Thứ 7, 16/11/2024, 05:57[GMT+7]

Hỏi - Đáp pháp luật về tiếp cận thông tin

Thứ 2, 12/06/2023 | 09:35:29
2,337 lượt xem

(Tiếp theo số 8860, ngày 5/6/2023)

Câu 2. Việc công khai thông tin được thực hiện bằng các hình thức nào?
Trả lời:

 Khoản 1, Điều 18 Luật Tiếp cận thông tin quy định việc công khai thông tin thực hiện bằng các hình thức sau:

a) Đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước;

b) Công khai trên phương tiện thông tin đại chúng;

c) Đăng công báo;

d) Niêm yết tại trụ sở cơ quan nhà nước và các địa điểm khác;

đ) Thông qua việc tiếp công dân, họp báo, thông cáo báo chí, hoạt động của người phát ngôn của cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật;

e) Các hình thức khác thuận lợi cho công dân do cơ quan có trách nhiệm công khai thông tin xác định.

Câu 3. Việc cung cấp thông tin cho người dân sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được thực hiện bằng hình thức nào?
Trả lời:

Khoản 1, Điều 2 Nghị định số 18/2018/NĐ-CP, ngày 23/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Tiếp cận thông tin quy định việc cung cấp thông tin cho người dân sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được thực hiện bằng nhiều hình thức phù hợp với đối tượng, bao gồm:

a) Thông qua cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước (nếu có);

b) Thông qua hệ thống phát thanh, truyền hình trung ương, địa phương và các hệ thống truyền phát tin khác của địa phương; các chương trình phát thanh, truyền hình tiếng dân tộc và các phương tiện thông tin đại chúng khác tại địa phương;

c) Xây dựng tài liệu chuyên đề, tờ rơi, ấn phẩm; trong trường hợp cần thiết và khả thi thì có thể được chuyển tải bằng ngôn ngữ dân tộc;

d) Tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt cộng đồng để chia sẻ thông tin cho công dân; chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động cung cấp thông tin cho các khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

đ) Lồng ghép hoạt động cung cấp thông tin trong các sự kiện văn hóa - chính trị của cơ quan, địa phương, trong kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật, truyền thông các chính sách mới của các cơ quan nhà nước trên địa bàn;

e) Tăng thời lượng truyền, phát bản tin đối với loại thông tin liên quan đến cơ chế, chính sách của người dân sinh sống tại khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Câu 4. Pháp luật xử lý như thế nào đối với thông tin công khai không chính xác? Trường hợp Ủy ban nhân dân xã công khai thông tin không chính xác do mình tạo ra thì xử lý như thế nào?
Trả lời:

 Đối với thông tin công khai không chính xác được xử lý theo quy định tại Điều 22 Luật Tiếp cận thông tin, cụ thể như sau:

1. Trường hợp phát hiện thông tin do mình tạo ra và đã được công khai không chính xác thì cơ quan đó có trách nhiệm kịp thời đính chính, công khai thông tin đã được đính chính.

2. Trường hợp phát hiện thông tin do cơ quan khác tạo ra nhưng do mình công khai không chính xác thì cơ quan đã công khai thông tin có trách nhiệm kịp thời đính chính, công khai thông tin đã được đính chính.

3. Trường hợp phát hiện thông tin do mình tạo ra nhưng được cơ quan khác công khai không chính xác thì cơ quan tạo ra thông tin có trách nhiệm yêu cầu cơ quan đã công khai thông tin kịp thời đính chính, công khai thông tin đã được đính chính.

4. Trường hợp công dân cho rằng thông tin công khai không chính xác thì kiến nghị với cơ quan đã công khai thông tin đó. Chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị, cơ quan đó có trách nhiệm kiểm tra tính chính xác của thông tin và trả lời cho công dân; trường hợp xác định thông tin công khai không chính xác thì phải kịp thời đính chính, công khai thông tin đã được đính chính.

5. Thông tin công khai không chính xác bằng hình thức nào thì phải được đính chính bằng hình thức đó.

Như vậy, theo quy định nêu trên việc Ủy ban nhân dân công khai thông tin không do mình tạo ra không chính xác thì Ủy ban nhân dân có trách nhiệm kịp thời đính chính, công khai thông tin đã được đính chính.

Câu 5. Công dân được tiếp cận thông tin bằng các hình thức nào?
Trả lời:

 Điều 10  Luật Tiếp cận thông tin quy định công dân được tiếp cận thông tin bằng các cách thức sau:

- Tự do tiếp cận thông tin được cơ quan nhà nước công khai: Đây là cách thức mà công dân tự mình tìm kiếm và khai thác các thông tin mà Ủy ban nhân dân chủ động công khai.

- Yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin.

Câu 6. Pháp luật quy định như thế nào về trình tự, thủ tục cung cấp thông tin trực tiếp tại trụ sở cơ quan cung cấp thông tin?
Trả lời:

 Trình tự, thủ tục cung cấp thông tin trực tiếp tại trụ sở cơ quan cung cấp thông tin được quy định tại Điều 29 Luật Tiếp cận thông tin như sau:

- Đối với thông tin đơn giản, có sẵn có thể cung cấp ngay thì người yêu cầu cung cấp thông tin được trực tiếp đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp tài liệu hoặc yêu cầu cung cấp ngay bản sao, bản chụp tài liệu.

- Đối với thông tin phức tạp, không có sẵn mà cần tập hợp từ các bộ phận của cơ quan đó hoặc thông tin cần thiết phải có ý kiến của cơ quan, tổ chức, đơn vị khác thì chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ, cơ quan được yêu cầu phải thông báo cho người yêu cầu đến trụ sở để đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp tài liệu hoặc nhận bản sao, bản chụp tài liệu hoặc có văn bản thông báo về việc từ chối cung cấp thông tin.

Trường hợp cơ quan được yêu cầu cần thêm thời gian để xem xét, tìm kiếm, tập hợp, sao chép, giải quyết yêu cầu cung cấp thông tin thì có thể gia hạn nhưng tối đa không quá 10 ngày làm việc và phải có văn bản thông báo về việc gia hạn trong thời hạn cung cấp thông tin.

Câu 7. Trình tự, thủ tục cung cấp thông tin qua dịch vụ bưu chính, fax được pháp luật quy định như thế nào?
Trả lời:

 Điều 31 Luật Tiếp cận thông tin quy định trình tự, thủ tục cung cấp thông tin qua dịch vụ bưu chính, fax như sau:

1. Đối với thông tin đơn giản, có sẵn có thể cung cấp ngay thì chậm nhất là 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ, cơ quan được yêu cầu phải cung cấp thông tin.

2. Đối với thông tin phức tạp, không có sẵn mà cần tập hợp từ các bộ phận của cơ quan đó hoặc thông tin cần thiết phải có ý kiến của cơ quan, tổ chức, đơn vị khác thì chậm nhất là 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ, cơ quan được yêu cầu phải thông báo bằng văn bản về thời hạn giải quyết yêu cầu cung cấp thông tin. Chậm nhất là 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ, cơ quan được yêu cầu phải cung cấp thông tin hoặc có văn bản thông báo từ chối cung cấp thông tin.

 Trường hợp cơ quan được yêu cầu cần thêm thời gian để xem xét, tìm kiếm, tập hợp, sao chép, giải quyết yêu cầu cung cấp thông tin thì có thể gia hạn nhưng tối đa không quá 15 ngày và phải có văn bản thông báo về việc gia hạn trong thời hạn cung cấp thông tin.

(còn nữa)

Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp