Thứ 7, 23/11/2024, 10:28[GMT+7]

Đông Hưng - Nhiều vi phạm pháp luật về đê điều chưa được xử lý

Thứ 6, 22/11/2019 | 08:31:40
2,797 lượt xem
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, từ đầu năm 2019 đến nay, Hạt Quản lý đê điều huyện Đông Hưng thường xuyên phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều.

Bãi tập kết vật liệu xây dựng vi phạm hành lang bảo vệ đê mới được Hạt Quản lý đê điều huyện Đông Hưng phối hợp với UBND xã Đồng Phú xử lý.

Hạt Quản lý đê điều huyện Đông Hưng được giao nhiệm vụ quản lý 23,5km đê tả Trà Lý qua địa bàn huyện Đông Hưng, từ K6+600 đến K23+400 và từ K34+600 đến K41+300. Theo báo cáo của đơn vị, hiện nay, tình trạng vi phạm Luật Đê điều trên tuyến đê do đơn vị quản lý diễn ra khá phổ biến, trong khi nhiều vụ vi phạm cũ chưa được xử lý thì đã phát sinh thêm những vụ vi phạm mới. Hành vi vi phạm chủ yếu là làm nhà, xây dựng hàng quán, xây lắp cẩu, kho chứa xăng dầu, chất tải vật tư, làm hàng rào trên mái đê, cơ đê, trong hành lang bảo vệ đê, ngoài bãi sông, đỉnh kè.


Bên cạnh đó, tại một số đoạn đê vẫn xảy ra tình trạng xe vận chuyển vật liệu xây dựng với tải trọng lớn đi trên mặt đê gây hư hỏng nghiêm trọng. Đặc biệt, có những vị trí người dân tự ý chất tải vật liệu lên mái đê, cơ đê, đỉnh kè, gây mất an toàn cho công trình đê, kè. Từ năm 2011 đến nay, Hạt Quản lý đê điều huyện Đông Hưng đã phát hiện 103 vụ vi phạm hành lang bảo vệ đê và hành lang thoát lũ. Riêng từ đầu năm 2019 đến nay, Hạt Quản lý đê điều huyện đã phát hiện mới 8 vụ vi phạm tại các xã Bạch Đằng, Hồng Giang, Trọng Quan, Đông Huy, Đông Lĩnh...


Ông Nguyễn Duy Tuân, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Phú (Đông Hưng) cho biết: Tuyến đê tả Trà Lý đoạn qua địa bàn xã có chiều dài khoảng 3,1km. Qua rà soát của địa phương, trên tuyến đê qua địa bàn xã có 17 công trình vi phạm pháp luật về đê điều. Những công trình vi phạm trên đều đã diễn ra từ hàng chục năm nay nên việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn. Từ đầu năm 2019 đến nay, địa phương đã tuyên truyền, vận động 7 hộ gia đình tự giác tháo dỡ, di chuyển công trình vi phạm ra khỏi hành lang bảo vệ đê và hành lang thoát lũ. Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân để từ đó chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không tái lấn chiếm, vi phạm Luật Đê điều, Luật Phòng, chống lụt bão.


Trao đổi với phóng viên, ông Phan Tiến Đạt, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều huyện Đông Hưng cho biết: Do không có chức năng xử lý nên khi phát hiện hành vi vi phạm chúng tôi chỉ lập biên bản, chuyển hồ sơ đề nghị các địa phương xử lý. Trong 8 trường hợp vi phạm mới trong năm 2019, đến nay các địa phương đã xử lý được 5 trường hợp. Ngoài ra, các địa phương còn xử lý được 12 trường hợp vi phạm từ trước năm 2019 còn tồn tại. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều nhưng chủ yếu là do công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn hạn chế, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân không cao. Một số địa phương chưa nghiêm túc thực hiện chỉ đạo do ngại va chạm, né tránh, dẫn đến thiếu kiên quyết trong việc xử lý vi phạm... Để xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm còn tồn tại, trong thời gian tới Hạt Quản lý đê điều huyện đề nghị UBND huyện Đông Hưng chỉ đạo các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, hỗ trợ các xã có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Đê điều. Tiếp tục tuyên truyền Luật Đê điều tới người dân các địa phương có đê; đồng thời, vận động người dân tự giác tháo dỡ công trình vi phạm trong hành lang bảo vệ đê. Bên cạnh đó, đề nghị Công an huyện, lực lượng thanh tra giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm tình trạng xe chở vật liệu xây dựng vượt quá tải trọng cho phép đi trên đê. Các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra việc cho thuê, quản lý, sử dụng đất trong phạm vi bảo vệ đê điều, ngoài bãi sông...


Phạm Hưng

  • Từ khóa