Chủ nhật, 10/11/2024, 09:47[GMT+7]

Chủ động theo dõi, giám sát, có phương án, kịch bản ứng phó với dịch bệnh

Thứ 3, 02/08/2022 | 15:36:37
2,392 lượt xem
Sáng ngày 2/8, đồng chí Đào Hồng Lan, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương về tiến độ tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 và tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh. Dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình có đồng chí Trần Thị Bích Hằng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh.

Đồng chí Trần Thị Bích Hằng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình.

7 tháng đầu năm 2022, cả nước ghi nhận hơn 9 triệu ca mắc Covid-19. Từ cuối tháng 3/2022, dịch Covid-19 có xu hướng giảm mạnh và cơ bản được kiểm soát tốt. Biến thể phụ BA.4, BA.5 của Omicron hiện đã được ghi nhận tại Việt Nam. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 136.070 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó 45 trường hợp đã tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, bệnh tay chân miệng, sốt rét, sởi, dại có số ca mắc giảm nhưng đang có xu hướng gia tăng. Hiện chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ, bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân và các bệnh truyền nhiễm nhóm A khác. 

Về công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19, đến ngày 31/7, Việt Nam đã tiêm được hơn 245,7 triệu liều vắc-xin. Ở một số địa phương, tiến độ tiêm không đạt, nhất là tiêm mũi 3, mũi 4 cho người trên 18 tuổi và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12. Theo nhận định của ngành y tế, các ca mắc biến thể phụ BA.4, BA.5 sẽ ghi nhận nhiều hơn và số ca mắc có thể sẽ gia tăng trở lại. Cùng với đó là sự gia tăng của dịch sốt xuất huyết và một số dịch bệnh lưu hành khác như: cúm, tay chân miệng. Khả năng xâm nhập của bệnh đậu mùa khỉ và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi là hiện hữu làm tăng nguy cơ dịch chồng dịch.

Tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương, đơn vị đã tập trung thảo luận về những khó khăn, vướng mắc và bàn các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19; việc bảo đảm chế độ chính sách cho người tham gia phòng, chống dịch; công tác thu dung, điều trị một số bệnh truyền nhiễm…

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Đào Hồng Lan, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, dịch bệnh truyền nhiễm đang có những diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, do đó các cấp, các ngành, địa phương phải chủ động có các phương án ứng phó, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Các cơ quan, địa phương, đơn vị rà soát các văn bản đã triển khai liên quan đến phòng, chống dịch, chủ động tham mưu các giải pháp nhằm tạo sự thống nhất, thực hiện hiệu quả từ trung ương đến địa phương.

Để bảo đảm sức khỏe cho nhân dân, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các cấp, ngành, nhất là ngành y tế các địa phương với quyết tâm cao nhất, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn chủ động theo dõi, giám sát các dịch bệnh trên địa bàn; đánh giá tình hình dịch bệnh và tham mưu các giải pháp phù hợp; không để thiếu thuốc, vật tư, hóa chất điều trị cho người bệnh; tăng cường giám sát dịch bệnh tại cộng đồng, cơ sở y tế; xử lý kịp thời các ổ dịch không để lây lan, thực hiện tốt công tác cách ly, điều trị… tránh để dịch chồng dịch. Các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19; chủ động các phương án, kịch bản để giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các dịch bệnh truyền nhiễm mới. Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan thuộc Bộ cần xây dựng chiến lược truyền thông. Các bộ, ngành, địa phương liên quan phối hợp với ngành y tế củng cố, bổ sung nhân lực cho đội ngũ y tế tuyến dưới; rà soát, bảo đảm chế độ chính sách cho những người tham gia phòng, chống dịch.

Hoàng Lanh