Thứ 7, 23/11/2024, 17:39[GMT+7]

Sản xuất công nghiệp là đầu kéo tăng trưởng kinh tế ngành công thương

Thứ 5, 14/07/2022 | 17:45:12
13,709 lượt xem
Đó là đánh giá của Bộ Công Thương tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 diễn ra sáng ngày 14/7 tại điểm cầu Hà Nội.

Sản xuất công nghiệp đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng toàn ngành công thương. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Cổ phần Kỹ thương Thiên Hoàng, khu công nghiệp Tiền Hải.

6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu đều có sự tăng trưởng mạnh. Trong đó, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp tăng 8,48%, cao hơn so với mức tăng chung của toàn nền kinh tế (tăng 6,42%). Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 9,66%, đóng góp 2,58 điểm phần trăm vào tốc độ tăng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Bên cạnh đó, quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,7%, có 61/63 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm 2021.

Trong bối cảnh chung đó, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh 6 tháng đầu năm nay tăng 18,2%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 17,4%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.080 triệu USD, tăng 25,2%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1.112 triệu USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2021. Đánh giá chung, hoạt động công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang khôi phục ở hầu hết các ngành, lĩnh vực và tăng trưởng mạnh trở lại.

Trước dự báo 6 tháng cuối năm nền kinh tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường; để phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao năm 2022, Bộ Công Thương chỉ đạo toàn ngành thực hiện tốt 6 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Trong đó, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; các địa phương phối hợp với Bộ làm việc và theo dõi chặt chẽ các dự án, ngành hàng lớn và một số địa bàn trọng điểm để nắm bắt tình hình và xử lý, tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy mạnh sản xuất, nhất là các nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, kiểm soát nhập khẩu và chủ động nguồn cung trong nước thay thế cho nguồn nhập khẩu. Huy động tối đa các nguồn lực, bám sát tình hình và có phương án chuẩn bị trong các trường hợp nhằm bảo đảm cung ứng đủ điện, than, xăng dầu, phân bón cho sản xuất và sinh hoạt. Ưu tiên cao cho các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định cung cầu, giá cả. Đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển sản xuất; hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các hiệp định FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới; khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để tạo ra các sản phẩm mới.

Khắc Duẩn