Thứ 3, 19/11/2024, 07:44[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước

Thứ 4, 01/06/2022 | 17:03:31
8,323 lượt xem
Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, trong 2 ngày 1/6 và 2/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021. Nội dung phiên họp được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam để nhân dân và cử tri theo dõi.

Các vị đại biểu Quốc hội bên hành lang kỳ họp.

Các vị đại biểu Quốc hội đã phát biểu thảo luận thẳng thắn, trách nhiệm, đánh giá khách quan những vấn đề quan trọng như những khó khăn, thách thức trong việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong bối cảnh thế giới năm 2022 tác động tới kinh tế - xã hội trong nước; kiến nghị các nhiệm vụ, giải pháp trong ngắn hạn cho những tháng còn lại của năm 2022 và dài hạn cho giai đoạn 2021-2025; những yếu tố thuận lợi, khó khăn và cách thức giải quyết các vấn đề còn hạn chế; đánh giá sự cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 định hướng và một số nội dung chính cần quan tâm khi xây dựng khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu trong thời gian tới.

Các ý kiến phát biểu đề xuất nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có đề cập đến nhiều vấn đề cụ thể như vấn đề giải ngân vốn đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia. Các giải pháp về phát triển kinh tế, du lịch, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển hạ tầng giao thông, sản xuất nông nghiệp, bình ổn giá.

Bên cạnh đó, các đại biểu nêu các vấn đề về giáo dục, đào tạo, việc tăng học phí, giá sách giáo khoa; việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa; vấn đề của ngành y tế; việc nghiên cứu khoa học, công nghệ; vấn đề xuất khẩu lao động, bảo hiểm xã hội; giải quyết hồ sơ tồn đọng công nhận liệt sĩ, người có công và tìm kiếm xác định danh tính liệt sĩ; nhiều vấn đề về cơ chế, chính sách, về huy động vốn, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết sản xuất, chế biến; về giám sát, quản lý thị trường bất động sản, chứng khoán, chống thất thu thuế, tiêu cực trong đấu giá đất; vấn đề xử lý nợ xấu và đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42.

Các đại biểu cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm tổng kết, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết số 68; xem xét có giải pháp đồng bộ và mạnh mẽ hơn trong các chính sách bảo hiểm xã hội, lợi ích lâu dài của việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo đảm an sinh xã hội bền vững, hạn chế tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần, không để xảy ra tình trạng trục lợi bảo hiểm xã hội; khẩn trương hỗ trợ cho người lao động còn khó khăn về nhà, yên tâm làm việc; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh giữ chân lao động để phục vụ phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần phục hồi kinh tế xã hội.

Các đại biểu cũng phát biểu thống nhất với sự cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu đến cuối năm 2023 để tránh bị khoảng trống pháp lý trong thời gian đợi gia cố khung khổ pháp luật về xử lý nợ xấu. Do thực tế kết quả xử lý nợ xấu thời gian qua chưa thực sự vững chắc, thực trạng xử lý nợ xấu cho thấy nền kinh tế vẫn tiềm ẩn rủi ro, nợ xấu ngân hàng có khả năng tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.

Các đại biểu đã phân tích những nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng trên, trong đó một phần đáng kể của dòng tiền dễ dãi đã và đang tìm tới các kênh đầu tư và các nhóm tài sản rủi ro không được khuyến khích. Tình trạng dòng tiền rẻ từ ngành ngân hàng bơm ra một phần đáng kể đã tràn vào thị trường chứng khoán nói riêng, thị trường bất động sản và nhiều thị trường tài sản tài chính nói chung.

Các đại biểu đề nghị cần có giải pháp toàn diện, lâu dài, cần chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội, gắn chặt chẽ với 3 chương trình mục tiêu quốc gia, báo cáo tổng thể công tác triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Vũ Sơn Tùng
(Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh)