Chủ nhật, 10/11/2024, 06:02[GMT+7]

Quỹ Tín dụng nhân dân Trà Giang: Tạo dựng niềm tin của nhân dân

Thứ 6, 20/05/2022 | 08:35:31
2,717 lượt xem
Mặc dù chỉ hoạt động trên địa bàn một xã nhưng từ khi thành lập đến nay, Quỹ Tín dụng nhân dân (TDND) Trà Giang (Kiến Xương) luôn tăng trưởng ổn định, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Sử dụng hiệu quả vốn vay từ Quỹ TDND Trà Giang, cơ sở sản xuất đồ đồng mỹ nghệ của anh Trịnh Quốc Lực (thôn Diệm Dương Đông) tạo việc làm cho 10 lao động với thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Một trong những giải pháp được Quỹ chú trọng thực hiện nhằm duy trì tăng trưởng là tích cực nâng cao vị thế, tạo dựng niềm tin của nhân dân địa phương đối với Quỹ. Với mục đích tương trợ, liên kết, tạo điều kiện cho các thành viên cùng phát triển, thời gian qua Quỹ luôn bám sát chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đồng thời chủ động nắm bắt tình hình thực tế trên cơ sở đó đưa ra mức lãi suất phù hợp để tăng vốn huy động cũng như giải ngân cho vay. Cùng với đó, Quỹ chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, phù hợp với tiến trình phát triển. Ông Nguyễn Đình Nghiêm, Giám đốc Quỹ TDND Trà Giang cho biết: Trong quá trình hoạt động, Quỹ luôn được Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời về các hoạt động nghiệp vụ; đồng thời, được cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và các ban, ngành, nhân dân địa phương quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ để Quỹ phát triển an toàn, bền vững. Đến hết tháng 3/2022, tổng số thành viên của Quỹ đạt 1.423 người, tăng 6 thành viên so với thời điểm 31/12/2021; tổng nguồn vốn hoạt động đạt hơn 131 tỷ đồng, tăng 6,99% so với thời điểm 31/12/2021, trong đó nguồn vốn huy động đạt hơn 121 tỷ đồng, tăng 6,28% so với thời điểm 31/12/2021; tổng dư nợ cho vay đạt hơn 106 tỷ đồng, tăng 1,64% so với thời điểm 31/12/2021 với 457 khách hàng đang vay vốn; tổng doanh số cho vay đạt hơn 19 tỷ đồng với 183 khách hàng được vay vốn. Trước bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, Quỹ đã phân công cán bộ nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của các thành viên, từ đó cung ứng vốn phù hợp đồng thời có cơ chế gia hạn bảo đảm khách hàng duy trì ổn định sản xuất, từ đó tăng khả năng trả nợ và bảo đảm công tác thu hồi vốn của Quỹ.

Với đặc thù là tổ chức tín dụng hoạt động trên địa bàn xã có làng nghề chạm bạc truyền thống nên từ khi thành lập đến nay, ngoài cho vay phục vụ sản xuất, tiêu dùng Quỹ TDND Trà Giang còn ưu tiên nguồn vốn đầu tư phát triển làng nghề. Đến nay, trong tổng dư nợ cho vay của Quỹ thì dư nợ cho vay phát triển nghề chạm bạc chiếm gần 60%. Anh Trịnh Quốc Lực, chủ cơ sở sản xuất đồ đồng mỹ nghệ (thôn Diệm Dương Đông) cho biết: Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, Quỹ TDND Trà Giang đã tạo điều kiện cho cơ sở được vay vốn để đầu tư xây dựng nhà xưởng và mua sắm máy móc thiết bị, nguyên liệu phục vụ sản xuất. Chính vì thế, từ những sản phẩm ban đầu chỉ là đồ thờ, đến nay cơ sở đã mở rộng sản xuất các sản phẩm khác chuyên xuất bán ở thị trường trong nước như tranh, lục bình, trống đồng, vật trang trí, kỷ niệm..., tạo việc làm ổn định cho 10 lao động địa phương với thu nhập trung bình từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Ông Nguyễn Đình Nghiêm, Giám đốc Quỹ TDND Trà Giang cho biết thêm: Thời gian tới, Quỹ tiếp tục bám sát mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế của địa phương để có kế hoạch cho vay phù hợp; không ngừng nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung cao cho việc thu hồi nợ gốc và lãi đến hạn, kiên quyết không để nợ xấu, nợ quá hạn phát sinh; củng cố và giữ vững niềm tin của nhân dân địa phương đối với Quỹ, chú trọng xây dựng thương hiệu là địa chỉ tin cậy trong gửi tiền và vay vốn phát triển kinh tế...

Hoạt động giao dịch ở Quỹ TDND Trà Giang (Kiến Xương).

Năm 2022, Quỹ TDND Trà Giang phấn đấu
  • Kết nạp thêm 10 thành viên;
  • Tổng nguồn vốn tăng 10%, trong đó vốn huy động trong dân cư tăng từ 10 - 12%;
  • Dư nợ cho vay tăng từ 5 - 10%.

(Số liệu so sánh với thời điểm 31/12/2021).


 Minh Hương

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày