Thứ 3, 19/11/2024, 22:21[GMT+7]

Nhiều bệnh nhi mắc cúm A phải nhập viện điều trị

Thứ 4, 10/08/2022 | 05:52:36
1,224 lượt xem
Hội chứng cúm, trong đó có cúm A đang có dấu hiệu gia tăng trên toàn quốc, lưu hành ở cộng đồng và gây bệnh cho nhiều người. Tại Thái Bình, không chỉ người lớn, số trẻ em đến khám, nhập viện do mắc cúm cũng tăng. Một số bệnh nhi mắc cúm A có diễn biến nặng, bị tổn thương phổi, suy hô hấp.

Bệnh nhi mắc cúm A điều trị tại Bệnh viện Nhi Thái Bình.

Bệnh nhân Vũ Hải Minh, 9 tháng tuổi (thành phố Thái Bình) nhập viện trong tình trạng sốt, khó thở, thở khò khè. Sau khi xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán cháu bị cúm A, có biểu hiện suy hô hấp, viêm phổi nặng phải thở oxy. Qua quá trình điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Thái Bình, đến nay cháu đã không phải thở oxy, ăn uống tốt hơn. Chị Nguyễn Thị Tươi, mẹ Hải Minh chia sẻ: Con ở nhà sốt, sổ mũi, ho, gia đình chỉ nghĩ rằng con bị sốt do viêm tai giữa mà không nghĩ bị cúm A.

Trong quá trình điều trị tại nhà thấy con không đỡ mà ho nhiều hơn nên cho cháu nhập viện điều trị. Qua xét nghiệm, cháu được chẩn đoán mắc cúm A, suy hô hấp. Từ bài học của gia đình, tôi khuyên các bậc phụ huynh có con nhỏ không nên chủ quan, tự mua thuốc điều trị tại nhà mà chưa có chỉ định của bác sĩ. Khi có các dấu hiệu sốt, ho, khó thở nên đưa con đến cơ sở y tế khám để được điều trị kịp thời.  

Theo thống kê của ngành y tế, từ đầu năm đến ngày 2/8/2022, Thái Bình đã ghi nhận hơn 16.100 ca mắc cúm. Riêng tại Bệnh viện Nhi Thái Bình, từ tháng 5 - 7/2022, Bệnh viện đã tiếp nhận khám bệnh, điều trị cho hơn 3.260 trường hợp mắc cúm, trong đó hơn 170 trường hợp mắc cúm A. Hiện Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện đang điều trị cho hơn 40 bệnh nhi mắc cúm A. Trong hơn 40 bệnh nhân đang điều trị có bệnh nhân biến chứng suy hô hấp, viêm phổi. Bên cạnh đó, có bệnh nhân vừa nhiễm virus cúm vừa nhiễm các virus khác khiến tình trạng bệnh nặng hơn. 

Bác sĩ Nguyễn Tuyết Anh, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Thái Bình cho biết: Triệu chứng của cúm nói chung, cúm A nói riêng và Covid-19 thường rất giống nhau với các biểu hiện như: sốt, hắt hơi, sổ mũi, ho, đau rát họng, đau đầu, đau mỏi người. 1Do đó, để chẩn đoán phân biệt nhiễm cúm A hay Covid-19 thì cần phải làm xét nghiệm. Cúm lây qua đường hô hấp, rất dễ lây và ở tuổi nào cũng có thể mắc. Các triệu chứng từ nhẹ đến nặng tùy theo tình trạng sức khỏe của mỗi người. Thông thường thời gian điều trị từ 7 - 10 ngày. Tuy nhiên, nếu không được điều trị đúng cách, người già, trẻ em, người có hệ miễn dịch suy giảm sẽ dễ dàng mắc thêm các bệnh khác hoặc gặp các biến chứng nặng dẫn đến nguy cơ đe dọa tính mạng, thời gian điều trị sẽ dài hơn.

Chỉ khoảng 1 tháng nữa là đến ngày khai giảng, học sinh nhập học. Với đặc tính lây qua giọt bắn, dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc, nếu có 1 học sinh bị cúm cũng dễ lây cho nhiều bạn xung quanh. Điều này có thể làm gia tăng số ca mắc ở các cơ sở giáo dục nếu không có những biện pháp phòng bệnh kịp thời. Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết như hiện nay cũng khiến virus gây bệnh cúm sinh sôi, phát triển nhanh. Biến chứng nặng nhất khi mắc cúm A là suy hô hấp với triệu chứng khó thở, thở gấp, đờm có lẫn máu... dẫn đến viêm phổi, thiếu oxy và thậm chí là tử vong. Do đó, các bậc phụ huynh không được chủ quan, lơ là, chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

Bác sĩ Đỗ Mạnh Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Thái Bình khuyến cáo: Để phòng bệnh, các gia đình cần thường xuyên vệ sinh môi trường, bảo đảm nơi ở sạch sẽ, thoáng mát; vệ sinh cá nhân cả ở người chăm sóc trẻ và trẻ như: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi hắt hơi, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối... Bên cạnh đó, các gia đình cần bảo đảm dinh dưỡng cho trẻ, ăn chín uống sôi, uống đủ nước và không để trẻ bị nhiễm nóng; hạn chế cho trẻ đến nơi đông người không cần thiết và tránh tiếp xúc với bệnh nhân mắc cúm hoặc các bệnh khác. 

Người dân cũng nên cho trẻ tiêm vắc-xin phòng cúm đầy đủ, đúng lịch. Ngay khi thấy trẻ có các triệu chứng như: sốt, viêm long đường hô hấp cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị. Với bệnh nhân nhẹ có thể điều trị tại nhà song phải chăm sóc trẻ đúng cách theo hướng dẫn của ngành y tế.

Bác sĩ Nguyễn Tuyết Anh, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Thái Bình khám cho bệnh nhân mắc cúm A.

Hoàng Lanh