Chủ nhật, 24/11/2024, 04:30[GMT+7]

Việt Nam hướng tới GDP 7,5%, đề phòng rủi ro gia tăng

Thứ 3, 09/08/2022 | 08:16:20
2,804 lượt xem
Nền kinh tế Việt Nam hồi phục mạnh mẽ nhờ ngành dịch vụ tăng tốc và khu vực chế biến chế tạo đứng vững trước sóng gió. Dự báo tăng trưởng kinh tế đạt 7,5% trong 2022 và lạm phát ở mức 3,8%.

Kinh tế Việt Nam hồi phục mạnh trong 6 tháng đầu năm.

Tăng tốc hồi phục

Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 8/8 cho thấy, quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam tăng tốc trong sáu tháng vừa qua nhờ khu vực chế tạo chế biến đứng vững và các ngành dịch vụ phục hồi mạnh mẽ.

Trong quý II/2022, kinh tế tăng trưởng 7,7% khi người tiêu dùng thỏa mãn những nhu cầu dồn nén trước đó và số lượt du khách quốc tế gia tăng. Tốc độ tăng trưởng này cao hơn nhiều so với mức tăng 5,2% trong quý IV/2021 và mức 5,1% trong quý I/2022.

Theo WB, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ tăng mạn,h từ 2,6% trong năm 2021 lên 7,5% trong năm 2022, còn lạm phát được dự báo tăng trung bình 3,8% năm nay.

Trong báo cáo cập nhật vĩ mô, CTCK VNDirect cũng dự báo GDP sẽ tăng mạnh hơn trong 6 tháng cuối năm, dự kiến khoảng 7,8% so với cùng kỳ; qua đó nâng tốc độ tăng trưởng cả năm 2022 lên 7,1%.

Theo VNDirect, các động lực chính đến từ mức nền thấp của quý III/2021, khi GDP của Việt Nam giảm còn 6,0%; từ các hoạt động dịch vụ, bao gồm giao thông công cộng, du lịch và giải trí phục hồi mạnh mẽ hơn và các gói kích thích kinh tế mới (giảm 2% VAT, gói bù lãi suất bổ sung trị giá 40.000 tỷ đồng, giải ngân gói đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trị giá 113.050 tỷ đồng). Đồng thời, dòng vốn FDI phục hồi sau khi Chính phủ cho phép nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế.

VNDirect cho rằng, lạm phát của Việt Nam tăng ở mức thấp hơn, bình quân 3,5% năm 2022 so với năm trước.

Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý III đạt 10,8% và quý III và 3,9% trong quý IV, đưa tăng trưởng GDP cả năm 2022 đạt 6,7%.

Theo Standard Chartered, quá trình phục hồi kinh tế Việt Nam đã cho thấy những tín hiệu lan tỏa, các chỉ số kinh tế vĩ mô được dự báo sẽ tiếp tục phục hồi. Quá trình hồi phục của nền kinh tế sẽ diễn ra mạnh mẽ trong nửa cuối năm, đặc biệt khi lĩnh vực du lịch đã được mở cửa trở lại sau 2 năm đóng cửa.

Trong báo cáo mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) giữ nguyên dự báo GDP 2022 tăng trưởng 6,5% và 6,7% trong năm 2023 nhờ thương mại tiếp tục mở rộng, sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của lĩnh vực sản xuất chế tạo, đi lại trong nước và giải ngân vốn đầu tư công. 

Giá cả hàng hóa toàn cầu tăng cao, đặc biệt là giá dầu toàn cầu, sẽ làm tăng áp lực lạm phát. Tuy nhiên, nguồn cung lương thực dồi dào trong nước sẽ giúp giảm lạm phát trong năm 2022. Do vậy, dự báo lạm phát là không thay đổi, ở mức 3,8% cho năm 2022 và 4,0% cho năm 2023.

VinaCapital cũng cho rằng, tăng trưởng GDP quý III cũng tăng cao (vượt 10%) so với cùng kỳ năm trước, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong quý III/2021 dẫn tới mức GDP thấp khi so sánh với hoạt động của quý III năm nay.

Rủi ro gia tăng, cần đẩy mạnh đầu tư cho giáo dục

Theo WB, mặc dù triển vọng kinh tế Việt Nam tích cực hơn so với nhiều quốc gia khác trên thế giới nhưng vẫn phụ thuộc vào những rủi ro đang gia tăng, đe dọa đến viễn cảnh phục hồi.

Rủi ro bao gồm tăng trưởng chậm lại hoặc lạm phát đình đốn diễn ra ở những thị trường xuất khẩu chủ lực, cú sốc giá cả hàng hóa thế giới tiếp tục diễn ra, các chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục bị gián đoạn, hoặc các biến chủng Covid-19 mới tiếp tục xuất hiện. Bên cạnh đó, còn có những thách thức trong nước như thiếu hụt lao động, rủi ro lạm phát gia tăng và rủi ro cao hơn trong khu vực tài chính.

Báo cáo khuyến nghị các cấp có thẩm quyền cần chủ động ứng phó. Trước mắt, liên quan đến chính sách tài khóa, trọng tâm nên nhằm vào tập trung triển khai gói chính sách hỗ trợ kinh tế, đồng thời mở rộng mạng lưới an sinh xã hội có mục tiêu, nhằm giúp người nghèo và những người dễ tổn thương chống đỡ tác động của cú sốc giá nhiên liệu cũng như lạm phát gia tăng. Trong khu vực tài chính, theo dõi chặt chẽ và tăng cường công tác báo cáo và dự phòng nợ xấu, đồng thời ban hành cơ chế xử lý tình trạng mất khả năng trả nợ.

Lạm phát thế giới ở mức cao kỷ lục ảnh hưởng tới giá cả hàng hóa tại Việt Nam.

Theo WB, nếu rủi ro lạm phát gia tăng trở thành hiện thực - khi lạm phát cơ bản tăng tốc và chỉ số giá tiêu dùng vượt quá mục tiêu 4% do Chính phủ đặt ra - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nên sẵn sàng chuyển sang thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế áp lực lạm phát bằng cách tăng lãi suất và thắt chặt cung tiền. 

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, để duy trì tăng trưởng kinh tế với tốc độ mong muốn, Việt Nam cần tăng năng suất ở mức 2-3% mỗi năm. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy tăng năng suất lao động chỉ có thể đạt được bằng cách đầu tư cho hệ thống giáo dục, là một phần quan trọng của gói các đầu tư và cải cách cần thiết. Lực lượng lao động có năng lực cạnh tranh sẽ đem lại hiệu suất là yếu tố Việt Nam rất cần trong dài hạn.

Báo cáo cho rằng, đổi mới hệ thống giáo dục đại học là chìa khóa để nâng cao năng suất của Việt Nam và giúp hoàn thành mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2035 và quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. Để đạt tỷ lệ nhập học đại học bình quân tương đương ở các nền kinh tế thu nhập trung bình cao, Việt Nam cần tuyển sinh 3,8 triệu sinh viên vào các cơ sở giáo dục đại học, gần gấp đôi so với chỉ tiêu tuyển sinh năm 2019.

Báo cáo đưa ra những khuyến nghị chi tiết nhằm cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục đại học, nâng cao chất lượng và sự phù hợp trong giảng dạy, nâng cao hiệu suất sử dụng nguồn lực, trong đó có khuyến nghị về mở rộng áp dụng công nghệ số, nâng cao vai trò của khu vực tư nhân, và hài hòa hệ thống văn bản pháp quy.

Theo vietnamnet.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày