Thứ 3, 19/11/2024, 21:28[GMT+7]

Chào mừng ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 và hưởng ứng tháng hành động vì trẻ em Lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em

Thứ 4, 01/06/2022 | 08:55:56
3,171 lượt xem
Thời gian qua, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em luôn được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm. Tuy nhiên, tình trạng trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại vẫn xảy ra. Chủ đề của tháng hành động vì trẻ em năm nay: “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em” với mục đích tăng cường trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, cộng đồng và xã hội... đối với chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trao quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội.

Trẻ em vẫn bị xâm hại, bạo hành

Công tác bảo vệ trẻ em những năm qua ở tỉnh ta đã được triển khai thực hiện ở cả ba cấp độ: phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp và có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành và có sự quan tâm, vào cuộc của toàn xã hội. Nhiều chủ trương, chính sách về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã được ban hành và đi vào thực tiễn. Song số vụ trẻ em bị xâm hại, bạo hành hàng năm vẫn xảy ra, thậm chí có những vụ trẻ bị xâm hại, bạo hành xảy ra ngay chính trong gia đình và trường học.

Cuối tháng 3/2022, một người mẹ ở xã Vũ Chính (thành phố Thái Bình) đã viết đơn trình báo về việc con gái 10 tuổi của chị bị chính chú họ xâm hại. Theo đơn trình báo, lợi dụng là người thân trong gia đình, đối tượng đã rủ rê, hứa hẹn, mua đồ cho cháu rồi thực hiện hành vi xâm hại chính cháu của mình. Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Thái Bình vào cuộc điều tra và có đủ căn cứ để bắt giữ đối tượng xử lý theo quy định của pháp luật.

Mới nhất, đầu tháng 5/2022, Công an huyện Tiền Hải đã ra quyết định khởi tố thầy giáo chủ nhiệm lớp 5 tại một trường THCS của huyện Tiền Hải để điều tra hành vi “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”. Sự việc chỉ được phát hiện khi một bạn học nhìn thấy hành vi đồi bại của thầy giáo với bạn mình và kể lại cho mọi người biết. Mẹ của cháu bé đã viết đơn tố cáo gửi cơ quan công an. Vụ việc đã được Công an huyện Tiền Hải điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Có thể thấy, mặc dù sự phối hợp giữa ngành lao động - thương binh và xã hội với các sở, ban, ngành trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em đã được đẩy mạnh thông qua nhiều hình thức: tổ chức hội thảo, tập huấn về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích... Các địa phương, trường học tổ chức các hoạt động truyền thông, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cung cấp dịch vụ, người làm công tác bảo vệ trẻ em nhưng nhận thức về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em còn hạn chế. Nhiều vụ xảy ra một thời gian nhưng chính quyền cũng không hay biết, đến khi phát hiện đã quá muộn và để lại hậu quả nặng nề. Vì vậy, việc phòng ngừa trước khi phải hỗ trợ, can thiệp để bảo vệ trẻ em cần phải được coi trọng và đặt lên hàng đầu.

Chăm lo và bảo vệ trẻ em

Thái Bình hiện có trên 435.000 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó 5.515 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, chiếm 1,26%. Thời gian qua, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em được các cấp, ngành, địa phương quan tâm. Cùng với các chính sách chăm lo cho trẻ em, ngành lao động - thương binh và xã hội tích cực vận động, huy động nguồn lực xã hội hóa để chăm lo cho trẻ em. Chuẩn bị cho tháng hành động vì trẻ em năm nay, nhiều hoạt động thăm hỏi, tặng quà, trao học bổng, trao xe đạp... cho trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đã và đang được tổ chức ở khắp các địa phương.

Những ngày cuối tháng 5, tại xã Đông Minh (Tiền Hải), Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh phối hợp với Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã trao 70 suất quà, trao xe đạp cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ bị khuyết tật vận động, học sinh vượt khó vươn lên trong học tập với tổng trị giá 85 triệu đồng. 

Là một trong nhiều gia đình nhận được quà, chị Nguyễn Thị Liễu, thôn Đồng Châu Nội, xã Đông Minh xúc động: Gia đình tôi sinh được 3 người con, cả 3 cháu đều bị bại não, kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Hàng năm, ngoài các chế độ của Nhà nước, của tỉnh, gia đình luôn nhận được sự quan tâm, động viên kịp thời của chính quyền địa phương, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Những tình cảm hướng đến người có hoàn cảnh khó khăn sẽ là động lực để chúng tôi cố gắng vươn lên chăm sóc các cháu tốt hơn.

Với em Nguyễn Thị Như Quỳnh, học sinh Trường THCS Đông Minh (Tiền Hải), chiếc xe đạp nhận được từ các tổ chức, đơn vị trao tặng là mong muốn từ lâu. Chiếc xe sẽ giúp em rút ngắn khoảng cách từ nhà đến trường. Như Quỳnh tâm sự: Bố em mất từ khi em còn rất nhỏ. Mẹ làm công nhân may nên không có điều kiện để sắm sửa phương tiện học tập tốt cho em. Chiếc xe đạp mới sẽ là phương tiện hàng ngày đưa em đến trường, vì vậy em sẽ gắng học giỏi để cảm ơn sự quan tâm của các tổ chức, đơn vị dành cho em.

Tháng hành động vì trẻ em năm nay với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em” diễn ra từ ngày 1 - 30/6. Nhằm đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tích cực huy động mọi nguồn lực để cùng chung tay chăm lo điều kiện vật chất, tinh thần, tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh và phát triển toàn diện cho trẻ.

Tháng hành động vì trẻ em năm nay cùng với phát động trên sóng truyền hình, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích, dịch Covid-19. Tích cực vận động các nguồn lực để thăm hỏi, tặng quà cho trẻ em, nhất là trẻ em nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Phối hợp tuyên truyền, tư vấn kỹ năng làm cha mẹ, về các quyền cơ bản của trẻ em, kỹ năng sống cho trẻ em. Tiếp tục tổ chức rà soát, lập danh sách trẻ em nghèo, trẻ em cần sự hỗ trợ đặc biệt, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo để kêu gọi hỗ trợ kịp thời và tổ chức các chương trình để các em bày tỏ ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng của bản thân.

Ông Bùi Văn Huân, Phó Giám đốc
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội


Nguyễn Cường