng bào và chiến sĩ cả nước phải “ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm”. Tăng gia sản xuất trước hết là cấy lúa, trồng khoai, là quảng canh, chuyên canh, thâm canh, là xen canh gối vụ, là tăng năng suất. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở nước ta hiện nay, địa phương nào cũng đẩy mạnh thực hiện dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng những thành tựu mới về khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, xây dựng nhiều cánh đồng mẫu lớn. Đó chính là kết hợp nhuần nhuyễn giữa cần cù, chịu khó với tiết kiệm - tiết kiệm đất đai, phát huy tiềm năng cao nhất của đất đai phục vụ cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dạy đồng bào và chiến sĩ ta phải “trồng cây gây rừng”. Vâng lời Người, trẻ già, trai gái, các ngành, các cấp cả nước thi đua trồng cây gây rừng, trồng cây phủ xanh đồi trọc, trồng cây lấn biển, trồng cây làm “lá phổi xanh” cho các khu công nghiệp, cho thành phố. Đó cũng chính là tiết kiệm đất đai một cách hữu ích nhất. Đất đai không chỉ là của cải vật chất đặc biệt để tăng gia sản xuất. Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đất đai còn là mặt bằng (điều kiện quan trọng số một) để xây dựng những khu công nghiệp lớn, những công trình lớn phục vụ quốc kế dân sinh, phát triển đất nước.

Đáng buồn thay, trong quá trình đô thị hóa đất nước hiện nay, do việc lập kế hoạch và thực thi xây dựng các công trình không đồng bộ đã để nhiều héc-ta, nhiều trăm héc-ta đất bị hoang hóa hàng năm, hàng vài năm, thậm chí hàng thập niên. Hoặc không có kế hoạch và biện pháp đồng bộ để xử lý rác và nước thải dẫn đến tình trạng nhiều cánh đồng, nhiều vùng đất bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng xấu đến sản xuất và sức khỏe, đời sống của nhân dân. Đây là một biểu hiện nghiêm trọng của sự lãng phí đất đai, tài sản đặc biệt của quốc gia, của đất nước.

Thời gian cũng là một loại của cải vật chất đặc biệt. Tiết kiệm thời gian chính là làm sao để cho thời gian sống và làm việc của mỗi chúng ta có ý nghĩa nhất. Trước hết là làm sao để trong mỗi đơn vị, thời gian của người lao động có số lượng sản phẩm, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế cao nhất. Làm sao để trong mỗi đơn vị, thời gian lao động của một phường, một xã, một cơ quan, doanh nghiệp, một tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội... có ngày càng nhiều người tốt, việc tốt, việc thiện, nét đẹp văn hóa...

Tổ chức nào bè phái, mất đoàn kết, họp hành nhiều giờ nhiều ngày, đề ra và bàn những việc không cần thiết, phải họp hành kéo dài nhưng kết quả lại ít, đó chính là lãng phí thời gian, lãng phí của cải vật chất.

Những con người lười biếng, không chịu học tập, tu dưỡng, rèn luyện, không chịu lao động cống hiến hết mình cho gia đình, cho xã hội, chỉ tìm cách ăn chơi đua đòi, hưởng thụ, lao vào những trò chơi không lành mạnh, vô bổ, thậm chí lao vào những trò giết người như buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các chất ma túy, các loại vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, sa vào các ổ mại dâm, động lắc và những việc làm phi pháp khác... Những con người ấy đã đánh mất thời gian vàng bạc quý báu của đời mình. Thật là đáng thương, đáng giận thay!

Tục ngữ Việt Nam có câu “Miệng ăn núi lở”. Đúng là như vậy. Dù cho con người ta ăn rất ít, mỗi bữa bất quá là ba, bốn bát cơm, một khúc cá kho, một vài thìa canh, một vài quả cà, thậm chí chỉ là bát cháo loãng cầm hơi. Nhưng, bữa nào cũng phải ăn, ngày nào cũng phải ăn, năm nào cũng phải ăn. Sáu mươi, bảy mươi, tám mươi, chín mươi xuân đằng đẵng phải... ăn! Cho nên, nếu con người không làm mà chỉ ăn thì núi cũng phải lở!

Các cụ xưa lại có câu “Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”. Có làm mới có ăn. Có cống hiến mới có hưởng thụ. Huống chi là không làm, huống chi là chỉ “ăn tàn, phá hại”!

Của cải vật chất ở trên đời này không phải bỗng dưng mà có. Lại càng không thể là vô tận. Vì thế, mỗi con người sống trên cõi đời này phải lao động và lao động cật lực, lao động hết mình, phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” mới mong có được của cải vật chất và của cải tinh thần nữa.

Có được của cải vật chất và của cải tinh thần cho ngày hôm nay rồi, nhưng phải nghĩ đến của cải vật chất và của cải tinh thần cho ngày mai, cho những ngày yếu đau hoạn nạn, cho những người láng giềng và cho cộng đồng khi họ gặp bất hạnh mà mình cần chia sẻ. Rồi phải nghĩ cho bố mẹ già, cho con, cho cháu, cho chắt nữa... Vì thế, con người không những phải lo cho hôm nay mà còn phải lo cho ngày mai, không những phải lo cho mình mà còn phải lo cho người khác và những người khác nữa...

Vì thế, lao động cật lực, lao động hết mình chưa đủ. Còn phải tiết kiệm, không bao giờ được hoang phí. Tuy nhiên, tiết kiệm, không lãng phí không có nghĩa là bủn xỉn, keo kiệt. Cần phải tiết kiệm hợp lý nhưng cũng cần phải thường xuyên bồi dưỡng chăm sóc người lao động một cách thỏa đáng. Thường xuyên chăm lo nâng cao đời sống vật chất và đời sống tinh thần cho nhân dân, bồi dưỡng sức dân là một việc làm hết sức cần thiết của cấp ủy các địa phương, các ngành, các cấp.

Có thể nói, cần và kiệm là hai tiêu chí cơ bản nhất để đánh giá một người lao động, đánh giá một công dân, một cán bộ, đảng viên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu là tấm gương sáng về đức tính cần kiệm. Noi theo Người, vâng lời Người, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi một công dân cần luôn luôn nhắc nhủ mình hàng ngày, hàng giờ phải cần kiệm để xây dựng quê hương, đất nước.

PHẠM MINH GIANG
(Thành phố Thái Bình)