Thứ 7, 16/11/2024, 17:43[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về một số dự án luật trình kỳ họp

Thứ 2, 13/06/2022 | 18:02:02
14,954 lượt xem
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, sáng ngày 13/6, tại hội trường Diên Hồng, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Đại biểu Trần Khánh Thu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình phát biểu thảo luận.

Tham gia phát biểu thảo luận, đại biểu Trần Khánh Thu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho biết: Sau hơn 10 năm triển khai thi hành, Luật đã tạo ra khung pháp lý cho công tác quản lý hành nghề y, lĩnh vực khám, chữa bệnh trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên hiện nay, Luật đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập, những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn, chưa có cơ sở pháp lý để giải quyết. Dự thảo Luật lần này đã được ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung một số quy định mới nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 20 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, khắc phục được những hạn chế và thực tiễn đã phát sinh và phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Tham gia vào các nội dung cụ thể về chính sách của Nhà nước trong khám, chữa bệnh, nhất trí với quy định Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng các điều khoản trong dự thảo lại chưa thể chế được đầy đủ chủ trương về thực hiện xã hội hóa các dịch vụ khám, chữa bệnh. Các nội dung còn chung chung chưa thể hiện được chủ trương bảo đảm sự bình đẳng giữa các cơ sở công lập và ngoài công lập, chưa cụ thể được các chính sách khuyến khích để thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân, chưa có sự phân tách giữa vùng thuận lợi, vùng khó khăn để thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và vùng khó khăn để khuyến khích xã hội hóa.

Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trong đó có quy định các bệnh viện công lập chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, đây cũng là một trong các giải pháp để thực hiện xã hội hóa trong y tế. Tuy nhiên, đại biểu chỉ ra trong dự thảo Luật lại chưa có một điều khoản nào quy định cụ thể cho các đơn vị y tế yên tâm tự chủ. Hiện nay cơ sở y tế được tự chủ nhưng chưa có cơ chế, phương thức, không đủ nguồn lực để chủ động phát huy năng lực chuyên môn; không tạo ra động lực thúc đẩy cho cán bộ có trình độ; không có chính sách để thu hút được nhân lực có chuyên môn giỏi... Tự chủ nhưng chưa được tự quyết định về tài chính, trong đó có việc giá dịch vụ y tế chưa được điều chỉnh gây ảnh hưởng đến hạch toán thu chi của cơ sở khám, chữa bệnh. Việc tổ chức đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh gặp khó khăn do quy định về tham khảo giá gây nên những nguy cơ tiềm ẩn sai phạm khi thực hiện mua sắm. Nêu ra những hạn chế trên, đại biểu đề nghị ngay trong Luật cần cụ thể hóa quy định các hình thức xã hội hóa trong y tế, hướng dẫn các quy định rõ ràng của tự chủ trong y tế. Cơ sở y tế đã đủ điều kiện thực hiện tự chủ thì cho phép tự chủ hay giao cho họ tự chủ rồi để họ hoạt động tự chủ? Đề nghị cần xác định và phân nhóm đầu ra các loại dịch vụ y tế thật cụ thể: Nhóm dịch vụ thiết yếu để thực hiện nhiệm vụ chính trị do Nhà nước giao thì được Nhà nước tài trợ toàn bộ; nhóm dịch vụ cơ bản thì Nhà nước cấp kinh phí một phần, chứ không làm sai lệch đi bản chất của tự chủ; trong phân bổ ngân sách nhà nước cần dành nguồn lực thích hợp cho ngành y tế ổn định và phát triển đặc biệt là y tế cơ sở và y tế dự phòng.

Bên cạnh đó, cần có các quy định để cụ thể hóa các ưu đãi về đào tạo nguồn nhân lực, về đất đai, về thuế, cơ chế tài chính, cơ chế phối hợp sử dụng nguồn vốn ngân sách, cơ chế thu hút đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa… cho phát triển các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thậm chí ngay tại y tế cơ sở giúp người dân có thể tự lựa chọn dịch vụ y tế chất lượng cho mình được nhanh nhất, nhằm giúp công tác chăm sóc y tế tốt hơn, tiết kiệm được chi phí chữa bệnh, phát huy tối đa hiệu quả máy móc thiết bị, nguồn nhân lực tại chỗ, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.

Cùng tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đề nghị cần tiếp tục cấp giấy phép hành nghề đối với chức danh y sĩ chung, chứ không chỉ đối với chức danh y sĩ thuộc lực lượng vũ trang với các lý do sau: Ít nhất đây là chức danh hiện vẫn đang hoạt động và rất có hiệu quả đối với tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu. Hiện nay, Việt Nam đang có một lực lượng, mạng lưới chăm sóc sức khỏe ban đầu có thể coi là ưu việt so với nhiều nước trên thế giới, đó là các tuyến y tế cơ sở, trạm y tế xã. Ở đây có các chức danh y tế, trong đó y sĩ trong nhiều năm qua đã có nhiều đóng góp rất tích cực. Đại biểu cho rằng, mỗi chức danh trong từng thời kỳ có một sứ mệnh, có nhiệm vụ riêng, do vậy cần phải xác định lại sứ mệnh, chức năng, nhiệm vụ của y sĩ trong nhu cầu chăm sóc sức khỏe hiện nay và trong tương lai vì lực lượng này thì rất cần thiết đối với tuyến y tế cơ sở. Không chỉ là tuyến y tế cơ sở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, biên giới, hải đảo, mà cả vùng nông thôn trong bối cảnh Việt Nam đang thiếu hụt bác sĩ ở tuyến y tế cơ sở hiện nay. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu tiếp tục cấp giấy phép hành nghề cho chức danh y sĩ; đồng thời các bộ chuyên ngành, đặc biệt là Bộ Y tế cần xác định lại sứ mệnh, chức năng, nhiệm vụ của y sĩ trong giai đoạn hiện nay và trong thời gian sắp tới để xây dựng lại chương trình đào tạo cũng như là quy định lại chức năng, nhiệm vụ đối với từng vị trí công việc và đào tạo theo hướng chuyên môn hóa chuyên sâu để có thể hỗ trợ cho bác sĩ trong mọi hoàn cảnh, mọi vị trí công việc. Trong bối cảnh hiện nay, dự thảo Luật đang quy định về phát triển cấp cứu ngoại viện thì đào tạo chức danh y sĩ này theo hướng các kỹ năng để cấp cứu ngoại viện, đây là đối tượng sẽ gắn bó với y tế cơ sở và đáp ứng rất nhanh cho cấp cứu tại chỗ, cấp cứu tại cơ sở.

Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Vũ Sơn Tùng
(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)