Thứ 7, 23/11/2024, 18:18[GMT+7]

Hướng tới kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022) Thương binh Đoàn Văn Đốc làm giàu từ nuôi tôm sú

Thứ 4, 06/07/2022 | 22:15:37
10,452 lượt xem
Như nhiều đồng đội khác, sau khi hoàn thành nhiệm vụ thanh niên xung phong ở chiến trường Lào trở về địa phương với thương tật hạng 4/4, ông Đoàn Văn Đốc, thôn Thanh Lâm, xã Đông Minh (Tiền Hải) bắt tay vào mặt trận mới - mặt trận phát triển kinh tế. Sau bao ngày trăn trở làm sao để thoát nghèo trên mảnh đất quê hương, ông đã tìm được hướng đi và thành công với mô hình nuôi tôm sú, thu lãi 200 - 400 triệu đồng/năm.

Mô hình nuôi tôm sú của ông Đoàn Văn Đốc cho hiệu quả kinh tế cao.

Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình nuôi tôm sú ao bán nổi đang kỳ thu hoạch, ông Đốc chia sẻ: Đầu năm 1975, tôi tình nguyện tham gia thanh niên xung phong làm nhiệm vụ ở nước bạn Lào. Lúc đó mười tám, đôi mươi chúng tôi hừng hực khí thế lên đường, không sợ gian khổ, hy sinh. Sau nhiều ngày lội suối băng rừng, tôi và đồng đội đã đến nơi làm nhiệm vụ. Được phân công làm nhiệm vụ tại nước bạn, địa hình cũng như ngôn ngữ không thông thuộc, tôi và đồng đội gặp muôn vàn khó khăn. Trong một lần làm nhiệm vụ tôi bị mảnh đạn găm vào chân. Sau khi điều trị hồi phục vết thương, tôi trở về quê lập gia đình. 

Mặc dù bản thân sức khỏe yếu do thương tật, cùng với nhiều khó khăn về kinh tế nhưng chưa lúc nào ông Đốc có ý nghĩ buông xuôi. Ông luôn động viên bản thân và gia đình khắc phục khó khăn trong cuộc sống, quyết tâm vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Những năm tháng trong quân ngũ đã trở thành động lực cho ông tiếp tục chiến đấu với “giặc đói nghèo”. Ban đầu do chưa có kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi thủy sản nên dịch bệnh thường xuyên xảy ra, hiệu quả nuôi tôm không cao. Tuy nhiên, ông Đốc quyết tâm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, chịu khó học hỏi kỹ thuật từ sách báo và các mô hình nuôi trồng thủy sản trong và ngoài tỉnh hiệu quả. Thời gian đầu, gia đình không ủng hộ mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản vì số vốn bỏ ra quá lớn, phải đi vay thế chấp ngân hàng. Trong khi đó, tôm sú khó nuôi, đòi hỏi kỹ thuật cao, nếu sơ suất có thể thiệt hại lớn. Tuy nhiên, với sự hăng say và tính quyết đoán, ông Đốc mạnh dạn đầu tư 300 triệu đồng để cải tạo 7.000m2 ao nuôi tôm theo phương thức ao bán nổi. Để bảo đảm nuôi tôm hiệu quả, ông chia làm nhiều ao để dễ quản lý môi trường ao nuôi; định kỳ bổ sung vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa, sử dụng men vi sinh trong quản lý môi trường ao nuôi; kiểm tra các yếu tố môi trường nước. Vì vậy, tuy là ao nhỏ nhưng cho sản lượng lớn, hiệu quả cao hơn ao to. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí gia đình ông thu lãi 200 - 400 triệu đồng. 

Ông Đốc chia sẻ thêm, để nuôi thành công một vụ tôm không phải điều dễ dàng, không phải vụ nào cũng đem lại năng suất và hiệu quả cao, mình vừa nuôi vừa tích lũy kinh nghiệm và phải mày mò, ăn ngủ tại ao tôm để hiểu được nó mới thành công. Để thành công ông cũng không ít lần thất bại do thiên tai hoặc do dịch bệnh, do thiếu kinh nghiệm phải chịu thất thoát lên tới 30 - 40% tổng số tiền vốn đầu tư mua giống và thức ăn.

Ông Bùi Duy Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Minh cho biết: Ngoài nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, thương binh Đoàn Văn Đốc còn nhiệt tình tham gia các phong trào, hoạt động của địa phương. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông còn phổ biến cho bà con kỹ thuật nuôi tôm sú, giúp các gia đình trong thôn cùng phát triển nuôi trồng thủy sản thành công. Bởi vậy, ông luôn được đồng đội và bà con tin tưởng, quý mến. 

Mô hình nuôi tôm Sú của ông Đoàn Văn Đốc.

Mạnh Thắng  

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày