Thứ 5, 14/11/2024, 11:24[GMT+7]

Sở Tư pháp: Nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở

Thứ 2, 21/10/2024 | 10:41:16
3,910 lượt xem
Hoạt động hòa giải trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã góp phần duy trì, củng cố sự đoàn kết trong nội bộ nhân dân, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phát huy đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư. Để công tác này đạt hiệu quả thực chất, việc nâng cao năng lực, trình độ, kiến thức pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ tập huấn viên, nhất là hòa giải viên ở cơ sở là một trong giải pháp trọng tâm, cốt lõi.

Ảnh minh họa.

Hàng năm Sở Tư pháp và các sở, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở. Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 84/KH-UBND, ngày 13/5/2024 thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024 - 2030” trên địa bàn tỉnh; thường xuyên tổ chức các hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật cho đội ngũ tuyên truyền viên và hòa giải viên ở cơ sở các nội dung Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Hòa giải ở cơ sở; kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải; Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống ma túy; Luật Phòng, chống mua bán người; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Bảo vệ môi trường, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ năm 2024, Luật Đất đai năm 2024...

Riêng 9 tháng đầu năm 2024, Sở Tư pháp tổ chức 5 hội nghị tập huấn nghiệp vụ cho 1.210 hòa giải viên ở cơ sở tại thành phố Thái Bình và các huyện Kiến Xương, Quỳnh Phụ, Hưng Hà và Thái Thụy. Phối hợp với các phòng tư pháp tuyên truyền pháp luật về hòa giải, Luật Đất đai năm 2024; Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ năm 2024 tại 22 xã cho 2.950 tuyên truyền viên, hòa giải viên cơ sở. Trong quý IV/2024, nhằm tiếp tục triển khai các chương trình, đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2024 và các năm tiếp theo, Sở tổ chức 6 hội nghị tuyên truyền pháp luật tại 6 xã thuộc các huyện Hưng Hà, Đông Hưng và Kiến Xương cho trên 1.000 cán bộ, công chức UBND cấp xã, bí thư, trưởng thôn, tuyên truyền viên, hòa giải viên cơ sở, hội viên một số hội, đoàn thể ở xã và nhân dân trên địa bàn (trong đó có 900 đại biểu không hưởng lương từ ngân sách nhà nước), qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật của người dân. 

Thực hiện quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở, mạng lưới tổ hòa giải được tổ chức rộng khắp trên địa bàn tỉnh; cơ cấu tổ chức của tổ hòa giải cơ bản được bảo đảm; đội ngũ hòa giải viên thường xuyên được củng cố, kiện toàn. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.797 tổ hòa giải và 13.484 hòa giải viên. Đa số tổ trưởng tổ hòa giải là bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận, trưởng các tổ chức đoàn thể. Các hòa giải viên được bầu là những người có uy tín, phẩm chất đạo đức, am hiểu văn hóa, phong tục tập quán ở địa phương, có khả năng vận động, thuyết phục người dân chấp hành pháp luật, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình tham gia công tác, được bầu chọn công khai, dân chủ. Hàng năm, bảo đảm 76% hòa giải viên trên địa bàn tỉnh được tập huấn nghiệp vụ. 

Tỉnh đã xây dựng, kiện toàn đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh, cấp huyện để làm nòng cốt triển khai công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ về công tác hòa giải ở cơ sở. Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3181/QĐ-UBND, ngày 17/11/2020 công nhận 5 tập huấn viên cấp tỉnh, gồm lãnh đạo và công chức Sở Tư pháp, MTTQ tỉnh, Hội Luật gia tỉnh. Chỉ đạo phòng tư pháp huyện tham mưu UBND cấp huyện ban hành quyết định công nhận 60 tập huấn viên hòa giải ở cơ sở tại 8 huyện, thành phố là cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở của phòng tư pháp, cán bộ, công chức thuộc tổ chức chính trị - xã hội tham gia công tác hòa giải ở cơ sở; báo cáo viên pháp luật có đủ khả năng, kiến thức, phương pháp để tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên ở cơ sở. Đội ngũ tập huấn viên đều được trang bị tài liệu, văn bản pháp luật, được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nắm vững chính sách, thể chế về hòa giải ở cơ sở; có phương pháp, kỹ năng truyền đạt nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở; luôn phát huy tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, tích cực tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đông đảo cán bộ và các tầng lớp nhân dân, được cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể đánh giá cao. 

Thời gian qua, có nhiều mô hình điểm về hòa giải ở cơ sở đã phát huy hiệu quả như mô hình gia đình hòa giải viên không có người nghiện ma túy và vi phạm pháp luật; mô hình tổ tự quản trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, địa chỉ tin cậy trong phòng, chống bạo lực gia đình; mô hình mỗi cán bộ không chuyên trách là một hòa giải viên tích cực tại địa bàn dân cư... góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và tuyên truyền cho người khác cùng thực hiện. Điển hình như huyện Quỳnh Phụ với mô hình hòa giải ở cơ sở tại tổ hòa giải thôn Mỹ Giá (xã Quỳnh Hưng); tổ hòa giải xã An Thái, An Tràng, An Ấp. 

Với việc chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở và nhiều giải pháp hiệu quả khác, chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng lên, thể hiện rõ nét qua số vụ việc hòa giải không thành có chiều hướng giảm dần qua từng năm, tỷ lệ hòa giải thành qua các năm luôn đạt gần 80%, qua đó góp phần gìn giữ đoàn kết trong cộng đồng dân cư, nâng cao ý thức người dân trong chấp hành, thực thi pháp luật; ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật, giảm bớt số lượng vụ việc phải chuyển đến tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, tiết kiệm được thời gian, kinh phí cho Nhà nước và nhân dân; thúc đẩy cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Hạnh Nga 

(Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp)