Chủ nhật, 10/11/2024, 06:01[GMT+7]

Gần 20 năm gắn bó với nghề truyền thống

Thứ 2, 30/05/2022 | 10:48:12
3,631 lượt xem
Tạo việc làm cho lao động nông thôn, duy trì, phát triển được nghề truyền thống với doanh thu hơn 1 tỷ đồng/tháng là kết quả đạt được sau những nỗ lực, cố gắng trong gần 20 năm qua của chị Phạm Thị Thanh Nhàn, hội viên phụ nữ thôn Cốc, xã Phú Châu (Đông Hưng).

Cơ sở mây tre đan của chị Phạm Thị Thanh Nhàn (người thứ hai từ trái sang), hội viên phụ nữ thôn Cốc, xã Phú Châu (Đông Hưng) tạo việc làm cho hơn 100 lao động.

Ở độ tuổi 74, ngoài cấy hai vụ lúa, bà Phạm Thị Mận, hội viên phụ nữ thôn Quốc Dương, xã Phú Châu nghĩ rằng mình không thể tìm được công việc phù hợp với điều kiện và sức khỏe của bản thân. Thế nhưng, từ khi làm việc tại cơ sở mây tre đan xuất khẩu của chị Nhàn, cuộc sống của bà đã ổn định hơn trước. Bà Mận cho biết: Tôi đan các sản phẩm từ mây, tre cho cơ sở của chị Nhàn đã 10 năm. Nói chung, chịu khó ngồi làm thì thu nhập cũng được. Lúc tuổi cao không làm được việc nặng thì làm những việc nhẹ để tăng thu nhập, mỗi tháng cũng thêm được 1 - 2 triệu đồng, bù vào chi tiêu gia đình.

Theo chị Nhàn, gia đình chồng chị vốn có nghề mây tre đan. Tuy nhiên, thị trường xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm tương tự được sản xuất từ nhựa theo phương pháp công nghiệp đã ảnh hưởng không nhỏ tới công việc của gia đình. Để duy trì và phát triển nghề truyền thống, chị tìm hiểu và đổi mới sản phẩm, chọn đan những mặt hàng nội thất, dùng cho tổ chức sự kiện... Dần dần khách hàng tìm đến cơ sở ngày càng nhiều, chị chuyển hướng sang làm các mặt hàng xuất khẩu. Ban đầu chị chỉ sản xuất nhỏ lẻ song nhận thấy có nhiều lao động nhàn rỗi cùng những lợi ích kinh tế mà mặt hàng mây tre đan mang lại, chị quyết định mở rộng sản xuất, dạy nghề cho người dân. Sau thời gian đào tạo nghề, chị cung cấp nguyên liệu cho bà con mang về nhà làm và thu lại sản phẩm. Chị cho biết: Thời gian đầu gặp nhiều khó khăn, nhất là khi dạy nghề, tay nghề của một số chị em còn kém, làm chậm tiến độ giao hàng, hàng phải chỉnh sửa, đối tác nhập hàng cũng nhắc nhở về kỹ thuật. Tuy nhiên, đến nay chất lượng đã được bảo đảm, giao hàng kịp tiến độ. Trung bình mỗi tháng cơ sở sản xuất từ 1.500 - 2.000 bộ sản phẩm, doanh thu đạt hơn 1 tỷ đồng.

Các sản phẩm mây tre đan tại cơ sở của chị Nhàn đa dạng mẫu mã, độ khó tùy thuộc sản phẩm của từng đơn hàng nhưng theo các bà, các chị làm tại cơ sở, chỉ cần khéo tay và chăm chỉ học hỏi là có thể cho ra những sản phẩm rất đẹp mắt. 

Bà Phạm Thị Mừng, hội viên phụ nữ thôn Cốc, xã Phú Châu cho biết: Chúng tôi chủ động mang nguyên liệu về nhà làm, cứ lúc nào rỗi là đan, trẻ già đều làm được. Tôi làm mới được 3 năm. Có những mẫu khó hay đan sai quy cách thì chị Nhàn tận tình hướng dẫn.

Hiện tại, cơ sở của chị Nhàn tạo việc làm thường xuyên cho trên 100 lao động, chủ yếu là phụ nữ trung niên tại địa phương và các xã lân cận. Tuy nghề cũng có lúc thăng trầm, nhất là trong 2 năm 2020 - 2021 nhưng chị cố gắng duy trì, tìm nguồn hàng, liên kết với nhiều công ty để đưa hàng xuất khẩu, tạo việc làm cho bà con. 

Chị Nhàn chia sẻ: Nếu đi làm công việc khác hoặc làm đơn phương, thu nhập 15 - 20 triệu đồng rất dễ, không ảnh hưởng đến nhiều người nhưng tôi vẫn cố gắng duy trì để mình vừa có công, bà con cũng có việc. Vì không có nghề phụ thì những lúc nông nhàn, bà con không có việc, không có thêm thu nhập để nâng cao đời sống. Cũng theo chị Nhàn, trong suốt thời gian gây dựng cơ sở chị luôn có sự đồng hành của tổ chức hội phụ nữ đã tạo điều kiện, kết nối để chị vay vốn ưu đãi, giới thiệu nghề với nhiều phụ nữ.

Chị Phạm Thị Mai Luyên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Châu cho biết: Không chỉ làm kinh tế, chị Nhàn còn tích cực tham gia các phong trào của tổ chức hội như tham gia mô hình tiết kiệm theo gương Bác, biến rác thải thành tiền, đóng góp xây dựng nông thôn mới, giúp đỡ phụ nữ và trẻ em nghèo. Với nhiều phụ nữ tham gia sản xuất, cơ sở của chị Nhàn cũng là một trong những nơi tuyên truyền, triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ tới chị em.

Phương Chi

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày