Thứ 7, 23/11/2024, 14:01[GMT+7]

Hiệu quả mô hình thí điểm về hòa giải, đối thoại tại tòa án

Thứ 2, 09/12/2019 | 13:47:07
2,450 lượt xem
Thái Bình là 1 trong 16 tỉnh, thành phố thực hiện mô hình thí điểm về hòa giải, đối thoại tại tòa án nhân dân hai cấp. Qua một thời gian triển khai, mô hình này đã đạt được những kết quả tích cực.

Tòa án nhân dân huyện Tiền Hải tổ chức hòa giải vụ việc dân sự.

Thực hiện Kết luận của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương, Tòa án nhân dân (TAND) tối cao đã triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại 16 tỉnh, thành phố (từ tháng 11/2018 đến tháng 10/2019 và sẽ kéo dài thêm nếu điều kiện cho phép). 

Theo đó, Thái Bình thành lập 5 trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND tỉnh và các huyện Đông Hưng, Tiền Hải, Thái Thụy và thành phố Thái Bình. Đồng thời, rà soát, lựa chọn, chỉ định 19 hòa giải viên, đối thoại viên là những thẩm phán, kiểm sát viên đã nghỉ hưu, các luật sư có phẩm chất đạo đức, có kỹ năng, phương pháp hòa giải. Phân công các đồng chí chánh án TAND các huyện, thành phố làm giám đốc trung tâm hòa giải, đối thoại tại tòa án cấp huyện, đồng chí Phó Chánh án TAND tỉnh làm giám đốc trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND tỉnh.

Thời gian qua, các trung tâm hòa giải, đối thoại tỉnh đã tiếp nhận, hòa giải trên 1.000 vụ việc; trong đó, hòa giải, đối thoại thành 669 vụ việc. Trong các vụ việc hòa giải, đối thoại thành có 149 vụ việc các đương sự rút đơn hoặc đoàn tụ; 520 vụ việc các đương sự đề nghị tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự. Một số trung tâm tiếp nhận đơn hòa giải nhiều và có tỷ lệ hòa giải thành cao như Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại TAND huyện Đông Hưng (tỷ lệ hòa giải thành 87,5%), Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại TAND huyện Tiền Hải (tỷ lệ hòa giải thành 82,6%); Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại TAND thành phố Thái Bình tiếp nhận 349 vụ việc; Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại TAND huyện Thái Thụy 286 vụ việc. Qua đây đã hòa giải thành nhiều tranh chấp dân sự và kinh doanh thương mại phức tạp.

Đồng chí Nguyễn Thị Linh Nga, Chánh án TAND thành phố Thái Bình cho biết: Các hòa giải viên, đối thoại viên của Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại TAND thành phố Thái Bình là cán bộ đã nghỉ hưu, từng làm công tác chuyên môn và giữ các chức vụ tại ngành Tòa án, Kiểm sát hoặc luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh. Đây là những người có kiến thức sâu rộng về pháp luật, kỹ năng hòa giải tốt, do đó quá trình hòa giải, đối thoại đạt được những kết quả đáng ghi nhận, điển hình là hòa giải viên Bùi Công Các có số lượng vụ việc hòa giải thành trên tổng số vụ việc đã thụ lý là 88/114 vụ việc.

Đồng chí Đỗ Mạnh Tăng, Phó Chánh án TAND tỉnh đánh giá: Các hòa giải viên đã vận dụng sắc bén các quy định của pháp luật, tư vấn, phân tích cho các bên tranh chấp thấy rõ quyền và nghĩa vụ của mình, qua đó đã giải quyết các vụ việc bằng thuận tình, không phải mở phiên tòa xét xử. Công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án đã góp phần không phải mở các phiên tòa làm tốn thêm chi phí, đặc biệt qua công tác hòa giải, đối thoại đã hàn gắn hạnh phúc cho nhiều gia đình, xóa đi mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, không làm phát sinh những vụ việc phức tạp tại cơ sở.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện mô hình thí điểm về hòa giải, đối thoại tại tòa án cũng còn một số khó khăn, vướng mắc. Người dân và một số cơ quan, tổ chức chưa nhận thức được lợi ích và tầm quan trọng của việc hòa giải, đối thoại nên nguồn tiếp nhận đơn khởi kiện chủ yếu đến từ việc tòa án chuyển đơn sang các trung tâm. Tỷ lệ các vụ hòa giải thành đối với các tranh chấp về dân sự, kinh doanh thương mại, nhất là đối với những tranh chấp có tính chất phức tạp còn chưa cao.

Những kết quả tích cực mà mô hình thí điểm về hòa giải, đối thoại tại tòa án đạt được đã góp phần quan trọng để TAND tối cao sớm hoàn thiện cơ sở lý luận, thực tiễn cho việc xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua trong thời gian tới.

Nguyễn Tùng

  • Từ khóa