Thứ 5, 14/11/2024, 04:42[GMT+7]

Phát triển kinh tế từ nuôi cá hồng Mỹ

Thứ 4, 29/06/2022 | 08:50:01
785 lượt xem
Vợ chồng cựu thanh niên xung phong Bùi Sỹ Thịnh và Hà Thị Ái, thôn Tu Trình, xã Hồng Dũng (Thái Thụy) có cuộc sống khá giả từ nuôi thủy sản với tiền lãi thu về hơn 200 triệu đồng/năm.

Ông Bùi Sỹ Thịnh (người đứng giữa) kiểm tra sự phát triển của cá hồng Mỹ.

Gia đình tại xã Hồng Dũng nhưng vợ chồng ông Thịnh thuê đầm nuôi thủy sản ở xã Thụy Xuân (Thái Thụy). Hơn 20 năm nuôi thủy sản với nhiều loại cá, tôm, cua khác nhau, trong đó 5 năm nuôi cá hồng Mỹ, ông bà nhận thấy nuôi cá hồng Mỹ phù hợp với điều kiện của mình nhất. Cá hồng Mỹ phù hợp môi trường nước lợ, nước mặn, dễ nuôi, có khả năng thích nghi tốt với các điều kiện môi trường và với các loại thức ăn. Đầm nuôi cá hồng Mỹ là những đầm nuôi tôm kém hiệu quả trước đây. Khi giá thức ăn công nghiệp lên cao vợ chồng ông Thịnh mua cá nhỏ, mực nhỏ, các loại giáp xác để làm thức ăn cho cá. Tuy nhiên, theo ông Thịnh, cá hồng Mỹ cần nhiều ôxy nên phải sử dụng một số thiết bị như quạt nước, máy sục khí để bảo đảm hàm lượng ôxy cho cá trong quá trình nuôi, nhất là khi cá đạt trọng lượng trên 500g/con; nước trong đầm phải bảo đảm tránh sự thay đổi đột ngột nhiệt độ...

Hiện vợ chồng ông Thịnh có 3 đầm nuôi tôm, cua, cá với diện tích 20 sào, trong đó 2 đầm nuôi cá hồng Mỹ giống, cá thương phẩm, 1 đầm nuôi tôm, cua giống cung cấp cho các hộ nuôi. 

Bà Ái cho biết: Để nuôi cá hồng Mỹ thành công, việc đầu tiên là phải cải tạo ao thật tốt. Bên cạnh đó, chọn giống cá ở những cơ sở sản xuất uy tín, chất lượng. Sau gần 1 năm nuôi trọng lượng cá đạt hơn 1kg/con, tỷ lệ sống ước đạt 80%, giá bán cho các nhà hàng, thương lái tại thời điểm hiện tại là hơn 80.000 đồng/kg.

Có kết quả như hiện tại nhưng ban đầu việc nuôi thủy sản của vợ chồng ông Thịnh khá lận đận. Đầm nuôi tôm, cá hiện giờ trước đây là cánh đồng hoang, vì không có vốn đầu tư, cải tạo, chưa có kinh nghiệm nên tôm, cá bị chết nhiều. Không nản lòng, vợ chồng ông vừa nuôi thủy sản vừa học hỏi thêm, tuân thủ quy trình kỹ thuật chăm sóc, cho ăn... nên tôm, cá nhanh lớn, phát triển khỏe mạnh, từ đó tạo nguồn thu nhập cho gia đình. 

Ông Thịnh chia sẻ: Dù có những lúc khó khăn, thất bại nhưng vợ chồng tôi tự nhủ phải phát huy truyền thống của thanh niên xung phong, không ngại khó khăn, gian khổ, vươn lên làm kinh tế, nâng cao đời sống gia đình, góp phần xây dựng quê hương.

Theo ông Trần Xuân Thắng, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong huyện Thái Thụy: Dù tuổi cao nhưng nhiều cựu thanh niên xung phong của huyện Thái Thụy vẫn miệt mài, hăng hái tham gia lao động sản xuất, động viên con cháu vượt khó, vươn lên xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, đem lại thu nhập cao cho gia đình và đóng góp cho xã hội. Trong đó, mô hình nuôi thủy sản của vợ chồng ông Thịnh, bà Ái là điển hình để cán bộ, hội viên học tập. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông bà còn tích cực góp quỹ “Nghĩa tình đồng đội”; tư vấn cho bà con trong việc chọn giống, thức ăn chăn nuôi; tạo điều kiện cho một số hộ có hoàn cảnh khó khăn mua trả chậm... Trên cương vị Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong xã Hồng Dũng, ông Thịnh luôn quan tâm chăm lo đời sống tinh thần, vật chất cũng như việc đề nghị giải quyết các chế độ, chính sách cho hội viên nên được mọi người rất tin tưởng.

Một đầm nuôi cá hồng mỹ của vợ chồng cựu thanh niên xung phong Bùi Sỹ Thịnh, Hà Thị Ái.

Xuân Phương