Thứ 5, 14/11/2024, 23:44[GMT+7]

Kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm, không để dịch chồng dịch

Thứ 3, 09/08/2022 | 08:20:43
1,659 lượt xem
Số ca mắc Covid-19 tăng nhẹ, bệnh nhân sốt xuất huyết, hội chứng cúm trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu gia tăng. Một số bệnh như tiêu chảy, liên cầu lợn, ho gà, viêm não Nhật Bản, thủy đậu, sốt phát ban nghi sởi… cũng đã xuất hiện rải rác trên địa bàn tỉnh. Sự gia tăng số ca mắc ở các dịch bệnh truyền nhiễm cùng lúc có thể làm tăng nguy cơ dịch chồng dịch nếu không có những biện pháp kiểm soát, giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời.

Vắc-xin vẫn là giải pháp hữu hiệu phòng, chống dịch Covid-19.

Mới đây tại thôn Tân Hưng I, xã Nam Thắng (Tiền Hải) đã xuất hiện ca mắc sốt xuất huyết nội sinh. Bệnh nhân nữ, là giáo viên mầm non, khoảng 1 tháng nay không đi ra khỏi huyện, xung quanh nhà không có ai mắc sốt xuất huyết. Sau khi khởi phát các triệu chứng như sốt, đau đầu, đau nhức người... vào cuối tháng 7/2022, bệnh nhân đi khám, xét nghiệm và được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết. Ngay sau đó, các biện pháp phòng, chống dịch đã được ngành y tế và địa phương phối hợp triển khai. 

Ông Phan Đình Du, Chủ tịch UBND xã Nam Thắng cho biết: Sau khi nắm bắt thông tin từ Trạm Y tế xã, UBND xã đã chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp như: vệ sinh môi trường tại khu vực gia đình có người mắc sốt xuất huyết và các hộ xung quanh; tuyên truyền tới các cơ sở thôn về các biện pháp phòng, chống dịch; giao Trạm Y tế xã phối hợp điều tra chỉ số côn trùng, bọ gậy, các khu vực nguy cơ, phun hóa chất diệt muỗi. Trước bối cảnh đã có ca mắc nội sinh, không lơ là, chủ quan, UBND xã sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ sở thôn thực hiện nghiêm những khuyến cáo của ngành y tế để kiểm soát tốt dịch bệnh, quyết tâm không để dịch lây lan ra cộng đồng.

Theo thống kê của ngành y tế, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 26 ca mắc sốt xuất huyết nội sinh ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn 8 huyện, thành phố. Cùng với sốt xuất huyết, số ca mắc Covid-19 cũng tăng nhẹ. Cụ thể, sau nhiều ngày số ca mắc Covid-19 ở mức dưới 1.000 ca/ngày thì những ngày gần đây, có ngày cả nước ghi nhận hơn 2.000 ca mắc mới. Các biến chủng Omicron là BA.4, BA.5, BA.2.12.1 được ghi nhận phổ biến hơn ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Giống như các tỉnh, thành phố, số ca mắc Covid-19 tại Thái Bình cũng tăng nhẹ, có ngày ghi nhận hơn 40 ca. Các đợt giám sát trọng điểm do ngành y tế thực hiện đã ghi nhận ca bệnh mắc biến thể phụ BA.5 và một số trường hợp tái nhiễm Covid-19.

Sự gia tăng số ca mắc không chỉ ở ca bệnh Covid-19, sốt xuất huyết mà ở cả bệnh nhân cúm. Theo thống kê của ngành y tế, từ đầu năm đến nay Thái Bình đã ghi nhận hơn 16.100 ca mắc cúm, trong đó 315 ca phải nhập viện điều trị, chưa ghi nhận ca bệnh tử vong. Ổ dịch cúm A chủng H5N1 được phát hiện trên đàn gia cầm qua giám sát không ghi nhận lây sang người. Dù chưa ghi nhận diễn biến bất thường của dịch cúm song ngành y tế khuyến cáo cần cảnh giác với cúm A và sớm phát hiện, xử lý nhanh các ổ dịch, nhất là nơi tập trung đông người như: trường học, cơ sở sản xuất, khu du lịch... Bệnh tay chân miệng chưa có dấu hiệu bất thường nhưng cũng có thể tăng khi học sinh, nhất là các cháu mầm non trở lại trường học. Bên cạnh đó, ca mắc liên cầu lợn cũng xuất hiện ở xã Minh Phú (Đông Hưng), 2 ca ho gà ở xã Minh Tân (Đông Hưng) và xã Song An (Vũ Thư).

Nhận định về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Thơm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Theo quy luật của đại dịch sau khi bùng phát mạnh sẽ là các đợt dịch có làn sóng nhỏ hơn. Tuy nhiên, có rất nhiều hệ lụy về bệnh truyễn nhiễm sau đại dịch. Cùng với Covid-19 đã xuất hiện đậu mùa khỉ, cúm mùa... Từ các dịch bệnh cũng cho thấy vai trò rất quan trọng của vắc-xin. Thực tế trên đã đặt ra các nhiệm vụ phòng, chống dịch trong thời gian tới, đó là tiếp tục khống chế, kiểm soát dịch Covid-19 song song với cúm mùa. Các cấp, ngành, địa phương, đơn vị cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; tập trung giám sát, phát hiện sớm các chùm ca bệnh cả ở Covid-19, cúm mùa, đậu mùa khỉ. Đây là giải pháp rất quan trọng bởi có phát hiện sớm mới có khống chế, xử lý kịp thời. Áp dụng như phòng, chống dịch Covid-19 đối với bệnh đậu mùa khỉ. Bên cạnh đó, cần thực hiện hiệu quả công tác tiêm vắc-xin. Đối với sốt xuất huyết, việc giám sát côn trùng vẫn đang được thực hiện thường xuyên tại 30 cụm xã. Đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa xuất hiện muỗi Aedes aegypti. Tuy nhiên, không thể chủ quan bởi nếu xuất hiện muỗi Aedes aegypti, dịch sốt xuất huyết sẽ bùng phát rất nhanh. Mỗi xã, phường, thị trấn cần chủ động các biện pháp vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân để phòng bệnh...

Để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, ngành y tế sẽ tiếp tục tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ y tế các tuyến; củng cố cơ sở điều trị, thu dung người mắc bệnh truyền nhiễm và tham mưu sẵn sàng nhân lực, thuốc, vật tư, hóa chất... phòng, chống dịch bệnh. Cùng với ngành y tế, các địa phương cần tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống dịch; nắm bắt diễn biến dịch bệnh trên địa bàn; chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản ứng phó với một số dịch bệnh như Covid-19, cúm A, sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ; tăng cường vệ sinh môi trường; củng cố hoạt động của tổ Covid-19 cộng đồng; chỉ đạo quyết liệt tăng cường tiêm vắc-xin phòng Covid-19; rà soát, củng cố các điều kiện về cơ sở vật chất phòng, chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”.

Hoàng Lanh