Chủ nhật, 10/11/2024, 09:33[GMT+7]

Thị trường hàng hóa liên tục đảo chiều, “chật vật” tìm kiếm xu hướng giá

Thứ 4, 14/09/2022 | 15:48:14
1,245 lượt xem
Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, đóng cửa hôm qua ngày 13/9, lực bán áp đảo trên cả 4 nhóm hàng hóa nguyên liệu đang được giao dịch liên thông thế giới tại MXV là Nông sản, Nguyên liệu Công nghiệp, Kim loại và Năng lượng. Điều này đã khiến chỉ số MXV-Index quay đầu giảm 0,68% xuống mức 2.591 điểm; kết thúc chuỗi tăng 3 ngày liên tiếp trước đó.

Ảnh minh họa, Nguồn: Reuters

Mặc dù sắc đỏ chiếm ưu thế, nhưng ở cả 4 nhóm mặt hàng đều ghi nhận diễn biến phân hóa, trái chiều. Giá trị giao dịch toàn Sở có sự sụt giảm nhẹ, tuy nhiên vẫn đạt mức 5.000 tỷ đồng. 

Giá bông giảm mạnh trước sức ép từ đồng USD

Đóng cửa ngày 13/9, sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Dẫn đầu xu hướng tăng giá của nhóm là dầu cọ thô nhờ nhập khẩu mặt hàng này tại Ấn Độ tăng đột biến trong tháng 8. 

Bông dẫn đầu đà giảm của các mặt hàng trong nhóm với mức sụt giảm hơn 3% khi thị trường tiếp tục phản ứng với việc số liệu về sản lượng và tồn kho cuối kỳ trở nên tích cực hơn trong Báo cáo cung-cầu tháng 9. Bên cạnh đó, đồng Dollar Mỹ quay đầu tăng mạnh, khiến cho bông trở nên đắt đỏ hơn đối với các khách hàng nắm giữ các loại tiền tệ khác, từ đó hạn chế lực mua, đồng thời gây áp lực lên giá. 

Theo sau đà giảm của bông là 2 mặt hàng cà phê với mức giảm hơn 1%. Thị trường vẫn đang kỳ vọng vào dự báo có mưa tại các cánh đồng trồng cà phê vào cuối tháng 9, phần nào sẽ thúc đẩy sự phát triển của cây trồng và đưa lại một nguồn cung tích cực hơn. Bên cạnh đó, đồng Real giảm mạnh, thúc đẩy lực bán từ phía nông dân Brazil, từ đó đẩy mạnh hơn nữa đà giảm của giá.

Bất chấp việc nguồn cung đường trắng hiện đang rơi vào tình trạng khan hiếm với lượng dự trữ cạn kiệt ở một số nước nhập khẩu chính và xuất khẩu của Ấn Độ ở mức thấp, giá đường trắng trong phiên hôm qua giảm hơn 1%. Ở chiều ngược lại, giá đường 11 vẫn ghi nhận sự khởi sắc nhẹ với mức tăng khiêm tốn 0,16% nhờ giá dầu thô suy yếu gần 1%, phần nào khiến giá ethanol có khả năng hồi phục, từ đó chuyển dịch dần lượng mía ép cho sản xuất mặt hàng này, đồng thời hỗ trợ giá đường.

Dầu cọ thô ghi nhận mức tăng mạnh gần 6% nhờ số liệu nhập khẩu tích cực từ Ấn Độ. Cụ thể, trong tháng 8, nước này đã nhập khẩu 994.997 tấn, tăng 87% so cùng kỳ tháng trước và cũng là mức cao kỷ lục trong 11 tháng gần đây. Giá mặt hàng này có thể sẽ còn tiếp tục được hỗ trợ bởi số liệu về nhu cầu tiêu thụ của Ấn Độ khi nước này dự kiến sẽ nhập khẩu hơn 1 triệu tấn dầu cọ trong tháng 9. 

Giá ngô và lúa mì diễn biến giằng co, đậu tương sụt giảm do nguồn cung cải thiện

Trên thị trường nông sản, giá đậu tương đã giảm nhẹ hơn 0,5% trong khi hai mặt khô đậu và dầu đậu diễn biến trái chiều. Những thông tin tích cực về nguồn cung tại Brazil là yếu tố góp phần gây sức ép lên giá trong ngày hôm qua.

Dự báo thời tiết tại Brazil cho thấy, những đợt mưa sẽ trở lại vào cuối tháng 9 tại hầu hết khu vực trung tâm phía tây và nam. Nông dân tại các bang sản xuất chính đang bắt đầu trồng đậu tương với thời tiết thuận lợi cho mùa vụ. Bên cạnh đó, trong báo cáo tuần này, Hiệp hội Xuất khẩu Ngũ cốc Brazil (ANEC) đã nâng dự báo xuất khẩu đậu tương tháng 9 của Brazil lên mức 4,47 triệu tấn, từ mức 3,91 triệu tấn dự báo trước đó. Đây là thông tin gây áp lực lên giá trong ngày hôm qua.

Ở hướng ngược lại, theo báo cáo Tiến độ Mùa vụ của Bộ Nông nghiệp Mỹ, tỷ lệ đậu tương Mỹ đạt chất lượng tốt và tuyệt vời đã giảm 1% xuống còn 56% trong tuần vừa rồi, khác với dự đoán duy trì của thị trường do các khu vực sản xuất vẫn trải qua nền nhiệt cao. Đây là yếu tố đã hỗ trợ giá trong phiên sáng và góp phần thu hẹp đà giảm trong ngày.

Trong khi đó, giá ngô quay đầu suy yếu nhẹ sau khi bật tăng mạnh nhờ ảnh hưởng của Báo cáo cung-cầu trong phiên trước đó. Mặc dù nguồn cung thắt chặt vẫn đang tiếp tục đóng vai trò là yếu tố hỗ trợ cho giá nhưng các số liệu đã nằm trong dự đoán của thị trường đã khiến cho đà tăng bị hạn chế.

Ngoài ra, Hiệp hội Xuất khẩu ngũ cốc Brazil (ANEC) đã dự báo Brazil có thể xuất khẩu tới 7,88 triệu tấn ngô trong tháng 9, cao hơn nhiều so với mức 6,31 triệu tấn dự báo tuần trước. Mặc dù mùa xuất khẩu của Mỹ cũng đang đến gần nhưng việc ngô từ Brazil vẫn được các nước mua hàng đẩy mạnh nhập khẩu cho thấy giá ngô Chicago cũng đang phải chịu áp lực cạnh tranh và góp phần khiến giá đóng cửa trong sắc đỏ.

Lúa mì mặc dù cũng đóng cửa với mức thay đổi không đáng kể so với phiên trước đó nhưng giá vẫn lấy lại được sắc xanh. Lo ngại về khả năng xuất khẩu của Ukraine tạm thời được xoa dịu khi không xuất hiện thêm thông tin căng thẳng và động thái từ chính phủ các nước. Giá lúa mì chỉ biến động trong khoảng hẹp do thị trường thiếu vắng yếu tố cơ bản mới xác định xu hướng.

Giá nông sản thế giới tiềm ẩn khả năng tăng cao có thể gây áp lực lên ngành chăn nuôi nội địa

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay, giá thịt heo hơi đang được thu mua ở mức 58.000 - 68.000 đồng/kg, tiếp tục giảm rải rác 1.000 - 4.000 đồng/kg so với ngày hôm qua. Tại TP Hồ Chí Minh, trung tâm tiêu thụ thịt heo lớn nhất cả nước, giá heo hơi ổn định ở mức 60.000 đồng/kg.

Sau tháng 7 âm lịch đến nay, sức tiêu thụ thịt heo vẫn chưa được cải thiện do xu hướng thắt chặt chi tiêu của người dân. Theo các doanh nghiệp và hiệp hội chăn nuôi, thị trường nhìn chung ổn định về giá cả với xu hướng tái đàn tăng để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. 

Tuy nhiên, theo MXV, vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi mà giá nông sản thế giới có khả năng tăng cao trong các tháng tới gây sức ép cho các doanh nghiệp nhập khẩu và sản xuất thức ăn chăn nuôi. Do đó, để bảo đảm ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào, các doanh nghiệp và nhà máy cần theo dõi sát sao diễn biến thị trường nông sản thế giới, có công cụ phòng hộ giá thích hợp để có thể chốt giá nhập tại các thời điểm hợp lý.

Theo Nhân Dân