Thứ 7, 23/11/2024, 20:57[GMT+7]

Hỏi đáp về phòng, chống bạo lực gia đình

Thứ 2, 27/06/2022 | 08:55:01
4,570 lượt xem

Hình ảnh minh họa.

Câu 6: Pháp luật quy định các biện pháp nào để ngăn chặn, bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình?

Trả lời:

Khoản 1, Điều 19 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ được áp dụng kịp thời để bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình, chấm dứt hành vi bạo lực gia đình, giảm thiểu hậu quả do hành vi bạo lực gây ra, bao gồm:

- Buộc chấm dứt ngay hành vi bạo lực gia đình;

- Cấp cứu nạn nhân bạo lực gia đình;

- Các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc pháp luật về tố tụng hình sự đối với người có hành vi bạo lực gia đình;

- Cấm người có hành vi bạo lực gia đình đến gần nạn nhân; sử dụng điện thoại hoặc các phương tiện thông tin khác để có hành vi bạo lực với nạn nhân.

Câu 7: Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

Khoản 1 và khoản 2, Điều 42 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định:

- Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

- Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân có hành vi bạo lực gia đình nếu bị xử lý vi phạm hành chính thì bị thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó để giáo dục.

Câu 8: Xin cho biết thông tin về cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình?

Trả lời:

Điều 26 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định về cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình như sau:

- Cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình là nơi chăm sóc, tư vấn, tạm lánh, hỗ trợ những điều kiện cần thiết khác cho nạn nhân bạo lực gia đình.

- Cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình bao gồm:

+ Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

+ Cơ sở bảo trợ xã hội;

+ Cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình;

+ Cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình;

+ Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng.

Câu 9: Pháp luật quy định thế nào về cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình và cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình?

Trả lời:

Điều 29 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định về cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình và cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình như sau:

- Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình; hỗ trợ kinh phí cho một số cơ sở hỗ trợ, cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình theo chương trình, kế hoạch về phòng, chống bạo lực gia đình; kinh phí hỗ trợ, đối tượng được hỗ trợ do Chính phủ quy định.

- Theo quy chế hoạt động hoặc chức năng, nhiệm vụ của mình, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình được cung cấp các dịch vụ tư vấn về pháp luật, tâm lý, chăm sóc sức khỏe, bố trí nơi tạm lánh và các điều kiện cần thiết khác cho nạn nhân bạo lực gia đình.

- Cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình phải có các điều kiện sau đây:

+ Có cơ sở vật chất và nhân lực chuyên môn phù hợp với nội dung hoạt động trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình;

+ Có nguồn tài chính bảo đảm chi phí cho các hoạt động trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình.

- Nhân viên tư vấn phải có phẩm chất đạo đức tốt và bảo đảm yêu cầu về chuyên môn theo quy định của pháp luật đối với lĩnh vực tư vấn. Trong quá trình tư vấn cho nạn nhân bạo lực gia đình, nhân viên tư vấn có trách nhiệm giữ bí mật thông tin về nạn nhân bạo lực gia đình; trường hợp phát hiện hành vi bạo lực gia đình có dấu hiệu tội phạm phải báo ngay cho người đứng đầu cơ sở để báo cho cơ quan công an nơi gần nhất.

Câu 10: Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng là gì?

Trả lời:

Điều 30 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định về địa chỉ tin cậy ở cộng đồng như sau:

- Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng là cá nhân, tổ chức có uy tín, khả năng và tự nguyện giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình tại cộng đồng dân cư.

- Cá nhân, tổ chức thông báo về việc nhận làm địa chỉ tin cậy, nơi đặt địa chỉ tin cậy với ủy ban nhân dân cấp xã nơi đặt địa chỉ tin cậy.

- Tùy theo điều kiện và khả năng thực tế, địa chỉ tin cậy ở cộng đồng tiếp nhận nạn nhân bạo lực gia đình, hỗ trợ, tư vấn, bố trí nơi tạm lánh cho nạn nhân và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền biết.

- Ủy ban nhân dân cấp xã lập danh sách và công bố các địa chỉ tin cậy ở cộng đồng; thực hiện việc hướng dẫn, tổ chức tập huấn về phòng, chống bạo lực gia đình và bảo vệ địa chỉ tin cậy ở cộng đồng trong trường hợp cần thiết.

- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn và các tổ chức thành viên có trách nhiệm phối hợp với ủy ban nhân dân cùng cấp trong việc tuyên truyền, vận động, xây dựng các địa chỉ tin cậy ở cộng đồng.

Câu 11: Trách nhiệm của cá nhân và gia đình trong phòng, chống bạo lực gia đình được quy định như thế nào?

Trả lời:

- Điều 31 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định cá nhân có trách nhiệm:

+ Thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống ma túy, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác.

+ Kịp thời ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và thông báo cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.

- Điều 32 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định gia đình có trách nhiệm:

+ Giáo dục, nhắc nhở thành viên gia đình thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống ma túy, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác.

+ Hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình; can ngăn người có hành vi bạo lực gia đình chấm dứt hành vi bạo lực; chăm sóc nạn nhân bạo lực gia đình.

+ Phối hợp với cơ quan, tổ chức và cộng đồng dân cư trong phòng, chống bạo lực gia đình.

+ Thực hiện các biện pháp khác về phòng, chống bạo lực gia đình theo quy định của Luật này.

(còn nữa)

Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp