Thứ 4, 13/11/2024, 07:01[GMT+7]

Độc đáo hội thi pháo đất ở Đông Cường

Thứ 2, 12/09/2022 | 08:54:22
10,384 lượt xem
“Pháo nổ, pháo nang, cả làng nghe thấy” - câu đồng dao quen thuộc của những đứa trẻ hát trong trò chơi pháo đất ngày xưa đã in sâu trong ký ức của người dân xã Đông Cường (Đông Hưng). Đối với bà con nơi đây, pháo đất không chỉ là trò chơi dân gian mà còn là nét văn hóa để tưởng nhớ, lưu truyền những chiến công vang dội chống quân xâm lược của quân và dân ta.

Tương truyền rằng, khi quân phương Bắc hung hãn kéo đến xâm lược nước ta, bằng sự mưu trí của các tướng lĩnh, toàn quân đã dùng những quả pháo đất đồng loạt gieo xuống những nền đất rộng phẳng giữa đêm khuya tạo nên những tiếng rền vang khiến quân giặc kinh hãi, tháo chạy. Từ đó, mỗi khi nông nhàn, nhân dân Đông Cường tập trung để diễn lại cảnh này và dần dần hình thành nên hội thi pháo đất. Sau này, nhân dân chọn ngày 2/9 hàng năm là ngày tổ chức hội thi pháo đất.

Sau 2 năm không tổ chức được do dịch Covid-19, hội thi pháo đất năm nay của xã Đông Cường thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Từ 7 giờ, 80 “pháo thủ” của 4 đội đã tập trung tại sân trụ sở UBND xã để tranh tài, đem đến cho khán giả những phần thi hấp dẫn. Làm pháo đất có rất nhiều công đoạn. Các đội pháo phải chuẩn bị, tập luyện trong 3 - 4 tháng. Đặc biệt là công đoạn lựa chọn đất làm pháo vô cùng khắt khe. 

Ông Nguyễn Tiến Xuân, 72 tuổi chia sẻ: Không phải đất nào cũng có thể làm pháo được mà phải là loại đất sét màu xám chì nằm cách mặt đất 1 - 2m, có độ dẻo cao, ít bị dính tay. Đất lấy về được phơi khô, đập nhỏ và nhào cho thật dẻo. Sau đó, đất phải được lọc nhiều lần để loại bỏ cát và tạp chất. Bông gòn sẽ được trộn chung với đất theo tỷ lệ phù hợp để đất dẻo hơn, pháo khó đứt hơn. Sau quá trình trộn, thấu nhiều lần, đất được đánh thành từng quả đất có trọng lượng từ 2 - 3kg. Để giữ cho đất không bị khô, hỏng người ta thường bọc kín đất đưa vào tủ lạnh bảo quản sau mỗi lần chơi pháo.

“Pháo thủ” vào vị trí gieo pháo.

Khi hiệu lệnh được đưa ra, 80 “pháo thủ” đồng loạt mang đất ra nền phẳng để tiến hành làm pháo. Dưới những đôi bàn tay khéo léo, dẻo dai, trải qua các công đoạn tỉ mỉ như: nặn pháo, vỗ pháo, thúc pháo và bấm pháo những quả pháo đất dần được hình thành. Mỗi quả pháo cơ bản có 2 phần: phần mẹ và phần con. Trong khuôn khổ luật chơi, mỗi đội có 20 lần gieo pháo. Các đội pháo lần lượt đánh 4 dây pháo, mỗi dây diễn ra trong 45 phút. Khi pháo rơi tạo ra phần con pháo tách khỏi phần mẹ pháo, văng ra tạo tiếng nổ rất vui tai. Người ta đo độ dài từ phần mẹ pháo đến phần con pháo quy ra để tính điểm cao, thấp. Phần con pháo bay càng xa điểm càng cao, nếu con pháo bị rách thành nhiều mảnh thì sẽ không hợp lệ. Trong cuộc thi, trọng tài thường có 3 người, 2 người cầm thước đo con pháo, 1 người tính điểm, ghi điểm.

Tổ trọng tài dùng thước đo khoảng cách giữa phần mẹ pháo và phần con pháo để tính điểm.

Ông Nguyễn Đăng Sơn, 62 tuổi, “pháo thủ” của làng Thân Thượng cho biết: Chúng tôi được các cụ truyền dạy lại cách chơi pháo đất từ khi còn nhỏ. Nhưng mỗi “pháo thủ” lại có cách nhào đất, cách gieo pháo khác nhau. Có người thích gieo pháo lên cao, xoáy và dùng nhiều lực nhưng có người thì ngược lại. Điều này phụ thuộc vào cách tập luyện, cảm nhận của từng người. Nhưng để chơi pháo đất, đòi hỏi pháo thủ phải có thể lực tốt và có sự khéo léo. Nhân dân rất phấn khởi khi năm nay hội thi pháo đất được tổ chức trở lại. Đây là sân chơi bổ ích, lý thú, giúp chúng tôi nâng cao sức khỏe, gắn kết tình làng nghĩa xóm.

Pháo đất là trò chơi dân gian nhưng lại có sức hút rất đặc biệt với mọi lứa tuổi, nhất là thế hệ trẻ. Là “pháo thủ” trẻ tuổi nhất của hội thi năm nay, anh Lê Công Danh, 20 tuổi rất tự tin với những màn gieo pháo vô cùng ấn tượng. Anh Danh cho biết: Pháo đất là trò chơi dân gian nhưng khi tìm hiểu sâu sẽ cảm thấy rất thú vị, giúp các bạn trẻ rèn luyện sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và tránh xa các tệ nạn xã hội.

Anh Nguyễn Văn Du, công chức văn hóa xã Đông Cường cho biết: Những màn gieo pháo xoay tròn trên không trung như đưa người ta ngược về tuổi thơ bình dị, an nhiên. Trò chơi pháo đất xã Đông Cường không những làm phong phú thêm các kho tàng trò chơi dân gian mang đậm sắc thái đặc trưng của vùng đất nông nghiệp mà còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam. Hội thi pháo đất hàng năm là di sản văn hóa đặc trưng của địa phương có từ xa xưa, được tổ chức nhằm ôn lại truyền thống của quê hương; qua trò chơi này cũng tuyên truyền, vận động người dân rèn luyện sức khỏe để tích cực tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế. Chúng tôi mong muốn trong tương lai trò chơi dân gian pháo đất sẽ trở thành sản phẩm du lịch, góp phần quảng bá nét văn hóa độc đáo và phát triển kinh tế địa phương.

Nguyễn Triệu