Thứ 4, 13/11/2024, 07:52[GMT+7]

Nhận diện rõ hành vi tiêu cực để ngăn chặn từ gốc

Thứ 3, 06/09/2022 | 10:02:23
705 lượt xem
Mới đây, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) ban hành Hướng dẫn số 25-HD/BCÐTW, ngày 1/8/2022 hướng dẫn một số nội dung về công tác phòng, chống tiêu cực. Qua đây, các bộ, ngành, địa phương, đơn vị hiểu rõ cách thức nhận diện hành vi tiêu cực và những nhiệm vụ cụ thể, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo phiên họp thứ 22 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ngày 18/3/2021, nhấn mạnh về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Không chỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế, mà quan trọng hơn là phải chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Hai lĩnh vực này có liên quan đến nhau, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn đến tham nhũng, đây là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống...

Sự suy thoái của cán bộ là biểu hiện tiêu cực rõ nét nhất

Tiêu cực là một khái niệm có nội hàm rất rộng. Ðể nhận diện những tiêu cực góp phần phòng, chống tham nhũng hiệu quả, Hướng dẫn số 25-HD/BCÐTW nêu rõ: Ðó là những hành vi của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trái với Ðiều lệ, Cương lĩnh, nghị quyết, quy chế, quy định, chỉ thị, kết luận... (gọi chung là chủ trương, đường lối, quy định của Ðảng), pháp luật của Nhà nước, Ðiều lệ của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, những hành vi trái với chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Ðảng, Nhà nước, làm tha hóa đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, làm giảm sút niềm tin của nhân dân, cản trở quá trình phát triển kinh tế-xã hội... Trong đó, biểu hiện rõ nét nhất của tiêu cực là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị.

Hướng dẫn số 25-HD/BCÐTW cũng chỉ ra 19 hành vi tiêu cực cần tập trung phòng, chống. Cụ thể như: Nói, viết, thực hiện không đúng hoặc không thực hiện, thực hiện không đầy đủ chủ trương, đường lối, quy định của Ðảng, pháp luật của Nhà nước. Không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Ðảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm nêu gương theo quy định của Ðảng. Lợi dụng công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, công việc thuộc thẩm quyền giải quyết để trục lợi. "Tư duy nhiệm kỳ", cơ hội, vụ lợi, nhất là hành vi lạm quyền, lộng quyền, lấy danh nghĩa tập thể để áp đặt, hợp thức hóa quyết định sai trái của cá nhân. Quan liêu, xa rời thực tế, không sâu sát công việc, không nắm chắc tình hình trong cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị. Chủ trì ban hành hoặc tham mưu ban hành văn bản có nội dung trái với chủ trương, đường lối, quy định của Ðảng, pháp luật của Nhà nước hoặc có nhiều sơ hở, bị lợi dụng gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân...

Như vậy có thể hiểu, biểu hiện rõ nét nhất của tiêu cực là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Trong thực tế, những hành vi tiêu cực, biểu hiện suy thoái đã được nêu trong nhiều văn bản của Ðảng như Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, Quy định 37-QÐ/TW ngày 25/10/2021 về những điều đảng viên không được làm, Quy định số 101-QÐ/TW ngày 7/6/2012 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, Quy định số 69-QÐ/TW ngày 6/7/2022 về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm... Thực hiện các văn bản này, các địa phương, đơn vị đã có chuyển biến rõ nét trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng. Tuy nhiên, tại một số địa phương, bộ, ngành, việc tự kiểm tra, phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ còn là khâu yếu. Vì vậy, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả; tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, phức tạp với những biểu hiện ngày càng tinh vi.

Do đó, Hướng dẫn số 25-HD/BCÐTW chỉ ra các hành vi tiêu cực cần tập trung chỉ đạo phòng, chống và những nhiệm vụ công tác cụ thể là căn cứ quan trọng giúp các địa phương, cơ quan, đơn vị, nhất là các Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố xác định được rõ phạm vi, đối tượng, mục tiêu, nhiệm vụ, từ đó thống nhất nhận thức và hành động trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ðặc biệt, với sự nhận diện rõ ràng, cụ thể hơn các hành vi tiêu cực liên quan tới tham nhũng, văn bản hướng dẫn đã khoanh vùng, thu hẹp diện tiêu cực để tập trung đấu tranh, tránh thực hiện tràn lan, kém hiệu quả; đồng thời tạo thuận lợi cho việc tham chiếu, áp dụng các văn bản của Ðảng, Nhà nước trong xử lý hành vi, vụ việc hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản cho phù hợp tình hình thực tiễn. Nhìn vào đây, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có thể tự soi, tự sửa, tránh để bản thân vi phạm hoặc người thân lợi dụng để vi phạm. Dựa vào đây, quần chúng nhân dân có thể tham gia giám sát, phát hiện, tích cực góp phần vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tiêu cực

Mặc dù đã hướng dẫn nhận diện những hành vi tiêu cực cần tập trung chỉ đạo phòng, chống nhưng công tác phát hiện, xử lý tiêu cực có đúng và kịp thời hay không là ở năng lực hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan chức năng ở bộ, ngành, địa phương. Thực tế cho thấy, quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, nếu địa phương nào chủ động thực hiện công tác kiểm điểm, đánh giá, tự phê bình và phê bình, nhất là tiếp tục cụ thể hóa 27 biểu hiện suy thoái thành những biểu hiện cụ thể hơn thì nơi đó công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng có sự chuyển biến rõ nét, nhận thức của cán bộ, đảng viên trong việc tự soi, tự sửa, tự rèn luyện nâng lên, uy tín và sức chiến đấu của tổ chức đảng được củng cố.

Cũng như vậy, đối với 19 hành vi tiêu cực mà Ban Chỉ đạo đã chỉ ra, các địa phương, cơ quan, đơn vị cần tích cực nghiên cứu, phổ biến, hướng dẫn, quán triệt để có sự nhận thức đầy đủ, sâu sắc trong toàn thể đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; cần thiết tiếp tục nghiên cứu cụ thể hóa các hành vi tiêu cực sát với thực tiễn môi trường công tác, tình hình địa phương để tăng tính chủ động, nâng cao hiệu quả phát hiện và xử lý hành vi tiêu cực, góp phần ngăn chặn "mầm mống" tham nhũng từ gốc.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Trường, Vụ trưởng Vụ địa phương 1, Ban Nội chính Trung ương, phòng, chống tiêu cực trước hết cần tập trung vào cán bộ lãnh đạo, quản lý với những biểu hiện tiêu cực xoay quanh sáu mối quan hệ chủ yếu của họ gồm: Trong quan hệ với công việc; trong quan hệ với cán bộ, đảng viên thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý của mình; trong quan hệ với doanh nghiệp; trong quan hệ với người dân; trong quan hệ với những người thân thiết và đối với bản thân mình. Những biểu hiện tiêu cực phổ biến trong quan hệ với công việc là: Không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Ðảng; không gương mẫu trong công tác; né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở nơi xa, nơi có khó khăn; thao túng trong công tác cán bộ; lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực...

Biểu hiện tiêu cực trong quan hệ với cán bộ, đảng viên thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý: Phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; duy ý chí, áp đặt, bảo thủ, chỉ làm theo ý mình; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ... Trong quan hệ với doanh nghiệp: Quyết định hoặc tổ chức thực hiện gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên; đầu tư công tràn lan, hiệu quả thấp hoặc không hiệu quả; mua sắm, sử dụng tài sản công vượt quy định; lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, thậm chí lập doanh nghiệp "sân sau" để trục lợi...

Trong quan hệ với người dân: Quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân... Trong quan hệ với những người thân thiết (vợ, chồng, bố, mẹ, con, anh chị em ruột...): Ðể người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi; tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích... Ðối với bản thân mình: Báo cáo, kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; trong tự phê bình còn giấu giếm, tranh công, đổ lỗi, không dám nhận khuyết điểm; cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình...

Bên cạnh việc tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát nhằm nhận diện kịp thời các hành vi tiêu cực, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về phòng, chống tiêu cực gắn với xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, hệ thống chính trị, quản lý kinh tế-xã hội, có vai trò rất quan trọng nhằm ngăn ngừa hiệu quả tình trạng suy thoái của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động ban hành hoặc tham mưu ban hành các chủ trương, chính sách, pháp luật, giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ban Chỉ đạo còn yêu cầu làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tiêu cực, những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật để kiến nghị, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ngăn ngừa, khắc phục, hoàn thiện; đồng thời sơ kết, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về phòng, chống tiêu cực; nghiên cứu, đánh giá những hành vi tiêu cực mới phát sinh của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức để tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo Trung ương xem xét, đưa vào diện tập trung chỉ đạo phòng, chống.

Hành vi thứ 19 trong Hướng dẫn số 25-HD/BCÐTW: "Các hành vi tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp khác do Ban Chỉ đạo Trung ương xem xét, quyết định" chính là nội dung mở để tiếp tục bổ sung những hành vi tiêu cực mới phát sinh trong thực tiễn...

Cùng với việc khẩn trương kiện toàn các Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hướng dẫn số 25-HD/BCÐTW của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là những cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện đồng bộ, toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ Trung ương tới địa phương; đồng thời gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị, quyết tâm làm trong sạch bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, vì sự phát triển bền vững của đất nước.

Theo nhandan.vn