Chủ nhật, 10/11/2024, 05:49[GMT+7]

Nhiều vấn đề cử tri bức xúc, kiến nghị được làm rõ Bài 2: Bố trí đủ kinh phí hỗ trợ mua máy phục vụ sản xuất nông nghiệp

Thứ 2, 22/08/2022 | 08:24:11
1,995 lượt xem
Tại kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khóa XVII, đại biểu Lê Hồng Sơn (tổ Hưng Hà) chất vấn đồng chí Vũ Kim Cứ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư về kết quả thực hiện Nghị quyết số 29/2021/NQ-HĐND, ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh ban hành quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai; mua máy cấy, hệ thống thiết bị sấy phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; những khó khăn, tồn tại và đề xuất giải pháp cụ thể để thực hiện Nghị quyết đạt kết quả cao hơn trong thời gian tới.

Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là xu hướng tất yếu.

Theo đồng chí Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Sau khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 29, Sở đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện cơ chế, chính sách. Giao các sở đăng tải công khai, tuyên truyền, phổ biến cơ chế, chính sách tới đối tượng thụ hưởng; xây dựng hướng dẫn liên ngành; thông báo chủng loại, số lượng máy còn được hỗ trợ cho các địa phương; tổ chức thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ; cân đối nguồn lực để thực hiện cơ chế, chính sách. Giao UBND cấp huyện tổ chức tuyên truyền, phổ biến cơ chế, chính sách đến đối tượng thụ hưởng; tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ của người dân, doanh nghiệp và tổ chức nghiệm thu, tổng hợp gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thẩm định. Hàng năm rà soát, dự kiến nhu cầu kinh phí của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn quản lý gửi các sở, ngành để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh. Giao UBND cấp xã tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tích tụ, tập trung đất đai bảo đảm điều kiện để xét hỗ trợ; hướng dẫn người dân hoàn thiện hồ sơ, giám sát việc thực hiện cơ chế, chính sách tại địa phương; hàng năm rà soát, dự kiến nhu cầu kinh phí thực hiện cơ chế, chính sách và báo cáo UBND cấp huyện tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh. Ban hành hướng dẫn liên ngành về thành phần hồ sơ đề nghị hỗ trợ và trình tự thủ tục thực hiện.

Được hỗ trợ 40% tổng chi phí, nông dân Thái Bình mạnh dạn đầu tư mua máy cấy hiện đại phục vụ sản xuất giảm chi phí, công lao động, nâng cao năng suất lúa.

Trên cơ sở rà soát diện tích đất trồng lúa thực tế tại các địa phương, căn cứ số lượng máy nông nghiệp đã hỗ trợ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thông báo chỉ tiêu về số lượng máy cấy, hệ thống thiết bị máy sấy phục vụ sản xuất nông nghiệp tại 8 huyện, thành phố là: Tổng số máy cấy cần hỗ trợ 2.418, tổng số hệ thống thiết bị sấy cần hỗ trợ 1.943. Đến nay, các sở chưa nhận được hồ sơ đề nghị hỗ trợ chính sách nêu trên của các huyện, thành phố. Qua trao đổi, nắm bắt, trong quá trình thực hiện cơ chế, chính sách, nhất là việc tích tụ, tập trung đất đai còn một số tồn tại, vướng mắc. 

Theo đó, diện tích đất canh tác bình quân trên địa bàn tỉnh khoảng 0,2ha/hộ, khó phát huy hiệu quả cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; liên kết trong sản xuất nông nghiệp còn thiếu tính ổn định, chưa có sự ràng buộc chặt chẽ giữa doanh nghiệp, HTX và người dân, chưa phát huy được vai trò của HTX trong việc kết nối, xâu chuỗi, định hướng sản xuất theo hướng liên kết; nông dân có tâm lý “giữ ruộng”, bên cạnh đó giá bồi thường chuyển nhượng đất nông nghiệp tại tỉnh còn thấp so với mặt bằng chung trong khu vực. Muốn thuê được đủ diện tích đất để sản xuất có hiệu quả, doanh nghiệp phải hợp đồng với nhiều đối tượng với điều kiện, yêu cầu khác nhau dẫn đến tiến độ thực hiện chậm. Một số tổ chức, cá nhân có khả năng đầu tư hệ thống thiết bị sấy nhưng khó khăn trong việc bố trí mặt bằng để lắp đặt. Ngoài ra, một số địa phương kiến nghị việc thanh toán tiền hỗ trợ máy cấy, máy gặt đã thực hiện giai đoạn 2015 - 2020 còn chậm, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã trao đổi với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính xem xét, trả lời.

Để thực hiện Nghị quyết số 29 đạt kết quả cao hơn trong thời gian tới, đồng chí Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất một số giải pháp, đó là: Tiếp tục quán triệt và tuyên truyền sâu rộng hơn về nội dung cơ chế, chính sách để người dân, doanh nghiệp biết, thực hiện; tập trung tuyên truyền phổ biến đầy đủ các quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác liên quan, đặc biệt là quy định về các quyền, nghĩa vụ cho thuê, góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, qua đó làm cho người dân tự thay đổi tâm lý giữ đất, dự phòng đất. Nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương tích tụ, tập trung đất đai, tăng cường cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trong tổ chức thực hiện. Nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường tính chủ động của HTX trong việc thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường phối hợp giữa các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố, các xã, thị trấn trong hướng dẫn và giải quyết các thủ tục hỗ trợ cho đối tượng thụ hưởng, bảo đảm thống nhất, nhanh gọn, hiệu quả. Bên cạnh đó, cần ưu tiên cân đối, bố trí đủ kinh phí hỗ trợ để thực hiện cơ chế, chính sách. Bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch trong thực hiện cơ chế, chính sách. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về tiến độ, hiệu quả thực hiện cơ chế, chính sách đã ban hành, phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân trong giám sát việc thực hiện cơ chế, chính sách, kịp thời phát hiện, phòng ngừa và xử lý các hành vi vi phạm, trục lợi cơ chế, chính sách. Thường xuyên rà soát, kịp thời phát hiện những tồn tại, bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện để kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền có biện pháp khắc phục, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.


Thu Hiền - Mạnh Cường

( còn nữa)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày