Thứ 5, 14/11/2024, 23:22[GMT+7]

Mái nhà chung của người khiếm thị

Thứ 3, 13/09/2022 | 08:55:07
3,044 lượt xem
Với mong muốn đồng hành, làm điểm tựa vững chắc, là mái nhà chung để người khiếm thị sinh hoạt, bỏ mặc cảm, hòa nhập cộng đồng, thời gian qua, Hội Người mù huyện Đông Hưng đã tổ chức nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực chăm lo, tạo việc làm cho hội viên. 5 năm liền, Hội là đơn vị xuất sắc của toàn tỉnh, được Hội Người mù Việt Nam khen thưởng.

Nghề làm tăm tre do Hội Người mù huyện Đông Hưng tổ chức đã giúp nhiều người khiếm thị có thu nhập, ổn định cuộc sống.

Tàn nhưng không phế

Lúc còn nhỏ, chị Nguyễn Thị Nga, xã Minh Tân cũng giống như bao bạn bè cùng trang lứa vô tư cắp sách đến trường. Nhưng sau vụ tai nạn giao thông, mắt của chị Nga đã không còn nhìn thấy nữa. Trước biến cố quá lớn, chị Nga trở nên bi quan, chán nản, mất niềm tin vào cuộc sống, khép mình trong 4 bức tường. Và rồi cuộc sống tươi đẹp đã trở lại khi chị Nga được các cô chú của Hội Người mù huyện đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ đi học chữ nổi braille, học nghề. Sau 3 tháng học nghề tẩm quất, chị được nhận vào làm tại cơ sở tẩm quất của Hội Người mù tỉnh với thu nhập 4,5 - 5 triệu đồng/tháng. Cũng ở nơi làm việc, chị Nga gặp được người bạn đời của mình, cùng xây dựng gia đình hạnh phúc. Khi có con nhỏ, đi lại khó khăn, Hội Người mù huyện lại tiếp tục kết nối với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho chị Nga vay vốn mở cơ sở xoa bóp, bấm huyệt, tẩm quất tại nhà. Có tay nghề cao, làm việc nhiệt tình, trách nhiệm khách hàng tin tưởng đến với cơ sở ngày càng đông. 

Chị Nguyễn Thị Nga chia sẻ: Cứ ngỡ tương lai của mình sẽ tối tăm mãi mãi nhưng nhờ sự động viên, khích lệ, giúp đỡ kịp thời của các cơ sở hội, tôi đã có nghề nghiệp ổn định, có gia đình hạnh phúc. Tôi cũng nhận ra rằng: Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được nản, không tự ti, phải mạnh mẽ vươn lên.  

Người ta thường nói “Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”, nhưng với nhiều người khiếm thị bằng nghị lực phi thường, sự nỗ lực không biết mệt mỏi và quan trọng là luôn có sự đồng hành, giúp đỡ của hội người mù họ vẫn có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, xây dựng nhà cửa khang trang bằng chính bàn tay, khối óc của mình. Điển hình là anh Nguyễn Văn Duy, xã Phú Lương. 

Anh Duy cho biết: Khi Hội Người mù huyện tạo điều kiện đi học chữ nổi, học tẩm quất, bấm huyệt tôi mừng lắm. Thạo nghề, tôi xin vào làm tại cơ sở tẩm quất ở thành phố Thái Bình. Năm 2010, tôi chuyển về làm tại cơ sở tẩm quất của Hội Người mù huyện. Đến năm 2017, với 20 triệu đồng Hội Người mù huyện kết nối với ngân hàng cho vay cùng tiền tích cóp được và vay của người thân, tôi đã mở cơ sở tẩm quất Duy Hải của riêng mình. Ban đầu mỗi ngày chỉ có 3 - 5 khách, có ngày không có vị khách nào, tôi cũng buồn nhưng không nản. Tôi lên mạng tìm và áp dụng phương pháp tẩm quất chườm ngải cứu chữa đau đầu, đau dây thần kinh... Phương pháp này đáp ứng đúng nhu cầu của khách, vì vậy lượng khách đến với cơ sở ngày một đông, trung bình mỗi ngày 20 - 30 khách. Không chỉ có việc làm với thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng/năm, tôi còn tạo việc làm cho 5 người cùng cảnh ngộ. Từ chỗ phải sống dựa vào bố mẹ, giờ anh Duy đã vượt qua số phận, trở thành điểm tựa của gia đình.

Anh Trần Văn Quảng, xã Đông La bấm huyệt cho khách hàng.

Làm tốt vai trò “cầu nối”

Ông Đào Xuân Hùng, Chủ tịch Hội Người mù huyện Đông Hưng cho biết: Mặc dù khiếm khuyết đôi mắt, điều kiện sinh sống, lao động gặp nhiều trở ngại song bằng khát vọng và ý chí mạnh mẽ, những người khiếm thị vẫn cố gắng vươn lên, tự tin hòa nhập cộng đồng. Để giúp họ sống vui, sống có ích, 5 năm qua, Hội Người mù huyện đã mở 5 lớp dạy nghề làm tăm cho 45 lượt người mù, giới thiệu 48 người mù tham gia lớp học nghề tẩm quất tại Hội Người mù tỉnh. Sau học nghề các học viên đều làm nghề và phát huy nghề tốt, nhiều người mở cơ sở tẩm quất riêng, có thu nhập cao như: chị Trịnh Thị Chín, xã Đông Phương; anh Bùi Văn Hà, xã Đông La; anh Đặng Thanh Phương, xã Hồng Giang... 

Cũng 5 năm qua, Hội sản xuất trên 620.000 gói tăm tre, đạt doanh thu trên 1,5 tỷ đồng, tạo việc làm cho 62 lượt hội viên, thu nhập bình quân trên 3 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, cơ sở tẩm quất của Hội 5 năm đón trên 46.000 lượt khách, đạt doanh thu gần 3,2 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 8 hội viên. Cùng với đó, Hội còn là “cầu nối” đưa đồng vốn hỗ trợ đến với hội viên để họ đầu tư phát triển kinh tế gia đình. 

Từ năm 2017 đến nay, Hội phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho 28 lượt hội viên vay 540 triệu đồng. Hội còn thường xuyên kêu gọi các tổ chức, nhà hảo tâm cùng chung tay chăm lo cho người khiếm thị. 5 năm qua, toàn huyện có gần 4.500 lượt người khiếm thị được nhận trợ cấp, nhận quà nhân dịp lễ, tết. Hội đã đề nghị MTTQ huyện hỗ trợ 60 triệu đồng xóa nhà dột nát cho 2 hội viên khiếm thị; tổ chức thăm hỏi, động viên kịp thời đối với những hội viên có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau.

Tỷ lệ hội viên khiếm thị nghèo của huyện Đông Hưng dù đã giảm từ 14,8% (2017) xuống 9,5% song vẫn còn cao. Vì vậy, thời gian tới mong các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí để Hội tổ chức nhiều hoạt động hướng nghiệp dạy nghề, tạo việc làm, nâng cao đời sống cho người khiếm thị.

Thu Hiền