Thứ 7, 23/11/2024, 10:22[GMT+7]

Giáo dục thanh thiếu niên, học sinh vi phạm pháp luật: Cần sự vào cuộc của cả cộng đồng

Thứ 4, 23/10/2024 | 10:38:39
4,197 lượt xem
Hiện nay, tình trạng thanh thiếu niên, học sinh vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng, hành vi vi phạm phức tạp, có tính tổ chức. Để giáo dục, nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến cho các em, thời gian qua Công an huyện Quỳnh Phụ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Công an huyện Quỳnh Phụ phối hợp với các trường tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho học sinh.

Gia tăng số vụ vi phạm 

Theo thống kê sơ bộ của Công an huyện Quỳnh Phụ, đến nay, trên địa bàn huyện có hơn 300 thanh thiếu niên có biểu hiện vi phạm pháp luật, trong đó có 148 học sinh bỏ học. Số thanh thiếu niên, học sinh có biểu hiện gây rối trật tự công cộng và cố ý gây thương tích chiếm tỷ lệ cao nhất, 64,3%; số thanh thiếu niên, học sinh có biểu hiện thường xuyên tụ tập, chơi bời, không tuân thủ các quy định về an toàn giao thông (ATGT) như không đội mũ bảo hiểm, đi tốc độ cao khi tham gia giao thông... chiếm 14,2%; số thanh thiếu niên, học sinh có biểu hiện cướp giật tài sản, đánh bạc trên không gian mạng, tàng trữ trái phép vũ khí thô sơ, cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản... chiếm 21,5%. 

Trung tá Phạm Văn Quyền, Phó Trưởng Công an huyện Quỳnh Phụ cho biết: Tội phạm vị thành niên không chỉ có dấu hiệu gia tăng về số lượng mà tính chất, mức độ, thủ đoạn phạm tội cũng diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi; độ tuổi phạm tội ngày càng trẻ hóa, hành vi ngày càng manh động, liều lĩnh, bất chấp pháp luật. Trong năm 2024, Công an huyện Quỳnh Phụ đã khởi tố, điều tra 3 vụ án với 39 bị can, trong đó 17 bị can dưới 18 tuổi có hộ khẩu thường trú tại các huyện Hưng Hà, Thái Thụy và huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng), hầu hết các em đang ngồi trên ghế nhà trường. 

Đáng chú ý, hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật ở học sinh, người chưa thành niên hiện không chỉ xảy ra ở các phương thức, thủ đoạn truyền thống như trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, cướp giật tài sản, bạo lực học đường mà có xu hướng dịch chuyển sang phương thức phi truyền thống như đánh bạc trên không gian mạng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng, kết hợp giữa phương thức, thủ đoạn truyền thống và công nghệ cao. Nguy hiểm hơn, một số đối tượng coi những hành vi phạm pháp như là chiến tích của bản thân, ngang nhiên đăng tải lên mạng xã hội, thách thức cơ quan pháp luật. Công an huyện Quỳnh Phụ đã vào cuộc và kịp thời xử lý. 

Điển hình là trường hợp T.V.Đ, sinh năm 2008, xã Hòa Bình, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng), chỉ vì muốn ra oai khoe chiến tích trên mạng xã hội để câu view, ngày 21/7/2024, Đ. và 5 thanh niên cùng huyện Vĩnh Bảo sang địa bàn huyện Quỳnh Phụ truy đuổi, chặn xe của bị hại, sử dụng kiếm chém vào phần đuôi xe để lấy biển số, rồi ném vỏ chai bia về phía nạn nhân. Công an huyện Quỳnh Phụ đã tiến hành truy xét, kịp thời bắt giữ nhóm đối tượng để điều tra về hành vi cướp tài sản. Hay như trường hợp T.Ư.N, sinh năm 2007, trú tại thôn Vạn Phúc, xã An Ninh (Quỳnh Phụ) cùng N.Đ.T, sinh năm 2007, trú tại thôn Sài, xã An Quý (Quỳnh Phụ) đang là học sinh tại một trường THPT trên địa bàn huyện sử dụng mạng internet đăng nhập vào ứng dụng để đánh bạc với tổng số tiền 50 triệu đồng. Cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án hình sự để điều tra về hành vi đánh bạc.

Cần sự vào cuộc của cả cộng đồng 

Theo phân tích của cơ quan chức năng, nguyên nhân của tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật xuất phát từ thiếu sự rèn luyện, tu dưỡng, nhận thức nông nổi, không tránh được rủ rê, cám dỗ từ mặt trái của xã hội; không được học hành đầy đủ, bỏ học giữa chừng; thiếu sự quan tâm, giáo dục của gia đình, thiếu tình yêu thương của bố mẹ và những người thân. Gia đình, nhà trường cũng như chính quyền địa phương chưa nắm bắt được tình hình học tập, lao động, quan hệ của trẻ, từ đó chưa có sự phối hợp, quản lý dẫn đến chưa kịp thời phát hiện các biểu hiện hư hỏng của trẻ ngay từ sớm. Cùng với đó là những đặc điểm về lứa tuổi, tâm sinh lý của lứa tuổi thanh thiếu niên muốn chứng tỏ, thể hiện bản thân, sống ảo, thích khoe chiến tích trên mạng xã hội, đua đòi, buông thả dẫn tới lạc lối, mất phương hướng, dễ bộc lộ hành vi bột phát mà không lường trước được hậu quả. 

 Công an huyện Quỳnh Phụ xử lý thanh thiếu niên vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

Thấu hiểu, đồng hành và nỗ lực giúp các em trên con đường trở thành những công dân có ích cho xã hội, thời gian qua, huyện Quỳnh Phụ luôn chú trọng giáo dục pháp luật, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho thanh thiếu niên, học sinh. Năm học 2024 - 2025, Trường THPT Nguyễn Huệ có 2.125 học sinh. Nhận thức được tầm quan trọng của việc giáo dục nhân cách cho học sinh trước thời kỳ bùng nổ công nghệ thông tin, nhà trường luôn đồng hành với các em. 

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhà trường luôn coi trọng việc phối hợp chặt chẽ với gia đình trong giáo dục học sinh thông qua việc thành lập ban theo dõi, đội thanh niên xung kích để kịp thời phát hiện, xử lý những vụ việc của học sinh. Đồng thời, phát huy vai trò của đội thanh niên xung kích trong việc phát hiện các hội nhóm, group của học sinh bên ngoài xã hội, manh nha gây mâu thuẫn, bạo lực. Bên cạnh đó, nhà trường thành lập ban tư vấn tâm lý học đường, cử lãnh đạo và giáo viên có kinh nghiệm để tư vấn, định hướng cho học sinh. Nhà trường mở khóa học thay đổi hành vi cho học sinh chậm tiến nhằm giáo dục ý thức để sớm thay đổi hành vi cho các em. Từ sự quan tâm, chia sẻ, động viên kịp thời giúp nhiều học sinh nhận thức được hành vi sai trái của bản thân, qua đó quyết tâm thay đổi để hoàn thiện mình.

Đại tá Trần Quang Thành, Trưởng Công an huyện Quỳnh Phụ

Thời gian tới, Công an huyện chỉ đạo cho công an các xã, thị trấn tham mưu với cấp ủy, chính quyền rà soát toàn bộ trên địa bàn số đối tượng, thanh thiếu niên, học sinh có dấu hiện, biểu hiện vi phạm trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông... để kịp thời răn đe, xử lý theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, nhà trường, gia đình và xã hội luôn đồng hành, phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho lứa tuổi thanh thiếu niên để các em tránh xa vi phạm pháp luật cùng xây dựng xã hội an toàn, lành mạnh.

Ông Vũ Bá Học, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo

Trong từng năm học, nhà trường tích cực phối hợp với các tổ chức đoàn thể, lực lượng công an thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các chuyên đề thiết thực, ý nghĩa, qua đó giáo dục tuyên truyền ý thức đạo đức, giúp các em chủ động điều chỉnh các hành vi. Đối với các em thường xuyên vi phạm nội quy của nhà trường, vi phạm quy định của pháp luật, nhà trường thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp giúp các em tiến bộ.

Em Trần Thu Giang, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Nguyễn Huệ

Là thành viên đội thanh niên xung kích của nhà trường, em luôn gần gũi, thăm dò tâm tư của các bạn để biết những biểu hiện, lối sống lệnh lạc, qua đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn. Khi phát hiện các bạn có biểu hiện vi phạm sẽ báo lại với thầy cô trong trường để khuyên nhủ, giúp các bạn tránh xa những hệ lụy xấu mang lại.


Nguyễn Cường