Thứ 4, 13/11/2024, 05:30[GMT+7]

Thu tiền tỷ từ trồng cây dược liệu

Thứ 2, 30/05/2022 | 10:51:50
3,133 lượt xem
Từ một vùng đất trồng lúa kém hiệu quả, với quyết tâm không để đất hoang hóa, làm giàu ngay trên quê hương, anh Nguyễn Nhật Duật, sinh năm 1968, quê xã Quỳnh Hội (Quỳnh Phụ) đã chuyển sang mô hình trồng cây dược liệu và cây ăn quả cho thu nhập mỗi năm hàng tỷ đồng.

Mô hình trồng cây dược liệu của anh Nguyễn Nhật Duật cho hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2016, đang có công việc ổn định trên Hà Nội, biết được thông tin một số địa phương lân cận có chủ trương cho thuê đất, anh Nguyễn Nhật Duật rời Thủ đô về xã Quỳnh Thọ thuê 1ha đất cấy lúa kém hiệu quả để trồng cây dược liệu. Những ngày đầu khởi nghiệp, mặc dù còn khó khăn về vốn, kỹ thuật chăm bón nhưng anh đã học hỏi những người đi trước, tìm và ký hợp đồng chuyển giao khoa học kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm với một số công ty dược có chi nhánh trên địa bàn tỉnh. 

Anh Duật tâm sự: Gia đình có người làm trong ngành dược nên rất cần nguồn nguyên liệu, trong khi đó một số địa phương trong huyện có chủ trương chuyển đổi vùng đất kém hiệu quả cho thuê để phát triển sản xuất. Với nguồn đầu ra có sẵn nên tôi thuê đất để trồng cây dược liệu.

Sau hơn 5 năm, từ diện tích ban đầu chỉ 1ha hiện tại anh đã mở rộng diện tích lên 8ha tại một số cánh đồng của thôn Cần và thôn Minh Đức, xã Quỳnh Thọ. Các cây dược liệu chủ lực được anh tập trung trồng là đinh lăng, xạ can, hoài sơn, địa hoàng, ích mẫu. Qua nghiên cứu đặc điểm của từng loại cây, anh áp dụng phương pháp chăm sóc riêng. Để tạo nguồn nguyên liệu ổn định, cứ khoảng 2ha anh trồng một loại dược liệu thuận lợi cho việc chăm sóc và thu hoạch. Ngoài ra,  anh bố trí xung quanh trồng cây lấy gỗ lâu năm, vừa làm hàng rào vừa tạo bóng mát, đồng thời trồng 2.000 gốc mít Thái, xen dưới là cây dược liệu. Trung bình mỗi năm anh Duật thu trên 100 tấn dược liệu thô trị giá hàng tỷ đồng, diện tích cây ăn quả cũng cho thu nhập gần 1 tỷ  đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 10 - 15 lao động với thu nhập từ 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng. 

Bà Nguyễn Thị Hảo, thôn Bắc Sơn, xã Quỳnh Thọ chia sẻ: Tôi làm cho anh Duật đến nay được 3 năm, công việc không vất vả, hàng ngày tưới cây, chăm bón. Đặc biệt, các cây dược liệu ở đây chủ yếu dùng phân bón hữu cơ, không dùng chất hóa học nên môi trường trong lành, không ảnh hưởng sức khỏe, thu nhập ổn định, đầu ra sản phẩm bảo đảm nên mọi người rất yên tâm.

Việc anh Duật mạnh dạn tích tụ ruộng đất mở rộng diện tích trồng cây dược liệu không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn giải quyết được tình trạng bỏ ruộng hoang, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương, đây là hướng đi tích cực, lâu dài cho nông dân. 

Ông Ngô Doãn Đô, Giám đốc HTX DVNN xã Quỳnh Thọ cho biết: Mô hình trồng cây dược liệu của anh Nguyễn Nhật Duật là hướng đi mới trong xã, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp địa phương giải quyết được diện tích đất bỏ hoang do trồng lúa kém hiệu quả đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Trong tương lai, ngoài phát triển kinh tế, địa phương cũng tính đến việc phát triển du lịch sinh thái ngay trên mảnh đất quê hương.

Dám nghĩ dám làm, anh Nguyễn Nhật Duật đã biến vùng đất hoang hóa thành cánh đồng dược liệu giá trị, góp phần đa dạng hóa cơ cấu cây trồng. Thời gian tới, kế hoạch của anh sẽ trồng thêm 3ha cây địa hoàng và một số cây dược liệu mới đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay. Mong muốn của anh Duật là tiếp tục được tạo điều kiện, hỗ trợ các thủ tục về nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ về kỹ thuật... để anh quyết tâm làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, tạo thêm việc làm cho người dân địa phương.

Hơn 8ha trồng lúa kém hiệu quả đã được anh Duật chuyển đổi sang trồng cây dược liệu cho hiệu quả kinh tế cao.

Nguyễn Cường