Thứ 6, 15/11/2024, 01:39[GMT+7]

Hố đen nuốt chửng lượng vật chất bằng Trái Đất mỗi giây

Thứ 5, 16/06/2022 | 14:42:49
693 lượt xem
Các nhà thiên văn học Australia tìm thấy một hố đen siêu khối lượng phát triển với tốc độ nhanh chưa từng thấy.

Ảnh minh họa

Các nhà thiên văn học Australia tìm thấy một hố đen siêu khối lượng phát triển với tốc độ nhanh chưa từng thấy.

Nghiên cứu đăng trên Ấn phẩm của Hiệp hội Thiên văn Australia hôm 9/6 cho biết hố đen được đặt là tên SMSS J114447.77-430859.3, viết tắt là J1144, nặng gấp 3 tỷ lần Mặt Trời và điên cuồng hút vật chất đến mức phát ra ánh sáng đa bước sóng chói lọi khắp vũ trụ, khiến nó trở thành một chuẩn tinh.

Những hố đen có kích thước tương tự đã ngừng phát triển cách đây hàng tỷ năm, nhưng J1144 vẫn ngày càng lớn hơn. Nó hiện lớn gấp 500 lần Sagittarius A*, siêu hố đen ở trung tâm dải Ngân Hà.

Hố đen lớn lên thông qua một quá trình gọi là bồi tụ, trong đó nó hút vật chất từ một đĩa khí và bụi quay xung quanh. Có rất nhiều ma sát trong khí rơi vào hố đen, khiến nó trở nên nóng và phát sáng.

Mô phỏng một chuẩn tinh được tạo ra từ hố đen siêu khối lượng. Ảnh: NOIRLab

Mô phỏng một chuẩn tinh được tạo ra từ hố đen siêu khối lượng.

Theo nhà vật lý thiên văn Chris Onken tại Đại học Quốc gia Australia, tác giả chính của nghiên cứu, J1144 ngấu nghiến một lượng vật chất tương đương Trái Đất mỗi giây và tỏa sáng gấp hơn 7.000 lần so với toàn bộ ngôi sao trong dải Ngân Hà cộng lại.

Ánh sáng từ hố đen siêu khối lượng này mất 7 tỷ năm để chiếu đến Trái Đất và được phát hiện bởi kính thiên văn đường kính 1,3 m tại Đại quan sát Siding Spring ở Australia trong khuôn khổ Cuộc khảo sát Bầu trời phía Nam của SkyMapper.

Trong lịch sử vũ trụ, tốc độ phát triển nhanh của hố đen không phải là điều bất thường. Tuy nhiên, khi so sánh với những hố đen khác được phát hiện trong 60 năm qua, nhóm nghiên cứu không tìm thấy vật thể nào có tốc độ phát triển nhanh như J1144 trong 9 tỷ năm qua.

Nguyên nhân cho sự phát triển nhanh chóng của J1144 vẫn chưa được hiểu rõ. "Thực tế chỉ ra đây là một vật thể sáng hơn rất nhiều so với các hố đen khác ở tuổi đó của vũ trụ, gợi ý rằng nó có thể kết quả của một vụ va chạm giữa hai thiên hà lớn", Onken cho biết.

Nhưng tại sao phải mất quá nhiều thời gian để tìm thấy một vật thể sáng như vậy? Theo Onken, J1144 nằm ở góc 18 độ so với mặt phẳng thiên hà. Hầu hết các cuộc khảo sát trước đây thường chỉ dừng lại ở khoảng 30 hoặc 20 độ, nhằm tránh vùng trời gần mặt phẳng thiên hà, nơi mọi thứ có thể rất lộn xộn.

Trong tương lai, nhóm nghiên cứu có kế hoạch thực hiện thêm các quan sát trong quang phổ tử ngoại để hiểu sâu hơn về J1144.

Theo vnexpress.net