Thứ 7, 23/11/2024, 20:37[GMT+7]

New Zealand ghi nhận ca nhiễm biến thể BA.2.75, nhiều nước đẩy mạnh tiêm vaccine, đeo khẩu trang

Thứ 4, 06/07/2022 | 08:05:03
452 lượt xem
Đến sáng 6/7, thế giới có trên 555,86 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,36 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Đến nay, hơn 555,86 triệu người đã mắc COVID-19 trên toàn cầu.

Mỹ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 với tổng cộng trên 89,61 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có khoảng 1,043 triệu trường hợp tử vong do bệnh này. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm gần 13.600 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 5/7, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43,53 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 525.200 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 672.000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 32,53 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Ngày 5/7, Bộ Y tế New Zealand thông báo, nước này đã ghi nhận những ca đầu tiên nhiễm biến thể BA.2.75. Phân tích trình tự gene đã xác nhận, hai ca nhiễm biến thể trên là người vừa trở về từ Ấn Độ.

Thông báo của Bộ Y tế New Zealand khẳng định: "Đến thời điểm hiện tại, không có bằng chứng cho thấy biến thể BA.2.75 đòi hỏi thay đổi cách tiếp cận về y tế cộng đồng đang áp dụng để ứng phó với các biến thể dòng phụ khác của Omicron". Thông báo cũng nêu rõ rằng hiện không có bằng chứng cho thấy, biến thể này có thể khiến bệnh nặng hơn, nhưng cũng cho biết bằng chứng hiện chỉ ở giai đoạn đầu.

Biến thể BA.2.75 được xác định là dòng phụ thứ hai của biến thể BA.2, loại biến thể lây truyền chủ đạo ở New Zealand vào thời gian này. Gần đây, BA.2.75 mới được xác định là khác với BA.2 và bằng chứng về khả năng lây lan, né tránh hệ miễn dịch và gây bệnh nặng của biến thể này vẫn ở giai đoạn đầu.

Ngoài 2 ca bệnh nói trên, trong 24 giờ qua, New Zealand cũng ghi nhận 47 trường hợp mắc mới ở khu vực biên giới. Hiện 493 người mắc COVID-19 đang được điều trị, trong đó 11 ca điều trị tích cực.

Lực lượng chuyên trách của Chính phủ Nga về ứng phó với đại dịch COVID-19 thông báo, các biện pháp hạn chế nhập cảnh do dịch sẽ được dỡ bỏ từ ngày 15/7 tới.

Trước đó, các biện pháp hạn chế đã được áp đặt với công dân nước ngoài đến từ một số quốc gia, cùng với một số điều kiện khi quá cảnh biên giới trong thời gian đại dịch. Hôm 1/7, Nga cũng thông báo chấm dứt toàn bộ các hạn chế được áp dụng để phòng dịch COVID-19, bao gồm quy định đeo khẩu trang, trong bối cảnh số ca tử vong do dịch bệnh này giảm đều. Theo Cơ quan giám sát tiêu dùng Nga (Rospotrebnadzor), khả năng lây lan của virus tại Nga phù hợp với các xu hướng trên toàn cầu, theo đó 93% số ca mắc ở thể nhẹ hoặc không triệu chứng.

Nhóm Cố vấn kỹ thuật tiêm chủng Australia (ATAGI) đang xem xét đề xuất mở rộng phạm vi tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ 4 cho người dân, trong bối cảnh nước này đang phải đối phó với làn sóng lây nhiễm thứ 3 của đại dịch có chiều hướng gia tăng, kết hợp với dịch cúm mùa nghiêm trọng trong mùa đông.

New Zealand ghi nhận ca nhiễm biến thể BA.2.75, nhiều nước đẩy mạnh tiêm vaccine, đeo khẩu trang - Ảnh 1.

Australia đang xem xét đề xuất mở rộng phạm vi tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ 4 cho người dân.  


Dự kiến, ATAGI sẽ nhóm họp vào ngày 6/7 để thảo luận vấn đề nói trên, tập trung vào phạm vi mở rộng đến đâu - chỉ dành cho những người lớn tuổi, những người có vấn đề về sức khỏe hay phủ rộng toàn dân. Hiện tại, việc tiêm mũi vaccine thứ 4 ngừa COVID-19 tại Australia chỉ thực hiện với những người trên 65 tuổi hoặc những người có vấn đề về sức khỏe, suy giảm hệ miễn dịch và dễ bị tổn thương nếu mắc bệnh.

Hiện một số bang của Australia cũng đang xem xét áp dụng trở lại quy định đeo khẩu trang tại các nơi công cộng để hạn chế sự gia tăng của các ca lây nhiễm.

Giới chức y tế bang New South Wales của Australia cảnh báo, bang này đang đối mặt với làn sóng mới dịch COVID-19, đồng thời kêu gọi người dân tiêm phòng càng sớm càng tốt. Người đứng đầu lĩnh vực y tế bang, ông Brad Hazzard khẳng định, New South Wales đang ở giai đoạn đầu của làn sóng lây nhiễm thứ 3 biến thể Omicron, có khả năng đạt đỉnh vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8. Theo ông, đợt bùng phát này liên quan các dòng phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron.

Ngày 5/7, Australia ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 lên tới 36.560 người. Hiện tổng cộng trên 8,29 triệu trường hợp đã nhiễm bệnh và 10.085 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi ở nước này.

Iran thông báo, số ca mắc mới COVID-19 trong ngày qua tại nước này lần đầu tiên vượt 1.000 ca kể từ ngày 27/4. Cụ thể, theo Bộ Y tế Iran, trong 24 giờ qua, nước này có thêm 1.007 ca mắc mới, trong đó có 122 người phải nhập viện. Trong những tuần qua, số ca mắc mới COVID-19 trong vòng một ngày tại nước Cộng hòa Hồi giáo này hầu như không vượt quá 200 ca, thậm chí có ngày giảm xuống dưới 100 trường hợp.

Tổng số ca mắc tại nước này kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào cuối tháng 2/2020 hiện là trên 7,24 triệu, bao gồm 141.404 trường hợp không qua khỏi. Giới chuyên gia Iran cảnh báo, hai dòng phụ có khả năng lây lan nhanh của biến thể Omicron có thể sẽ chiếm ưu thế ở nước này trong những tuần tới.

Indonesia đã ra quy định những người tham dự các sự kiện tập trung đông người phải tiêm liều tăng cường vaccine ngừa COVID-19. Theo đó, những người tham dự các sự kiện trong nhà hoặc ngoài trời tập trung hơn 1.000 người phải xuất trình chứng nhận đã tiêm mũi vaccine thứ 3 ngừa COVID-19. Tuy nhiên, trẻ em từ 6 đến 17 tuổi được tham dự nếu đã tiêm đủ 2 mũi vaccine cơ bản.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã yêu cầu các cơ quan liên quan siết chặt quản lý thông qua ứng dụng kê khai y tế trực tuyến. Theo giới chức Indonesia, tại một số quốc gia, số ca mắc mới COVID-19 vẫn tương đối cao và dự kiến đại dịch chưa thể kết thúc trong 6 tháng tới. Hiện 80% số ca mắc mới tại Indonesia nhiễm các biến thể BA.4 và BA.5.

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos ngày 5/7 thông báo, nước này sẽ mở cửa trở lại toàn bộ các trường học vào tháng 11 tới. Đây sẽ là lần đầu tiên sau hơn 2 năm các trường học ở quốc gia Đông Nam Á này sẽ mở cửa đón học sinh trở lại trong bối cảnh các chuyên gia cảnh báo về cuộc khủng hoảng giáo dục gia tăng do đại dịch COVID-19.

Phát biểu tại cuộc họp báo đầu tiên sau khi nhậm chức Tổng thống Philippines, ông Marcos Jr nêu rõ: "Chúng tôi có kế hoạch mở cửa trở lại tất cả trường học vào tháng 11 tới. Việc mở cửa sẽ bắt đầu từ tháng 9 và được tăng tốc trong 2 tháng sau đó, kèm theo đó là một chiến dịch tiêm phòng COVID-19".

New Zealand ghi nhận ca nhiễm biến thể BA.2.75, nhiều nước đẩy mạnh tiêm vaccine, đeo khẩu trang - Ảnh 2.

80% số ca mắc mới tại Indonesia liên quan tới biến thể BA.4 và BA.5.  


Tổng thống Singapore Halimah Yacob thông báo, bà đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, các triệu chứng của bà khá nhẹ do đã tiêm vaccine. Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Singapore Tan Chuan-Jin và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Cộng đồng và Thanh niên Edwin Tong cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Theo thông báo của Bộ Y tế Singapore, ngày 5/7, "đảo quốc Sư tử" ghi nhận thêm 5.946 ca mắc mới COVID-19 và 1 người tử vong. Đến nay, tổng số ca mắc và tử vong tại nước này lần lượt là trên 1,47 triệu và 1.419.

Nhà chức trách tỉnh An Huy, Trung Quốc đã phong tỏa 1,7 triệu người dân địa phương, sau khi có báo cáo gần 300 ca mắc mới COVID-19 chỉ trong một ngày. Các cơ sở kinh doanh, trường học và nhà hàng sẽ phải đóng cửa trong một tuần

Trong những ngày gần đây, những người này đã trải qua 6 lần xét nghiệm. Nhiều hoạt động và việc đi lại bị giảm nhằm chặn đứng nguy cơ lây nhiễm chéo. Cụ thể, các tụ điểm giải trí công cộng như quán bar, quán cafe internet và quán karaoke sẽ phải đóng cửa từ nửa đêm 6/7. Các nhà hàng sẽ không được phép phục vụ thực khách đến ăn, song được phép tiếp tục dịch vụ bán đồ ăn mang về.

Kể từ ngày 2/7 đến nay, thành phố Tây An với 13 triệu dân đã ghi nhận 18 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron lây lan nhanh. Vào tháng 12/2021, thành phố Tây An đã từng bị phong tỏa trong một tháng sau khi phát hiện hàng nghìn ca mắc COVID-19.

Đợt bùng phát mới nhất này xảy ra sau khi kinh tế Trung Quốc bắt đầu hồi phục sau nhiều tháng phong tỏa thành phố Thượng Hải và áp đặt nhiều hạn chế ở thủ đô Bắc Kinh. Tháng 6, Trung Quốc đã giảm thời gian cách ly cho người nhập cảnh. Động thái này đã giúp các thị trường châu Á tăng điểm do các nhà đầu tư hy vọng, biện pháp lỏng có thể thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng.

Đặc khu hành chính Macau (Trung Quốc) đã ghi nhận 89 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số người nhiễm lên hơn 900 trường hợp kể từ giữa tháng 6. Nhà chức trách Macau đang nỗ lực kiểm soát đợt bùng phát được đánh giá là lớn nhất tại thành phố này kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Macau hiện vẫn tuân thủ chính sách "Zero COVID" của Trung Quốc. Hơn 13.000 người đang bị cách ly bắt buộc. Trên 600.000 người phải thực hiện 3 xét nghiệm trong tuần này. Nhà chức trách cũng yêu cầu người dân thường xuyên phải xét nghiệm nhanh. Hầu hết cơ sở kinh doanh đều đóng cửa và các nhà hàng chỉ có thể cung cấp đồ ăn mang đi. Các sòng bạc vẫn được phép mở nhằm đảm bảo việc làm, nhưng chỉ duy trì một số ít nhân viên làm việc trực tiếp, phần lớn được yêu cầu ở nhà.

Trên thực tế, số ca mắc mới theo ngày tại Macau hiện vẫn khá thấp so với các khu vực khác. Như tại Hong Kong, con số này là hơn 2.000 ca/ngày trong tháng 6. Tuy nhiên, Macau chỉ có một bệnh viện công. Hiện giới chức sở tại đã xây dựng một bệnh viện dã chiến để đối phó với số ca nhiễm ngày càng tăng.

Bộ Y tế Lào đang khuyến khích người dân từ 12 tuổi trở lên tiêm mũi vaccine tăng cường phòng COVID-19 vì khả năng miễn dịch từ hai mũi vaccine đầu đã suy giảm theo thời gian.

Theo Bộ Y tế Lào, nước này sẽ có đủ nguồn cung vaccine để cung cấp cho tất cả các nhóm đối tượng nhằm đảm bảo độ bao phủ miễn dịch trong cộng đồng. Việc tiêm vaccine mũi tăng cường phòng COVID-19 cũng được khuyến khích cho các nhóm đối tượng như người từ 60 tuổi trở lên, những người có bệnh nền, người bị suy giảm miễn dịch vừa hoặc nặng.

Ngày 5/7, hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, số ca sốt tại nước này đã giảm xuống dưới 3.000 ca. KCNA dẫn dữ liệu từ Cơ quan Phòng chống dịch khẩn cấp nhà nước Triều Tiên cho biết, trong ngày qua, nước này ghi nhận hơn 2.500 trường hợp bị sốt. Cơ quan này không thông báo về số ca tử vong mới. Tính đến ngày 15/6, Triều Tiên đã ghi nhận 73 ca tử vong với tỷ lệ tử vong là 0,002%.

Kể từ cuối tháng 4 vừa qua, tổng số ca sốt tại Triều Tiên là hơn 4,75 triệu ca, trong số này 99,9% đã hồi phục và ít nhất 4.620 trường hợp khác đang được điều trị.

Theo vtv.vn