Thứ 2, 25/11/2024, 10:33[GMT+7]

Cảnh báo sớm khí tượng thủy văn: “Chìa khóa” quan trọng để giảm thiệt hại thiên tai

Thứ 2, 23/05/2022 | 09:03:27
1,012 lượt xem
Những tháng đầu năm 2022, thiên tai ở nước ta cho thấy những diễn biến phức tạp, dị thường, điển hình như đợt rét đậm, rét hại kéo dài có cường độ mạnh nhất trong 40 năm tại các tỉnh vùng núi phía Bắc; mưa lớn trái mùa kèm theo giông lốc, sóng lớn vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 tại các tỉnh miền Trung đã gây thiệt hại rất lớn đến sản xuất nông nghiệp... Gần đây nhất, tại Thái Bình, giông, sét đã làm 3 người thiệt mạng; một trang trại bị sét đánh trúng làm chết 229 con lợn, thiệt hại lớn về tài sản. Để có thêm những thông tin, dự báo về xu thế thời tiết, thủy văn cũng như những hình thái thời tiết nguy hiểm trong mùa mưa bão năm nay, phóng viên Báo Thái Bình có cuộc trao đổi với ông Phạm Quốc Hưng, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn (KTTV) Thái Bình.

Cảnh báo sớm các hiện tượng thời tiết bất thường, thiên tai giúp người dân chủ động hơn trong sản xuất nông nghiệp. Trong ảnh: Nông dân xã Thụy Duyên (Thái Thụy) khẩn trương thu hoạch lúa mùa trước bão số 8 (năm 2021).

Phóng viên: Theo ông, xu thế thời tiết và thủy văn năm 2022 trên cả nước cũng như tỉnh Thái Bình sẽ diễn ra như thế nào?
Ông Phạm Quốc Hưng: Hiện nay, dự báo ENSO có khả năng tiếp tục duy trì ở trạng thái La Nina từ nay đến các tháng đầu mùa đông năm 2022, xác suất khoảng 55 - 65%. Những năm ảnh hưởng của La Nina thời tiết thường có những diễn biến bất thường, đặc biệt là bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) và mưa. Bão, ATNĐ khả năng sẽ xuất hiện dồn dập, đặc biệt là giai đoạn cuối mùa; lượng mưa trong năm có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc, trong đó có Thái Bình; khả năng cao xảy ra hiện tượng mưa cực đoan, xảy ra nhiều đợt mưa lớn diện rộng trong các tháng cuối mùa mưa bão (tháng 10 - 11).

Từ nay đến cuối năm 2022, dự báo trên khu vực Biển Đông có khoảng 12 - 14 cơn bão và ATNĐ, trong đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta từ 5 - 6 cơn, xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. Thái Bình khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp của từ 2 - 3 cơn bão, ATNĐ. Nắng nóng trên khu vực Bắc Bộ và tại Thái Bình xuất hiện muộn so với mọi năm, dự báo có khả năng không gay gắt, không kéo dài như năm 2021.

Cán bộ Đài Khí tượng Thủy văn Thái Bình theo dõi diễn biến áp thấp nhiệt đới, bão hoạt động trên Biển Đông.

Phóng viên: Để đáp ứng yêu cầu dự báo kịp thời, chính xác diễn biến thời tiết, thủy văn phục vụ điều hành sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, Đài KTTV Thái Bình đã có sự chuẩn bị như thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Quốc Hưng: Để đáp ứng yêu cầu dự báo kịp thời, chính xác diễn biến thời tiết, thủy văn, Đài KTTV Thái Bình đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên ngành, khai thác các sản phẩm dự báo dài hạn của các trung tâm dự báo trong và ngoài nước; tăng thời gian dự báo và dự báo sớm các hình thái thời tiết nguy hiểm. Về mạng lưới quan trắc, trên địa bàn tỉnh có 7 trạm KTTV, 28 điểm đo mưa tự động (quốc gia và chuyên dùng), 6 trạm đo mặn, phân bổ ở những vị trí trên các sông và các khu vực trên địa bàn tỉnh đáp ứng yêu cầu dự báo các hình thế thời tiết, thủy văn trên các khu vực của tỉnh. Hệ thống trang thiết bị phục vụ công tác quan trắc đo đạc, dự báo và truyền số liệu KTTV bảo đảm hoạt động ổn định, chính xác cao, đáp ứng yêu cầu tự động đo và truyền số liệu trực tiếp về Đài KTTV và các đơn vị thuộc Tổng cục KTTV.

Đến nay, Đài KTTV Thái Bình đã bảo đảm ban hành 6 nhóm bản tin dự báo KTTV gồm: dự báo mùa vụ, dự báo tháng, dự báo tuần, dự báo 5 ngày, dự báo hàng ngày và dự báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: bão, ATNĐ, mưa, lũ, nắng nóng, xâm nhập mặn, triều cường... Trong các bản tin dự báo bão, ATNĐ, Đài KTTV Thái Bình sẽ chú trọng phân tích chi tiết bão đổ bộ hoặc ảnh hưởng tới địa phương, như thời gian bắt đầu có gió mạnh, cấp và hướng gió, thời gian bắt đầu mưa và cường độ mưa, phân bố mưa trên địa bàn tỉnh... để Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các ngành, địa phương triển khai phương án bố trí nhân lực, phương tiện, vật tư chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Cán bộ kỹ thuật Đài Khí tượng Thủy văn Thái Bình đo đạc, quan trắc các thông số thời tiết, thủy văn.

Phóng viên: Trong công tác phòng, chống thiên tai năm 2022, ông có những khuyến cáo gì?
Ông Phạm Quốc Hưng: Để bảo đảm công tác phòng, chống thiên tai năm 2022, Đài KTTV Thái Bình tăng cường phối hợp với Báo Thái Bình, Đài PTTH tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh... tăng cường truyền, phát, đưa tin kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo, đặc biệt là khi có thời tiết nguy hiểm xảy ra để các cấp, các ngành và người dân nắm bắt, chủ động ứng phó hiệu quả; tăng cường phổ biến kiến thức về KTTV, kỹ năng phòng, chống thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng để các tầng lớp nhân dân được trang bị thêm kiến thức ứng phó với thiên tai.

Người dân cần chủ động theo dõi sát sao các bản tin dự báo, cảnh báo do cơ quan KTTV ban hành để chủ động trong kế hoạch sản xuất cũng như ứng phó khi thiên tai xảy ra. Đối với ngư dân đánh bắt trên biển ngoài việc theo dõi sát sao, liên tục các bản tin dự báo, cảnh báo KTTV cần chủ động trang bị các phương tiện an toàn khi ra khơi như hệ thống thông tin liên lạc, các loại phao cứu hộ, đặc biệt phải tuân thủ nghiêm túc các hiệu lệnh của các cơ quan có trách nhiệm khi có các hình thế thời tiết nguy hiểm xảy ra trên các vùng biển.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Thơi 

(Thực hiện)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày