Thứ 3, 19/11/2024, 05:33[GMT+7]

Quốc hội thảo luận vào dự án Luật Cảnh sát cơ động

Thứ 5, 26/05/2022 | 15:16:23
6,987 lượt xem
Tiếp tục Chương trình làm việc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, sáng 26/5/2022, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động, đồng thời tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cảnh sát cơ động.

Đại biểu Lại Văn Hoàn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu thảo luận.

Đã có 21 ý kiến đại biểu đăng ký và phát biểu, có 1 ý kiến đại biểu tranh luận. Cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo và nhiều nội dung của dự thảo luật. Bên cạnh tập trung thảo luận 4 nội dung trọng tâm đề nghị cho ý kiến, các vị đại biểu tham gia thảo luận về các vấn đề khác như tiếp tục đề nghị nghiên cứu, hoàn thiện dự án luật một cách rõ ràng ở từng điều luật cụ thể để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, khả thi và đáp ứng yêu cầu hoạt động thực tiễn của cảnh sát cơ động về phạm vi điều chỉnh, về hệ thống tổ chức cảnh sát cơ động, về điều động cảnh sát cơ động, về phối hợp thực hiện nhiệm vụ của cảnh sát cơ động, về bảo đảm điều kiện hoạt động và chế độ, chính sách, về quản lý nhà nước và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân… 

Tham gia phát biểu thảo luận, đại biểu Lại Văn Hoàn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho rằng các cơ quan chủ trì soạn thảo đã tiếp thu nhiều nội dung của các đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến tại kỳ họp thứ 2, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục sửa đổi, bổ sung, làm rõ tính đặc thù của cảnh sát cơ động, trong đó cân nhắc bổ sung chức năng đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật của cảnh sát cơ động cho phù hợp với Luật Công an nhân dân và thực tiễn thực hiện nhiệm vụ; làm rõ vai trò chủ trì, phối hợp của cảnh sát cơ động với các lực lượng khác trong thực hiện nhiệm vụ như bảo đảm an ninh trật tự khu vực biên giới, chủ trì việc cứu hộ, cứu nạn trên biển.

Đối với hoạt động hợp tác quốc tế, Khoản 1, Điều 7 về Hợp tác quốc tế của Cảnh sát cơ động đã quy định, hoạt động hợp tác quốc tế của Cảnh sát cơ động Việt Nam thực hiện theo pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế có liên quan. Theo đại biểu, quy định này chưa đề cập đến các quy định của pháp luật Việt Nam là cơ sở để thực hiện hợp tác quốc tế, vì vậy cần bổ sung nội dung này để bảo đảm quy định chặt chẽ hơn. Đồng thời, Điều 7 cần bổ sung, làm rõ các hình thức thực hiện hợp tác quốc tế theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cảnh sát cơ động. Bên cạnh đó, để bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013, đại biểu cho rằng cần làm rõ các trường hợp nào là trường hợp cấp bách theo Khoản 1, Điều 16, cảnh sát cơ động được huy động người, phương tiện, thiết bị, người đang sử dụng điều khiển phương tiện, thiết bị để phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ.

Buổi chiều, các vị đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) và Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Đối với dự án Luật Thanh tra, các vị đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận về một số nội dung như: Về trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước; Về tổ chức, chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính;. Về tổ chức, chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực; Thanh tra viên; Hoạt động thanh tra; Về thực hiện Kết luận thanh tra; Phối hợp trong hoạt động thanh tra và việc xử lý chống chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, giữa thanh tra và kiểm toán nhà nước; Về Thanh tra nhân dân. 

Tham gia vào Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh, các ý kiến đại biểu đề nghị đề nghị Chính phủ tiếp tục tổng kết, bổ sung đánh giá tác động đối với các nội dung sửa đổi, bãi bỏ so với Luật hiện hành; rà soát, đánh giá đầy đủ về thủ tục hành chính đối với từng đối tượng chịu sự tác động; thể chế hóa đầy đủ, sâu sắc, cụ thể hơn nữa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân tại dự án Luật. Bên cạnh đó, các vị đại biểu tập trung thảo luận vào các vấn đề còn có ý kiến khác nhau như:  Về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật; Về chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh; Về chức danh nghề nghiệp phải có Giấy phép hành nghề và điều kiện cấp Giấy phép hành nghề; Về sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Việt Nam; Về thẩm quyền cấp Giấy phép hành nghề và thời hạn của Giấy phép hành nghề; Về hệ thống tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Về điều kiện cấp Giấy phép hoạt động, về đánh giá và chứng nhận chất lượng đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Về xã hội hóa công tác khám bệnh, chữa bệnh; Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh..

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH & HĐND tỉnh)