Thứ 4, 13/11/2024, 05:22[GMT+7]

Kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022) Học Bác bằng những việc làm thiết thực

Thứ 4, 18/05/2022 | 09:28:42
1,172 lượt xem
Việc thực hành tiết kiệm theo gương Bác đã và đang trở thành thói quen của nhiều hội viên, phụ nữ trong tỉnh. Việc làm này không chỉ tiết kiệm cho bản thân, cho gia đình mỗi hội viên, phụ nữ mà còn chia sẻ, hỗ trợ phụ nữ nghèo, phụ nữ khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Phụ nữ xã Đông Động (Đông Hưng) mổ lợn nhựa tiết kiệm.

Theo chị Nguyễn Thị Phượng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh: Từ mục đích ban đầu vận động phụ nữ tiết kiệm để hỗ trợ, ủng hộ phụ nữ và trẻ em nghèo, cho hội viên, phụ nữ vay phát triển kinh tế... phong trào thực hành tiết kiệm đã trở thành thói quen của phụ nữ. Các hình thức tiết kiệm ngày càng đa dạng, phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh và thuận lợi cho hội viên, phụ nữ tham gia thực hành tiết kiệm như: hình thức gây quỹ tiết kiệm theo tổ, nhóm, chi hội hàng tháng, quý; tiết kiệm hàng ngày bằng hình thức nuôi lợn nhựa; tổ tiết kiệm và vay vốn ngân hàng chính sách xã hội... Số tiền tiết kiệm hàng tháng cũng phù hợp với khả năng của từng hội viên, phụ nữ, từ 10.000 đồng đến hàng trăm nghìn đồng/tháng theo khả năng của từng hội viên, phụ nữ; có tổ nhóm phụ nữ tiết kiệm bằng hiện vật như tiết kiệm bằng thóc, tiết kiệm bằng vàng... Đối tượng tiết kiệm cũng ngày càng mở rộng, từ chỗ vận động chị em có điều kiện tham gia tiết kiệm đến vận động đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia, phấn đấu đạt chỉ tiêu trên 80% hội viên phụ nữ tham gia tiết kiệm. Với cách làm trên, đến nay toàn tỉnh đã có 100% chi hội phụ nữ có các tổ, nhóm phụ nữ tiết kiệm, số dư tiết kiệm hơn 190 tỷ đồng. Số tiền tiết kiệm của hội viên được các chi hội phụ nữ bình xét cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay để phát triển kinh tế gia đình; xây, sửa nhà ở, công trình phụ; sử dụng trong việc cưới, việc tang; mua thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện, thẻ bảo hiểm thân thể cho chị em có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn...

Là một trong những người tích cực trong phong trào tiết kiệm, cũng là người được vay vốn tiết kiệm để phát triển kinh tế, chị Phạm Thị Nhàn, hội viên phụ nữ thôn Cốc, xã Phú Châu (Đông Hưng) cho biết: Gia đình tôi làm xưởng mây tre đan xuất khẩu. Có thời điểm cần vốn xoay vòng gấp, tôi được vay 18 triệu đồng từ tổ tiết kiệm với lãi suất thấp. Có vốn, có hàng, xưởng hoạt động tốt, tạo việc làm cho hơn 100 chị em lúc nông nhàn với thu nhập từ 2 - 3,5 triệu đồng/người/tháng. Vì sản phẩm gia công nên chị em có thể mang về nhà làm, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại, xưởng lại tiết kiệm được diện tích.

Phụ nữ thôn Lại Xá, xã Minh Lãng (Vũ Thư) thu gom phế liệu gây quỹ hội giúp phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Từ các phong trào tiết kiệm đã xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả: tiết kiệm bằng hình thức nuôi lợn nhựa tại các chi hội phụ nữ, thực hiện phát động vào dịp 8/3 và tổng kết vào dịp 20/10 hàng năm, tiêu biểu như xã Đông Động (Đông Hưng), Đông Hoàng (Tiền Hải), Đông Hải (Quỳnh Phụ). Đặc biệt, từ đầu năm, nhiều cơ sở hội đã xây dựng mô hình “biến” rác thải thành tiền, từ đó tiết kiệm giúp phụ nữ, trẻ em nghèo. 

Chị Trương Thị Kim Mai, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hồng Thái (Kiến Xương) cho biết: Thực hiện mô hình “biến” rác thải thành tiền cũng là một cách rèn tính tiết kiệm. Năng nhặt chặt bị, mỗi chị em gom góp một ít rác thải tái chế như: vỏ lon bia, chai nhựa, sắt vụn, bìa giấy, khi cả chi hội tập hợp lại thì sẽ thành nhiều. Như trong ngày 5/4/2022, ngày đầu tiên thực hiện mô hình, 3 chi hội phụ nữ: Bắc Dũng, Hữu Bộc, Nam Hòa của xã Hồng Thái đã thu gom phế liệu, bán được gần 2,5 triệu đồng.

Ngoài ra, các cấp hội trong tỉnh còn vận động hội viên, phụ nữ thực hiện tiết kiệm trong sản xuất; trong việc cưới, việc tang, lễ hội; trong sử dụng lương thực thực phẩm, sử dụng điện, nước; trong chi tiêu mua sắm vật dụng gia đình... Các hình thức tiết kiệm này được thực hiện thường xuyên, hàng ngày, trong từng công việc cụ thể, là giải pháp thiết thực chống lãng phí, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, giảm bớt khó khăn, cải thiện mức sống gia đình; đồng thời có thêm điều kiện giúp đỡ phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...   

Nhờ việc tiết kiệm từ cán bộ, hội viên, các cấp hội và bản thân mỗi chị em có thêm nguồn kinh phí giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Trung bình hàng năm các cấp hội phụ nữ đã giúp gần 500 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ thoát nghèo; hỗ trợ xây dựng 30 mái ấm tình thương; tặng hàng nghìn suất quà cho phụ nữ, trẻ em nghèo... Các hoạt động này đã trở thành cầu nối gắn bó hội viên với tổ chức hội và tạo sự đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong hội viên, phụ nữ.

Phương Chi