Chủ nhật, 17/11/2024, 04:56[GMT+7]

Vụ K+ nhìn từ Luật Cạnh tranh

Thứ 2, 23/08/2010 | 07:52:00
2,806 lượt xem
Luật Cạnh tranh đang ngày càng gắn với đời sống doanh nghiệp dù muốn hay không. Mượn trường hợp K+ để phân tích, tác giả giúp cho độc giả, nhất là các doanh nghiệp, có cái nhìn thấu đáo hơn về luật này nhằm rút ra bài học cho doanh nghiệp mình.

Nhân viên của K+ đang giới thiệu dịch vụ ở TPHCM. Ảnh: TBKTSG

Chiếm vị trí thống lĩnh thị trường (mà độc quyền chỉ là trường hợp đặc biệt khi không còn đối thủ cạnh tranh), vẫn luôn là mục tiêu và động lực của doanh nghiệp, vì ở vị thế này, họ có thể dễ dàng đạt lợi nhuận tối ưu. Cuộc chạy đua giành vị trí thống lĩnh thị trường cũng góp phần thúc đẩy cạnh tranh hiệu quả.

Vì vậy, không ai cấm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường cả. Luật Cạnh tranh chỉ cấm hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường và không cho phép hình thành vị trí thống lĩnh thị trường nào có nguy cơ lạm dụng cao. Luật Cạnh tranh của Việt Nam chỉ nêu hai yếu tố để coi một doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường là có thị phần từ 30% trở lên, hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh.

Không vi phạm Luật Cạnh tranh ở góc độ độc quyền...

Để tham gia thị trường tiêu thụ, doanh nghiệp - trong tư cách người chào hàng - trước hết luôn tìm cách có được những lợi thế cạnh tranh của người bán hàng sao cho chỉ mình họ là người có nguồn hàng duy nhất. Đó có thể là nhượng quyền thương mại (franchise), độc quyền phân phối, độc quyền sử dụng, khai thác quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp. Như K+ mua độc quyền phát hành tác phẩm là các chương trình thu hình giải ngoại hạng Anh, như một số công ty dược phẩm mua patent sản xuất độc quyền thuốc đặc trị tại Việt Nam.

Nói chung, những độc quyền như vậy chỉ bảo vệ họ không bị cạnh tranh bởi các đối thủ khác (người bán) cũng muốn được phân phối chính các sản phẩm này và họ được bảo vệ trước hết bởi Luật Sở hữu trí tuệ. Nhưng trên thị trường tiêu thụ, độc quyền đó không phải là một bảo đảm để người tiêu dùng chỉ mua sản phẩm của họ mà không mua các sản phẩm khác có tính năng tương tự, có thể thay thế, để đáp ứng nhu cầu của mình.

Xác định thị trường liên quan là việc làm đầu tiên, quan trọng, tốn kém và cũng khó khăn nhất để trả lời câu hỏi liệu một doanh nghiệp có lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường hay không. Thị trường liên quan theo Luật Cạnh tranh gồm thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan. (Ở châu Âu còn thêm thị trường thời gian liên quan).

Đối với K+, thị trường tiêu thụ các chương trình phát sóng giải ngoại hạng Anh chẳng hạn, trước hết là thị trường cung cấp các chương trình truyền hình giải trí gồm các chương trình thể thao, văn hóa văn nghệ, trò chơi truyền hình... để đáp ứng nhu cầu giải trí bằng truyền hình của người dân.

Tại thị trường hẹp hơn là thị trường các chương trình thể thao thì K+ cũng phải cạnh tranh với chương trình về các môn thể thao khác như quần vợt, đấm bốc, bơi lội, đua xe hơi, xe đạp. Hẹp nhất (chỉ tính riêng môn bóng đá), K+ phải cạnh tranh với chương trình phát sóng giải vô địch các nước khác như của Đức, Bồ Đào Nha, Nga... Các thị trường này đều có thể là thị trường liên quan của K+.

Phạm vi cụ thể của thị trường sản phẩm liên quan chủ yếu được xác định theo nguyên tắc khả năng thay thế chức năng theo góc nhìn của người tiêu thụ (yếu tố cầu). Toàn bộ sản phẩm, dịch vụ - theo cách nhìn của người tiêu thụ về tính chất, giá cả, mục đích sử dụng - mà tương đương, có thể thay thế nhau, đều thuộc vào thị trường sản phẩm liên quan.

Hiện nay, khả năng thay thế được xác định qua điều tra giả định ý kiến người tiêu dùng bằng phương pháp thử SSNIP-Test (Small but Significant Non-transitory Increase in Price). Theo đó, hai sản phẩm A, B cùng thuộc thị trường liên quan, nếu khi giá mua A tăng từ 5-10% trong một khoảng thời gian đủ dài, thì người tiêu thụ sẽ chuyển sang mua B. Nếu A, B thuộc thị trường liên quan thì tiếp tục giả định tăng giá A và B để xác định C. Điều tra sẽ chấm dứt tại sản phẩm X khi việc tăng giá các sản phẩm A, B, C... không làm người tiêu thụ chuyển sang mua X mà sẵn sàng chấp nhận tăng giá. Thị trường sản phẩm liên quan sẽ bao gồm các sản phẩm được điều tra không phải là X.

Xác định một doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường trên thị trường liên quan của mình hay không, cũng không dễ. Bản chất của nó là xác định liệu doanh nghiệp đó có thể tăng lợi nhuận bằng những cách thức tùy thích - thường là tăng giá bán - mà không cần phải chú ý đến phản ứng của người tiêu thụ, của đối thủ cạnh tranh hay không.

Để làm được điều đó, phải điều tra phân tích cả ba bên tham gia thị trường là doanh nghiệp (thị phần, sức mạnh tài chính, cơ cấu tổ chức, hệ thống phân phối...), đối thủ cạnh tranh (sức mạnh tài chính, khả năng chuyển đổi sản phẩm, khả năng thâm nhập thị trường...), người tiêu thụ (tập quán, thói quen, thu nhập...) và cuối cùng là cơ cấu thị trường dưới góc độ cạnh tranh (số lượng các đối thủ cạnh tranh, thị phần...).

Cuối cùng mới là việc xem xét những hành vi cụ thể của doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh thị trường có phải là hành vi lạm dụng bị cấm hay không.

Như vậy, không thể đánh đồng việc K+ được độc quyền sử dụng quyền tác giả (chương trình ghi hình giải bóng đá) là độc quyền trên thị trường liên quan rồi từ đó lên án họ tăng giá hay áp đặt điều kiện giao dịch.

...nhưng có thể vi phạm Luật Cạnh tranh ở những góc độ khác.

Tuy nhiên, không áp dụng Luật Cạnh tranh để điều tra các doanh nghiệp tham gia mua bản quyền với Công ty MP & Silva cũng là một thiếu sót. Lý do:

- Các doanh nghiệp như SCTV, VCTV, VTC, K+ đều có phần góp vốn quan trọng của VTV ở mức không thể bỏ qua tiếng nói của VTV. Việc các doanh nghiệp này dễ dàng nhường cho K+ thắng thầu có thể là hành vi “thông đồng để một bên của thỏa thuận thắng thầu trong việc cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ”, vi phạm khoản 8, điều 8 Luật Cạnh tranh.

- Thực tế cho thấy, hiện nay các doanh nghiệp khác vẫn có thể được khai thác, sử dụng lại các chương trình độc quyền của K+, nhưng với điều kiện tối thiểu là phải tuân thủ các điều kiện do K+ đã ký kết với MP & Silva. Không thể loại trừ rằng, K+ và VTV, SCTV, VCTV, VTC đã biết và tính toán trước là các điều kiện này sẽ bảo đảm lợi nhuận cao cho mình. Họ chủ đích để K+ ký hợp đồng với MP & Silva, nhằm hợp thức hóa, biến những điều kiện đó thành điều kiện bắt buộc tối thiểu - không thể thương lượng - ép các bên thứ ba muốn sử dụng lại các chương trình do K+ độc quyền. Nếu đúng vậy, họ đã “thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách gián tiếp”, vi phạm khoản 1, điều 8 Luật Cạnh tranh.

- Phát thanh, truyền hình là lĩnh vực độc quyền của Nhà nước. Theo điều 15 Luật Cạnh tranh, Nhà nước có quyền và trách nhiệm kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Vì vậy, giá mua bán chương trình của K+, VTV, kể cả của liên doanh VSTV cũng phải do Nhà nước quyết định (mục a, khoản 1, điều 15 Luật Cạnh tranh). Cần điều tra làm rõ cơ quan nhà nước có thẩm quyền nào đã vi phạm điều 15 Luật Cạnh tranh, bỏ qua trách nhiệm kiểm soát giá cả này.

Nhà nước là người đại diện bảo vệ quyền lợi chung của xã hội. Lẽ ra Cục Quản lý cạnh tranh là đại diện nhà nước trong lĩnh vực cạnh tranh đã phải chủ động tiến hành điều tra các hành vi trên mà không cần phải có đơn khiếu nại. Cần có quy định cụ thể để Cục Quản lý cạnh tranh có trách nhiệm chủ động điều tra những hành vi cạnh tranh nào: a) gây ảnh hưởng đến một số lượng lớn người tiêu dùng; b) của doanh nghiệp độc quyền nhà nước; hoặc c) của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền nhà nước.

Theo TBKTSG

  • Từ khóa