Thứ 7, 23/11/2024, 18:04[GMT+7]

Ai đang cần chứng tỏ mình ở Premier League?

Chủ nhật, 31/07/2022 | 13:05:54
449 lượt xem
Rất nhiều ngôi sao đáng được chờ xem ở thời điểm Premier League chuẩn bị khai diễn mùa giải mới, như cầu thủ đắt nhất lịch sử Liverpool Darwin Nunez, hoặc “hiện tượng” Erling Haaland…

Raheem Sterling đã bị Man.City bán cho Chelsea trước mùa bóng này. Ảnh: AFP

Vấn đề ở đây là họ chẳng phải chứng minh điều gì khi được các đội hàng đầu Premier League trải thảm đón rước. Đâu mới là những ngôi sao đang phải cố chứng tỏ mình trong mùa bóng sắp diễn ra tại Premier League?

Gabriel Jesus và Raheem Sterling là các ngôi sao đầu tiên thuộc dạng này. Gọi đấy là các ngôi sao mới mua cũng được (Arsenal mua Jesus, Chelsea mua Sterling). Nhưng, chính xác hơn, đấy là những ngôi sao vừa bị đem bán - mà lại bị bán khỏi đội ĐKVĐ Man.City. Thậm chí là bị bán để lấy chỗ cho cầu thủ khác. Họ ra đi “bằng cửa sau”, và tất nhiên đều sẽ quyết tâm phát huy toàn bộ khả năng trong màu áo mới, trước tiên là để giải tỏa tình trạng “tự ái”. Đáng nói hơn, họ còn quyết tâm thể hiện rõ sở trường chuyên môn trong cách chơi, vì… World Cup 2022.

Pep Guardiola không hề ghét bỏ Jesus. Ngược lại là đằng khác: Pep chọn mua Jesus để thay Sergio Aguero tại Man.City. Nhưng Jesus chưa bao giờ thật sự tỏa sáng trong những năm khoác áo Man.City, vì lối chơi hơn là tài nghệ. Trong một đội bóng do Guardiola huấn luyện, các trung phong đều không có đất diễn thật sự, do phải tham gia rất nhiều vào khâu phối hợp. Jesus thích đá trung phong, và anh đang hy vọng phát huy vai trò này ở Arsenal. Hậu quả của việc phải phối hợp nhiều hơn thi triển sở trường cá nhân, là Jesus cũng mất luôn vị trí trung phong trong đội tuyển Brazil. Mà khi không còn được đá trung phong thì Jesus, dù là ở Man.City hay tuyển Brazil, đều mờ nhạt hẳn. Anh không hơn nổi Riyad Mahrez khi “bị” so sánh khả năng đá tiền đạo cánh. Và thế là anh… bị bán sang Arsenal.

terling cũng đang sốt ruột chờ dịp tỏa sáng trong đội hình Chelsea, để củng cố địa vị trước thềm World Cup (chỉ khác Jesus ở chỗ, Sterling đá cho đội Anh). Trong ĐTQG, Sterling không bao giờ lặp lại được tỷ lệ ghi bàn như chính mình ở CLB. Nhờ khoác áo Man.City nên anh mới có thành tích ghi bàn đáng nể ở Premier League? Và khi bị chính Man.City thải loại thì đấy đã là điểm trừ của Sterling rồi. Anh đang quyết tâm xóa tan luận điệu này, cũng là xóa tan nguy cơ mất chỗ trong đội hình “Tam Sư” tại VCK World Cup.

Ở tuyển Anh, HLV Gareth Southgate phải miễn cưỡng lắm mới chọn Jack Grealish vào danh sách dự VCK EURO 2020. Sau kỳ EURO này Man.City chi đến 100 triệu bảng để mua và biến Grealish thành cầu thủ Anh đắt giá nhất lịch sử. Rút cuộc, mớ tài sản ấy chỉ đem lại cho Man.City 3 bàn và 3 đường kiến tạo thành công trong mùa vừa qua. Một mặt, Grealish phải chứng tỏ bản thân không phải là hàng đểu trong mùa bóng sắp tới. Mặt khác, chính HLV hãnh tiến Pep Guardiola cũng phải chia sẻ áp lực này với Grealish. Triết lý Guardiola thì quá hay rồi, nhưng ông lại chưa bao giờ hay ho trong lĩnh vực chọn mua ngôi sao.

Arsenal có Jesus; Chelsea có Sterling, Man.City có Grealish. Thế còn Marcus Rashford của M.U? Khác biệt hẳn nhiên là Rashford không liên quan đến Man.City như 3 ngôi sao vừa nêu. Còn điểm chung là Rashford cũng đang đứng trước áp lực rất nặng nề: anh phải chứng tỏ mình “giỏi đá bóng”. Ngôi sao bóng đá mà lại vang danh nhờ các tuyên bố liên quan đến… chính trường, không đủ thời gian tập chơi bóng vì phải họp hành quá nhiều ở các chương trình từ thiện, xã hội. Hay đấy là những “tiểu xảo” để Rashford lôi kéo quảng cáo, tài trợ? Từ khi tân HLV Erik ten Hag xuất hiện, nhiều cầu thủ bị thất sủng đã tìm lại cảm hứng chơi bóng. Rashford thì vẫn đang là một dấu hỏi lớn!