Chuyến công du của Tổng thống Joko Widodo: 'Cơ hội vàng' của Indonesia
Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 28/7 đã kết thúc chuyến công du 3 nước Đông Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trước chuyến thăm, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi khẳng định 3 nước Đông Á trên là các đối tác quan trọng của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), là đối tác quan trọng trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), đồng thời là đối tác chiến lược của Indonesia trong lĩnh vực kinh tế.
Có thể thấy rõ lợi ích kinh tế mà chuyến thăm của Tổng thống Widodo đã mang về cho Indonesia.
Theo tờ Jakarta Post, ít nhất 13 tỷ USD cam kết đầu tư và các thỏa thuận kinh doanh đã được ký kết, qua đó giúp mở rộng thị trường cho hàng hóa của Indonesia, tìm các nguồn lực đầu tư mới, tạo điều kiện hợp tác giữa các doanh nghiệp.
Trong chặng dừng chân đầu tiên tại Trung Quốc - đối tác thương mại hàng đầu và đứng thứ ba về đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Indonesia, Tổng thống Widodo và các lãnh đạo nước chủ nhà đã nhất trí sẽ tăng cường thương mại song phương và mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực như nông nghiệp và an ninh lương thực.
Hai nước nhất trí tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực hàng hải nhằm thúc đẩy kinh tế, ký kết nhiều văn bản hợp tác trong các lĩnh vực như trồng rừng, an ninh mạng, hợp tác nghiên cứu và sản xuất vaccine ngừa COVID-19, thúc đẩy việc nghiên cứu gene di truyền.
Tại điểm đến thứ hai là Nhật Bản, nhà lãnh đạo Indinesia và Thủ tướng nước chủ nhà Fumio Kishida đã nhất trí tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là năng lượng và an ninh hàng hải.
Hai bên cũng tái khẳng định hợp tác hướng tới hiện thực hóa một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, duy trì an ninh hàng hải trong khu vực.
Nhật Bản sẽ cung cấp cho Indonesia các khoản vay trị giá 43,6 tỷ yen (318,25 triệu USD) để quốc gia Đông Nam Á triển khai các dự án cơ sở hạ tầng và phòng, chống thiên tai.
Ngoài ra, lực lượng phòng vệ Nhật Bản sẽ lần đầu tiên tham gia cuộc diễn tập quân sự đa quốc gia mang tên "Lá chắn Garuda," dự kiến diễn ra từ ngày 1/8 tại Indonesia.
Trong khi đó, Jakarta đã nhất trí dỡ bỏ tất cả hạn chế nhập khẩu đối với thực phẩm của Nhật Bản, vốn được nước này áp đặt sau sự cố hạt nhân tại nhà máy điện Fukushima số 1 năm 2011.
Tại điểm cuối cùng là Hàn Quốc, Tổng thống Widodo và người đồng cấp Yoon Suk-yeol đã thảo luận về cách thức tăng cường hợp tác thiết thực giữa 2 nước, cả về an ninh kinh tế, cơ sở hạ tầng, quốc phòng và môi trường.
Hai bên nhất trí xây dựng liên minh chiến lược trong các lĩnh vực công nghiệp tiên tiến như ôtô điện và pin, tăng cường hợp tác đảm bảo các hoạt động kinh tế giữa 2 nước, ổn định chuỗi cung ứng các khoáng sản chủ chốt.
Hai bên cũng điều chỉnh thỏa thuận song phương nhằm tăng cường hợp tác trong dự án thủ đô mới của Indonesia, mở đường cho các công ty Hàn Quốc tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.
Với chuyến công du lần này, ông Widodo là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm Trung Quốc kể từ Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh (tháng 2/2022), đồng thời là nhà lãnh đạo thứ hai sau Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Hàn Quốc kể từ khi Tổng thống Yoon Suk-yeol nhậm chức hồi tháng 5/2022.
Những kết quả đạt được cho thấy quan hệ Indonesia-Trung Quốc sẽ tiếp tục vững mạnh thời gian tới, trong khi chuyến thăm Hàn Quốc được coi là sự khởi đầu thích hợp của chính sách ngoại giao của chính phủ ông Yoon Suk-yeol với khu vực ASEAN, trong bối cảnh Indonesia là thành viên duy nhất của khối có quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt với Seoul.
Theo bà Natalie Sambhi, người sáng lập tổ chức Verve Research nghiên cứu các mối quan hệ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chuyến công du của Tổng thống Widodo không chỉ giúp tối đa hóa các đề nghị hợp tác đầu tư và thương mại, mà còn thể hiện mong muốn của Indonesia về việc giữ vị trí trung lập trong bối cảnh sự cạnh tranh giữa các cường quốc gia tăng.
Một mục tiêu quan trọng khác trong chuyến công du là để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G20, dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới tại Bali.
Với chủ đề “Cùng nhau phục hồi, phục hồi mạnh mẽ hơn,” hội nghị năm nay tập trung vào sự phục hồi sau đại dịch.
Tuy nhiên, xung đột Nga-Ukraine bùng phát và lập trường khác biệt của các thành viên G20 về cuộc xung đột này có khả năng làm chệch hướng trọng tâm của Jakarta trong hợp tác kinh tế và phục hồi sau đại dịch.
Nếu ông Widodo muốn tiếp tục duy trì chương trình nghị sự kinh tế đúng hướng, sự hỗ trợ từ 3 nước thành viên G20 là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ rất quan trọng.
Chuyên gia Jusuf Wanandi từ Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế Indonesia nhấn mạnh, “Indonesia mong muốn hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ đạt được những đề xuất cụ thể, chứ không chỉ là những cuộc thảo luận mà không đưa ra được hành động.”
Bên cạnh đó, chuyến thăm tới 3 nước đối tác quan trọng của ASEAN sẽ đóng góp tích cực cho việc duy trì ổn định ở khu vực Đông Nam Á, trong bối cảnh Indonesia giữ cương vị chủ tịch ASEAN năm 2023.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (phải) tại cuộc gặp ở Bắc Kinh, Trung Quốc.
Chuyên gia Waffa Kharisma của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Indonesia đánh giá nếu nhìn nhận từ góc độ địa chính trị và kinh tế, chuyến thăm của ông Widodo không chỉ là cơ hội để tăng cường hợp tác song phương mà còn thể hiện sự tăng cường quan hệ giữa ASEAN với 3 nước đối tác hay còn gọi là ASEAN+3.
Phó Tổng thư ký ASEAN Michael Tene cho rằng kết quả chuyến thăm Trung Quốc mang lại lợi ích cho quan hệ song phương nói riêng, và cho cả quan hệ ASEAN-Trung Quốc nói chung.
Nhìn chung, chuyến công du của Tổng thống Widodo tới Đông Á, diễn ra hơn một tháng sau chuyến thăm Nga và Ukraine, cho thấy nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đang nỗ lực thể hiện vai trò tích cực của Chủ tịch G20 và Chủ tịch luân phiên ASEAN trong năm 2023.
Dù đối mặt với không ít khó khăn và thách thức, song đây cũng là cơ hội để Indonesia chứng tỏ sức mạnh ngoại giao khi lên tiếng và tìm cách phối hợp giữa các nước thành viên để giải quyết các vấn đề quốc tế.
Điều đó được khẳng định qua tuyên bố ngày 28/7 của Ngoại trưởng Marsudi: “trong bối cảnh thế giới đầy rẫy sự cạnh tranh không lành mạnh và giá trị của chủ nghĩa đa phương đang giảm dần, Indonesia sẽ tích cực hơn nữa trong việc xây dựng tinh thần hợp tác, đoàn kết và thiết lập hòa bình.”./.
Theo vietnamplus.vn
Tin cùng chuyên mục
- Lời nói đầu tiên của những đứa trẻ sau khi được tìm thấy trong rừng Amazon 12.06.2023 | 17:24 PM
- Liên Hợp Quốc: Số người chết do động đất có thể tăng hơn gấp đôi 11.02.2023 | 23:20 PM
- Bé gái Philippines là người thứ 8 tỷ của thế giới 15.11.2022 | 10:00 AM
- Hoàng gia Anh thông báo về lễ đăng quang của Vua Charles III 12.10.2022 | 08:14 AM
- Bão NORU bắt đầu vào Philippines 25.09.2022 | 20:44 PM
- Cựu Thủ tướng Abe Shinzo - Người góp phần nâng tầm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản 09.07.2022 | 07:49 AM
- Máy bay Boeing 737 chở theo 132 người rơi tại Trung Quốc 21.03.2022 | 17:24 PM
- Mỹ ghi nhận kỷ lục 1 triệu ca mắc COVID-19/ngày, Pháp phát hiện biến thể chứa 46 đột biến 05.01.2022 | 08:25 AM
- Medvedev lần thứ 2 vào chung kết Mỹ mở rộng 11.09.2021 | 16:07 PM
- Thế giới có hơn 4,5 triệu ca tử vong, các nước Đông Nam Á vẫn đang gồng mình chống dịch 31.08.2021 | 08:23 AM
Xem tin theo ngày
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đất đai
- UBND tỉnh làm việc với đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Kiểm điểm tập thể, cá nhân các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh năm 2024
- Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV: Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn
- Công bố các quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh về công tác cán bộ
- UBND tỉnh họp nghe và cho ý kiến một số nội dung quan trọng
- Quốc hội bắt đầu tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn