Chủ nhật, 24/11/2024, 10:37[GMT+7]

Ngôi nhà hướng chính Tây có không gian đầy ánh sáng, nắng và gió trời

Thứ 3, 21/06/2022 | 18:53:43
857 lượt xem
Ngôi nhà với mặt tiền hướng chính Tây kết hợp sử dụng vật liệu cũ, mới và các vật liệu tự nhiên. Không gian chứa đựng đầy ánh sáng, nắng và gió mát lịm.

Ngôi nhà phố hướng Tây bên anh Lợi thiết kế, thi công trong năm 2022.

Những ngôi nhà hướng Tây thường được mọi người quan niệm là nóng bức, bí bách… Bởi hướng Tây là hướng đón ánh nắng từ giữa trưa đến cuối chiều, hấp thụ nhiệt rất cao. Khi mùa hè đến, những ngôi nhà này chịu cái nắng gay gắt khiến cho không gian sống trở nên nóng bức, đồ vật cũng bị làm nóng lên và giảm đi tuổi thọ.

Sự nóng bức có thể làm nên sự khó chịu và ảnh hưởng tới sức khỏe của mọi người trong gia đình. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại, các kiến trúc sư đã đưa ra các giải pháp thiết kế nhà hướng Tây chống nóng, đảm bảo được sự thông thoáng.

Kiến trúc sư Đỗ Lợi chia sẻ, anh và cộng sự thường tạo ra một khoảng đệm giữa không gian ở và bên ngoài giúp nhà mát. Đối với những mảnh đất hướng Tây, gia chủ cần nghiên cứu kỹ lưỡng việc thiết kế mặt tiền đáp ứng đủ các tiêu chí: Công năng và thẩm mĩ, giảm lượng nhiệt phản chiếu trực tiếp vào nhà.

Phía trước nhà dùng hệ lam dày cản nắng, giảm nhiệt và bức xạ của mặt trời vào trong nhà, giảm nhiệt cho bên trong vài độ so với bên ngoài. 

Anh Lợi cho biết thêm, những căn nhà hướng Tây nhận nguồn sáng chính từ bên trên hoặc phía sau. Chính vì vậy không gian thông tầng hoặc một giếng trời ở giữa nhà là giải pháp thường hay được áp dụng.

Những không gian đằng sau mặt đứng chính không nên bố trí phòng ngủ, phòng khách… mà nên tận dụng để làm hành lang, cầu thang để có một lớp đệm cách nhiệt cho các không gian chính. Ngoài ra, không gian bố trí trong ngôi nhà nên tự do, hạn chế phòng vách để ánh sáng được xuyên suốt ngôi nhà.

Mới đây, anh Lợi cùng đồng nghiệp đã thực hiện công trình nhà hướng chính Tây. Công trình này kết hợp sử dụng vật liệu cũ, mới và các vật liệu tự nhiên được xử lý ở mức độ vừa đủ để không mất đi khí chất vốn có của chúng. Không gian mong muốn chứa đựng đầy ánh sáng, nắng và gió ngay chính bên trong căn nhà.

Đồng thời, anh dành một phần diện tích cho những không gian xanh bên ngoài nhà ở. Đây cũng là cách rất hữu hiệu để đảm bảo khí hậu cho nhà ở luôn cân bằng ở mức dễ chịu.

Do mặt đứng chính của ngôi nhà là mặt bất lợi về mặt khí hậu, phải nhận lượng nhiệt lớn từ mặt trời nên các giải pháp nhà hướng Tây thường được thiết kế sao cho ánh nắng không trực tiếp chiếu vào nhà hoặc không nhận hoàn toàn ánh sáng.

Hệ lam dày được sử dụng cho mặt đứng trong thiết kế ngôi nhà hướng Tây. Mặt đứng này sẽ biến điểm bất lợi thành nét đặc trưng, làm đẹp cho ngôi nhà của gia chủ.

Các khoảng không và mảng xanh bao quanh nhà là giải pháp chống nóng hiệu quả.

Một số vật liệu cách nhiệt được ưa chuộng trong xây dựng như xi-măng hai lớp cách nhiệt, gỗ hai lớp cách nhiệt…

Cấu tạo của tường hai lớp khá đơn giản. Bao gồm hai lớp tường trong và ngoài, mỗi lớp có độ dày chừng 110mm – 220mm, giữa chúng có một khoảng không dày cỡ 100mm. Khoảng không giúp không khí lưu thông, làm chậm quá trình truyền nhiệt. Từ đó giúp không gian bên trong trở nên mát mẻ hơn.

Nhóm thiết kế đưa cây xanh vào không gian kiến trúc là một giải pháp tạo tâm lí gần gũi với thiên nhiên cho người ở. Cây xanh được bố trí ở sau lớp mặt đứng cách nhiệt hoặc ngay tại vị trí thông tầng, giếng trời.

Các không gian mở tạo sự thông thoáng cho nhà. 

Nội thất tối giản, tiện nghi nhưng giảm các chi tiết rườm rà, tránh làm nhà chật chội.

Ngôi nhà có đủ nắng, gió và ánh sáng tự nhiên nhờ giếng trời và hệ cửa mở gần thiên nhiên. 

Ban thờ nằm ở khu vực riêng tư, yên tĩnh và tránh các yếu tố lỗi phong thủy. Cửa sổ tròn nhìn bao quát được phòng khách, sân vườn. 

Khu làm việc, đọc sách và thư giãn bố trí ở sảnh tầng 2, trước cửa phòng thờ. 

Phòng ngủ dùng màu sáng để giảm nhiệt, tránh hấp thụ nhiệt gây nóng bức. 

Phòng ngủ em bé có sắc xanh mát mẻ, dịu êm, giúp người sử dụng thấy thoải mái, thư thái nhất. 

Khu vệ sinh có cửa kính lớn lấy sáng từ vườn vào, một góc rất thú vị. 

Phòng tắm nào trong nhà cũng có giếng trời. 

Theo kienthuc.net.vn