Thứ 4, 13/11/2024, 06:49[GMT+7]

Chủ động phòng bệnh do virus Adeno gây ra

Thứ 7, 24/09/2022 | 10:12:07
2,622 lượt xem
Số ca nhập viện do virus Adeno tăng, trong đó có 6 ca tử vong tại Bệnh viện Nhi Trung ương khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Tại Bệnh viện Nhi Thái Bình đã ghi nhận một số trường hợp có kết quả dương tính với virus Adeno. Theo khuyến cáo của ngành y tế, người dân không nên chủ quan bởi giữa bối cảnh các dịch bệnh truyền nhiễm như: Covid-19, sốt xuất huyết, cúm, Rota virus... đang diễn biến phức tạp, công tác phòng bệnh phải được đặt lên hàng đầu.

Nhiều trẻ mắc bệnh hô hấp điều trị tại Bệnh viện Nhi Thái Bình.


Bệnh nhi B.Q.H, 7 tháng tuổi, ở huyện Thái Thụy là một trong những bệnh nhi mắc bệnh do virus Adeno gây ra. Người nhà bệnh nhân chia sẻ: Cháu bị ho, sốt kéo dài, tiêu chảy, gia đình cho cháu đi khám, nghi ngờ mắc bệnh do virus Adeno gây ra nên được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Qua 5 ngày điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, cháu đỡ sốt sau đó được chuyển về điều trị tại Bệnh viện Nhi Thái Bình. Đến nay, tình trạng cháu ổn định, đã được xuất viện.

Trường hợp nhiễm virus Adeno không phải hiếm gặp. Hàng năm đều ghi nhận các ca mắc. Tuy nhiên, năm nay số trẻ nhập viện do virus Adeno lại tăng cao. Riêng tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số ca mắc từ tháng 8/2022 đến nay đã nhiều hơn cả năm 2021; tăng hơn 45% so với cùng kỳ năm 2021. Tại Thái Bình, qua 5 trường hợp nghi mắc virus Adeno được Bệnh viện Nhi Thái Bình lấy mẫu xét nghiệm gửi trung ương đã có 4 trường hợp có kết quả dương tính.

Bác sĩ Trần Quý, Phụ trách Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Thái Bình chia sẻ: Giống như cúm, virus Adeno hoạt động quanh năm và có thể gây bệnh cho nhiều lứa tuổi, nhất là trẻ em, người có hệ miễn dịch kém. Những năm trước, trên địa bàn tỉnh đều có bệnh nhân nhưng rải rác. Triệu chứng phổ biến của người mắc bệnh do virus Adeno là sốt cao, sốt liên tục, đáp ứng kém với một số thuốc hạ sốt, ho, khò khè. Một số trẻ bị viêm kết mạc, các bệnh lý ở đường tiêu hóa... Bệnh do virus Adeno dễ nhầm với viêm phổi do virus đường hô hấp khác hoặc vi khuẩn khác như: bệnh cúm, Covid-19. Tuy nhiên, bệnh nhân mắc bệnh do virus Adeno thường sốt cao kéo dài, thậm chí có trẻ đã sốt khoảng 2 tuần. Đường lây của virus Adeno chủ yếu qua giọt bắn và tiếp xúc trực tiếp giữa người với người. Ngoài ra, bệnh còn có thể lây truyền khi tiếp xúc, sử dụng chung những vật dụng cá nhân với người bệnh.

Tùy theo thể trạng, ở người khỏe mạnh bệnh có thể tự khỏi. Song, với trường hợp sức đề kháng kém, hệ miễn dịch suy yếu và trẻ em nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm trùng nặng, có thể suy đa tạng, gây nguy hiểm đến tính mạng... Hiện nay, virus Adeno chưa có vắc-xin phòng ngừa. Bệnh do virus Adeno gây ra cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chủ yếu điều trị triệu chứng. Virus Adeno có khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng và gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.

Trẻ nhiễm virus Adeno điều trị tại Bệnh viện Nhi Thái Bình.

Để phòng lây nhiễm virus Adeno, bác sĩ Đỗ Mạnh Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Thái Bình khuyến cáo: Các bậc phụ huynh cần bảo đảm dinh dưỡng cho trẻ. Ở trẻ dưới 6 tháng tuổi phải được bú mẹ hoàn toàn; cung cấp đủ các vitamin, sữa... để tăng cường sức đề kháng, miễn dịch cho trẻ; không cho trẻ tiếp xúc với các nguồn lây, người đang bị sốt, ốm; đưa trẻ đi tiêm chủng theo chương trình tiêm chủng quốc gia để trẻ có hệ miễn dịch tốt, kháng lại các loại virus gây ra các bệnh dịch trong thời gian qua. Nguồn lây truyền chủ yếu qua giọt bắn. Do đó, khuyến cáo người dân, các bậc phụ huynh hạn chế cho trẻ đến nơi đông người không cần thiết; nếu có việc đến nơi đông người phải đeo khẩu trang. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần thường xuyên vệ sinh đồ đạc, dụng cụ, đồ chơi của trẻ không chỉ phòng virus Adeno mà còn phòng các bệnh truyền nhiễm khác. Đưa trẻ đến các cơ sở y tế để thăm khám kịp thời khi thấy trẻ có những dấu hiệu sốt cao, ho, khò khè có thể kèm theo viêm kết mạc mắt và rối loạn tiêu hóa.

Hoàng Lanh