Thứ 7, 23/11/2024, 17:58[GMT+7]

Làm giàu từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

Thứ 4, 08/06/2022 | 08:40:38
1,508 lượt xem
Không cam chịu đói nghèo, nhiều hộ dân xã Phú Lương (Đông Hưng) tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả cao.

Mỗi vụ, anh Chu Sỹ Mạnh (người bên trái) thu 7,5 - 8 tấn thóc từ quy vùng cấy lúa tập trung.

Là một trong những hộ tiên phong ra vùng chuyển đổi của xã phát triển mô hình VAC, còn mạnh dạn “ôm ruộng” cấy lúa hàng hóa, anh Chu Sỹ Mạnh, thôn Duyên Phú dù còn trẻ đã trở thành một nông dân điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương. Thành công của anh đến từ sự quyết đoán, biết nắm bắt cơ hội, dám nghĩ dám làm, không sợ khó sợ khổ. 

Anh Mạnh cho biết: Trước đây tôi phát triển chăn nuôi tại nhà, chuồng nuôi chật chội, ô nhiễm môi trường, vật nuôi hay bị dịch bệnh, phát triển chậm nên hiệu quả kinh tế không cao. Khi xã quy hoạch khu chuyển đổi ở cánh đồng thôn Duyên Phú, tôi tiên phong ra đó, vay mượn hàng trăm triệu đồng đầu tư xây dựng chuồng trại với tổng diện tích gần 2.400m2. Trong khu chuyển đổi, gia đình thả cá trắm, nuôi gần 300 con lợn, gà, vịt, thỏ và trồng dưa, cây ăn quả. 

Không chỉ phát triển trang trại, anh Mạnh còn mượn, thuê ruộng của các gia đình để cấy lúa với tổng diện tích gần 4 mẫu, đầu tư trên 70 triệu đồng mua máy móc phục vụ sản xuất của gia đình và làm dịch vụ cho bà con. Ruộng anh dồn đổi thành 3 mảnh to để thuận tiện cho việc cơ giới hóa các khâu làm đất, gieo cấy, thu hoạch, giảm chi phí sản xuất. Anh cũng chọn cấy các giống lúa chất lượng cao, gieo cấy, chăm sóc đúng khuyến cáo của ngành chuyên môn, vì vậy lúa sinh trưởng và phát triển tốt, đạt năng suất cao. Mỗi vụ anh thu 7,5 - 8 tấn thóc. Vợ đi làm công ty, một mình xoay sở với trang trại và gần 4 mẫu ruộng song với quyết tâm làm giàu anh Mạnh vẫn tranh thủ trồng thêm 1 mẫu rau màu các loại. Đất không phụ công người, mỗi năm anh thu lãi trên 200 triệu đồng từ mô hình phát triển kinh tế của mình. Gia đình anh đã vượt qua khó khăn, vươn lên trở thành điển hình làm kinh tế giỏi của xã.

Sau nhiều năm ly hương “gieo chữ” nơi vùng cao, vợ chồng thầy giáo Mai Đắc Công trở về quê nhà tiếp tục sự nghiệp trồng người. Sau những giờ lên lớp, anh chị lại tất bật với trang trại VAC vừa để tăng thu nhập cho gia đình vừa giảm ruộng bỏ hoang cho địa phương. Trang trại được gia đình quy hoạch bài bản, được chăm sóc bởi bàn tay của hai con người cần mẫn không sợ “chân lấm tay bùn” luôn cho “quả ngọt”. 

Anh Công chia sẻ: Dưới ao rộng 720m2 tôi thả 3 tạ cá trắm con, sau 1 năm xuất bán được 1 tấn cá thịt. Để giảm chi phí đầu vào, tranh thủ lúc rảnh vợ chồng tôi ra đồng cắt cỏ, vớt bèo, xin cây chuối về làm thức ăn cho cá. Trong chuồng thì luôn có trên 300 con gà, vịt. Tôi cũng mới đầu tư nuôi 20 con dê và thỏ. Đây là những con đặc sản, hứa hẹn cho thu nhập cao. Còn trên vườn, tôi trồng các loại rau theo mùa, vừa cung cấp rau quả sạch cho gia đình vừa bán cho bà con dùng. Ngoài ra tôi còn tranh thủ cấy 2 sào ruộng để tự cung tự cấp gạo cho gia đình. Mỗi năm gia đình thu lãi từ mô hình gần 50 triệu đồng.

Anh Mai Đắc Công thu lãi từ mô hình VAC gần 50 triệu đồng/năm.

Từ năm 2010, xã Phú Lương đã quy hoạch vùng cấy lúa kém hiệu quả tại cánh đồng thôn Duyên Phú rộng 10ha, động viên bà con có ruộng trong khu vực đó chuyển đổi từ cấy lúa sang trồng màu, trồng hoa, cây cảnh, phát triển chăn nuôi. Các mô hình trong khu chuyển đổi đều mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3 - 4 lần cấy lúa. Bên cạnh đó, xã cũng tạo thuận lợi cho hơn 20 hộ ở thôn Duyên Trang Đông chuyển đổi những diện tích cấy lúa năng suất thấp gần sông sang trồng cây đào cảnh. Hiện nay các hộ đang mở rộng diện tích trồng đào để xây dựng sản phẩm đặc thù cho địa phương. 

Ông Nguyễn Trọng Thành, Giám đốc HTX DVNN xã Phú Lương cho biết: Để hỗ trợ phát triển và nhân rộng các điển hình làm kinh tế giỏi, hàng năm HTX phối hợp với Hội Nông dân xã tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho các thành viên, hội viên. Qua đó, bà con áp dụng kiến thức vào thực tiễn sản xuất, mang lại hiệu quả thiết thực. Ngoài ra HTX còn hỗ trợ các hộ nông dân mua giống, phân bón trả chậm; chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục vận động, tạo điều kiện cho bà con thực hiện chuyển đổi những diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang phát triển cây con có giá trị kinh tế cao.

Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng đã góp phần đưa kinh tế của xã Phú Lương có bước tiến đáng kể. Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 51 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,6%.


Hiếu Nghĩa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày