Thứ 6, 15/11/2024, 21:51[GMT+7]

Kiên quyết giải tỏa vi phạm, bảo đảm an toàn đê điều

Thứ 4, 31/03/2021 | 08:22:01
5,500 lượt xem
Thực hiện Luật Đê điều, Chỉ thị số 18/CT-UBND, ngày 21/10/2019 của UBND tỉnh về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và quản lý bãi sông, bãi triều ven biển (Chỉ thị 18), thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đơn vị trong việc phát hiện, xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm vào hệ thống đê điều. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng phó với sự cố mùa mưa bão, bảo đảm an toàn đê.

Lực lượng chức năng phá dỡ công trình xây dựng vi phạm gây cản trở hành lang thoát lũ trên bãi sông triền đê Trà Lý thuộc địa phận huyện Đông Hưng.

Thái Bình được bao bọc bởi hệ thống đê sông, đê biển khép kín với tổng chiều dài 356,3km đê trung ương (trong đó 290,356km đê từ cấp III đến cấp I; 65,944km đê chưa được phân cấp) và 228,3km đê bối, bờ bao, bờ vùng, có 116 xã có đê. Do nhiều tuyến đê đi qua các khu dân cư, sản xuất nông nghiệp ở khu vực ngoài bãi sông và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ngày một tăng nên thường xuyên phát sinh những vi phạm pháp luật về đê điều và phòng, chống thiên tai. Bên cạnh đó, do các con sông chính ở Thái Bình nằm ở hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình nên từ lâu đã tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống giao thông thủy ở Thái Bình phát triển, kéo theo đó là việc hình thành nhiều bến bãi tập kết, trung chuyển và kinh doanh vật liệu xây dựng trên các bãi sông dọc các tuyến đê. Các bến bãi có đóng góp nhất định cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tuy nhiên, hoạt động của các bến bãi tồn tại theo lịch sử cũng có những mặt hạn chế, đặc biệt như tình trạng bến bãi trái phép, chất tải vật liệu trong hành lang bảo vệ đê điều, tình trạng xe quá tải vận chuyển vật liệu đi trên đê. 

Xác định những hành vi vi phạm Luật Đê điều sẽ đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn của các tuyến đê, làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống lụt bão, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Thực hiện Chỉ thị 18 của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương đẩy mạnh việc thực hiện công tác quản lý đê, xử lý vi phạm Luật Đê điều và Luật Phòng, chống thiên tai. Trong đó, quy định trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị nhà nước trong công tác quản lý, bảo vệ đê điều và quy chế phối hợp trong công tác quản lý, phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều. 

Với chức năng là cơ quan thường trực, Chi cục Thủy lợi tỉnh cũng đã ban hành nhiều văn bản đề nghị các địa phương xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn; chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan tiến hành kiểm tra thực tế, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tính đến tháng 3/2021, số vụ vi phạm mới phát sinh giảm hẳn. Theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2019, toàn tỉnh phát sinh 156 vụ, năm 2020 số vụ phát sinh giảm còn 114 vụ, đầu năm 2021 phát sinh 18 vụ. Toàn tỉnh đã xử lý được 331 vụ vi phạm, trong đó có 118 vụ vi phạm mới phát sinh, 213 vụ vi phạm tồn đọng của các năm trước. Lần đầu tiên tổng số vụ vi phạm tồn đọng cộng dồn giảm (giảm 43 vụ); 50 bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng không nằm trong quy hoạch đã được giải tỏa hoặc buộc phải dừng hoạt động; xử phạt hành chính 80 vụ vi phạm với tổng số tiền 261,5 triệu đồng. 

Ông Phạm Văn Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hưng Hà cho biết: Việc xử lý vi phạm tương đối phức tạp song kinh nghiệm cho thấy, trước hết phải sát sao, kịp thời phát hiện vi phạm mới, sau đó kiên trì vận động các hộ tự nguyện tháo dỡ công trình xâm lấn, kiên quyết, bảo đảm công bằng trong xử lý các trường hợp. Thực hiện Chỉ thị 18 của UBND tỉnh, toàn huyện đã phát hiện 38 vụ việc vi phạm mới; tổ chức xử lý triệt để được 25 vụ việc vi phạm, trong đó có 15 vụ là vi phạm mới, 10 vụ tồn đọng của các năm trước; xử phạt hành chính 3 vụ với tổng số tiền 15 triệu đồng.

Mặc dù việc phát hiện, xử lý vi phạm mới phát sinh và giải quyết các vi phạm tồn đọng từ những năm trước đã có những chuyển biến tích cực; tuy nhiên, số vụ vi phạm tồn đọng từ năm 2011 đến nay chưa xử lý được vẫn còn khá nhiều. Để xử lý dứt điểm các vi phạm pháp luật về đê điều và phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với các địa phương, đơn vị kiên quyết xử lý dứt điểm các vụ vi phạm mới phát sinh; xây dựng kế hoạch, lộ trình xử lý dứt điểm các vụ vi phạm tồn đọng, trong đó tập trung xử lý các vi phạm nghiêm trọng, nổi cộm, kéo dài, nhất là các công trình xây dựng trái phép trong phạm vi bảo vệ đê điều, trên bãi sông.

Ngân Huyền